Triển khai các biện pháp cấp bách phòng chống dịch cúm A/ H1N1

Cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Ngày 19/9, Cục Y tế dự phòng và Môi trường, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam ghi nhận thêm 299 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 

Trong đó, khu vực phía Nam: 202 ca, khu vực miền Bắc: 48 ca, khu vực miền Trung: 37 ca, khu vực Tây Nguyên: 12 ca.

Như vậy, tính đến 17h cùng ngày, Việt Nam đã ghi nhận 6.478 trường hợp dương tính, 07 ca tử vong. 4.624 bệnh nhân đã khỏi ra viện, các trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các bệnh viện, cơ sở điều trị, giám sát cộng đồng trong tình trạng sức khỏe ổn định.

Hiện nay tình hình dịch cúm A/H1N1 tiếp tục diễn biến phức tạp, để hạn chế dịch lây lan trong cộng đồng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người dân bảo vệ bản thân và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch. Đặc biệt, những người mắc bệnh mạn tính, phụ nữ mang thai, người già, trẻ nhỏ... cần được đặc biệt quan tâm tới tình trạng sức khỏe của mình, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh, khi có biểu hiện bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

* Tỉnh Vĩnh Long đã xuất hiện 2 chùm ca bệnh nghi nhiễm cúm A/H1N1 trong các trường học vào các ngày 17 và 18/9/2009. Ngày 19/9, Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm A/H1N1 của tỉnh Vĩnh Long đã họp khẩn cấp và chỉ đạo 8 huyện, thành phố, các ngành chức năng chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân các cách phòng chống dịch bệnh. Ngành Y tế chủ động theo dõi, giám sát, phát hiện và điều trị kịp thời các ca và các chùm ca bệnh nghi nhiễm cúm A/H1N1 trong khi chờ có kết quả xét nghiệm chính thức từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh.


Theo Sở Y tế Vĩnh Long, đến chiều 19/9, bệnh viện dã chiến tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa, huyện Tam Bình đã có 71 học sinh của trường nhập viện với các triệu chứng lâm sàng nghi bị cúm A/H1N1. Trường THCS Nguyễn Trí Trai, huyện Vũng Liêm – nơi có chùm ca bệnh nghi nhiễm cúm A/H1N1 thứ 2 của tỉnh có 19 học sinh có triệu chứng sốt, ho, trong đó, 7 trường hợp đã nhập viện và được cách ly điều trị. Bệnh viện đa khoa huyện Trà Ôn ngày 18/9 cũng tiếp nhận 3 trường hợp nhập viện có triệu chứng sốt và đã được cách ly điều trị. Những học sinh nhập viện đang có diễn biến sức khỏe khả quan, một số đã giảm sốt.

Ngành Y tế Vĩnh Long đã thành lập 3 đội chống dịch lưu động cấp tỉnh và 8 đội lưu động cấp huyện, thành phố với đầy đủ các phương tiện, thuốc men để sẵn sàng ứng cứu các nơi xảy ra dịch bệnh. Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã thành lập khu điều trị cách ly 10 giường bệnh và khả năng mở rộng ra 30 giường nếu có chùm ca bệnh nhập viện. Các bệnh viện huyện và bệnh viện khu vực đã chuẩn bị sẵn sàng khu điều trị cách ly. Các trang thiết bị, thuốc, hóa chất điều trị cho bệnh nhân đã được Ban chỉ đạo phòng chống cúm A/ H1N1 của huyện chuyển đến bệnh viện dã chiến đầy đủ.

* Đến thời điểm này, tỉnh Bắc Giang đã có 48 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1 ở 7/10 huyện, thành phố trong tỉnh. 33 trường hợp đã điều trị khỏi và ra viện. Các trường nghi ngờ mắc cúm A/H1N1 đều được giám sát và theo dõi chặt chẽ.

Xác định dịch cúm A/H1N1 sẽ tiếp tục lây lan rộng trên địa bàn trong thời gian tới, tỉnh yêu cầu ngành y tế thường xuyên tuyên truyền diễn biến tình hình dịch cúm A/H1N1, cách phòng, chống dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng địa phương. Các cơ sở y tế từ tỉnh tới cơ sở tập trung cách ly trị kịp thời người mắc dịch theo hướng điều trị tại cơ sở với sự tư vấn, giám sát chặt chẽ của cán bộ y tế, trường hợp nặng mới lên tuyến tỉnh; tư vấn cho cộng đồng thường xuyên có ý thức phòng, chống dịch. Ngành y tế tỉnh tăng cường giám sát các chùm ca bệnh tại cộng đồng, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh và người tiếp xúc với họ để phát hiện sớm, cách ly điều trị kịp thời.

* Theo Giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi Phạm Hồng Phương, tính đến 17 giờ ngày 18/9, toàn tỉnh đã ghi nhận 33 ca dương tính với cúm A/H1N1, trong đó có 31 trường hợp dương tính là học sinh, 1 trường hợp là nhân viên y tế và 1 trường hợp ngoài tỉnh vào. 19 trường hợp đã được điều trị ổn định và xuất viện. Hiện nay, tỉnh có 4 huyện, thành phố gồm: Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn và thành phố Quảng Ngãi có ca xác định dương tính. Đặc biệt, 7 trường học có ca bệnh xác định và 13 trường học có trường hợp nghi nhiễm.

Ngành Y tế Quảng Ngãi tập trung nguồn lực triển khai thực hiện phòng, chống dịch cúm A/H1N1, hạn chế đến mức thấp nhất số ca mắc và tử vong do dịch cúm A/H1N1 gây ra với tinh thần "4 tại chỗ". Các cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện thu dung, cách ly, điều trị các trường hợp mắc bệnh đã xác định hoặc nghi nhiễm cúm A/H1N1. Ngành Y tế Quảng Ngãi đã huy động trên 400 cán bộ, y, bác sĩ và học sinh trường trung cấp y tế tham gia công tác phòng chống dịch cúm A/H1N1 tại các địa phương. 17 cơ sở khám, chữa bệnh trong tỉnh tham gia khám sàng lọc cho gần 10.000 học sinh tại các trường học; giám sát gần 2.000 trường hợp. Sở Y tế Quảng Ngãi đã hoàn thành việc mua sắm, lắp đặt vật vật tư, trang thiết bị chuyên môn phục vụ công tác phòng, chống dịch, trong đó mua bổ sung hơn 8.000 khẩu trang các loại, tiếp nhận 12.000 viên Tamiflu, 3.000kg hóa chất chloraminB...phục vụ kịp thời công tác phòng, chống dịch.

* Giám đốc Sở Y tế Hà Nam Nguyễn Lập Quyết cho biết: đến ngày 19/9, tỉnh phát hiện thêm 2 ổ dịch mới tại trường THCS Đinh Công Tráng, thị trấn Non (huyện Thanh Liêm) và trường THPT C Duy Tiên (huyện Duy Tiên) với 184 trường hợp có biểu hiện cúm, trong đó 6/7 trường hợp được lấy mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với cúm A H1N1, chưa có trường hợp nào tử vong. Các ca bệnh tại trường THPT C Duy Tiên có biểu hiện bệnh rõ và mức độ lây lan mạnh hơn đối với các trường hợp tại trường THCS Đinh Công Tráng.

Nhận định dịch xảy ra trong trường học, mức độ lây lan nhanh và mạnh, Sở Y tế Hà Nam đã tiến hành triển khai nhiều biện pháp phòng chống như cho toàn trường THPT C Duy Tiên và trường THCS Đinh Công Tráng nghỉ học 1 tuần; điều trị bằng thuốc đặc hiệu (Tamiflu) đối với tất cả bệnh nhân mắc cúm tại 3 ổ dịch; tổ chức chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại nhà và các trạm y tế cơ sở là chủ yếu, chỉ chuyển bệnh nhân lên tuyến trên trong các trường hợp có diễn biến nặng. Ngành tập trung tuyên truyền, hướng dẫn việc thực hiện biện pháp cách ly nghiêm ngặt đối với các trường hợp mắc cúm; củng cố nhân lực, cơ sở vật chất, thuốc, hóa chất, máy móc, phương tiện phòng hộ, các phòng cách ly... sẵn sàng đáp ứng công tác phòng và điều trị. Ngành phối hợp với ngành giáo dục hướng dẫn học sinh, giáo viên thực hiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường; theo dõi sức khỏe của bản thân và gia đình, nếu có biểu hiện mắc cúm thì thông báo cho cơ sở y tế nơi gần nhất... UBND tỉnh Hà Nam đã cấp 3 tỷ đồng cho ngành y tế để phòng chống dịch.

*Sáng 19/9, bệnh viện dã chiến tỉnh Trà Vinh được thiết lập tại trường THPT Phạm Thái Bường đã đóng cửa. Có 11 học sinh tại đây được chuyển về khu cách ly của Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh để tiếp tục theo dõi, điều trị trong tình trạng sức khỏe ổn định. Tính đến 8 giờ ngày 19/9, tỉnh Trà Vinh ghi nhận 22 ca dương tính với cúm A/H1N1, trong đó 18 ca đã xuất viện, 4 ca dương tính còn lại vẫn đang được điều trị, sức khỏe ổn định. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh chưa xuất hiện ổ dịch mới. UBND Tỉnh đã chỉ đạo cho học sinh quay lại trường vào sáng thứ 2 tới. Giám đốc Sở Y tế Trà Vinh, ông Nguyễn Y Khoa cho biết, tình hình dịch cúm A trên địa bàn tỉnh đã cơ bản được khống chế. Ngành Y tế đang tiến hành các biện pháp vệ sinh, phun thuốc khử trùng, tiêu độc ổ dịch, vệ sinh khu vực bệnh viện dã chiến để các em sớm trở lại trường học an toàn.

* Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết: Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh vừa thông báo kết quả xét nghiệm với 8 ca dương tính cúm A/H1N1, nâng tổng số ca mắc bệnh này đến ngày 19/9 ở tỉnh lên 18 ca. Hiện có 162 trường hợp đang trong diện nghi nhiễm cúm tại những điểm trường học, nhà máy chế biến thủy sản, tập trung ở các huyện U Minh, Ngọc Hiển, Cái Nước, Trần Văn Thời, Đầm Dơi và thành phố Cà Mau.

Sở Y tế tỉnh Cà Mau tổ chức các đội lưu động phản ứng nhanh để xử lý, kiểm soát và theo dõi chặt chẽ diễn biến của dịch bệnh, phun hóa chất khử trùng ở các khu dân cư, khu vực chợ, trường học nhằm dập tắt ổ dịch nhỏ, ngăn chặn lây lan; thành lập một số bệnh viện dã chiến tại các điểm trường học, khu dân cư phát sinh dịch để kịp thời cách ly điều trị những trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm cúm A/H1N1. Tỉnh Cà Mau chỉ đạo cho ngành y tế phối hợp với các địa phương phun hóa chất tiêu độc khử trùng tại 100% các điểm trường học, khu dân cư trong tỉnh; tăng cường nhiệm vụ cấp bách về phòng ngừa, phát hiện và điều trị kịp thời đúng phác đồ cho bệnh nhân, trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ phương tiện, thiết bị y tế, thuốc, hóa chất, đội ngũ y, bác sĩ...

Song khó khăn trong công tác phòng chống dịch bệnh hiện nay là ý thức hợp tác của một số bệnh nhân với ngành y tế chưa cao, không tuân theo phác đồ điều trị, hướng dẫn của y, bác sĩ và tỏ ra xem thường dịch bệnh. Nhiều điểm trường học có học sinh bị sốt, nhức đầu, đau họng, ho... là những biểu hiện của cúm A/H1N1, nhưng chậm xử lý, thông báo đến ngành y tế; nhiều học sinh bị nghi nhiễm bệnh chưa được cách ly điều trị, vẫn đi học bình thường, gây lo ngại lây nhiễm bệnh cho nhiều học sinh bình thường, khỏe mạnh khác.
* Khoa Y học nhiệt đới (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum) cho biết: Ngày 19/9, trên địa bàn tỉnh đã có 2 ca nhiễm cúm A/H1N1. Cả hai trường hợp bị nhiễm cúm đều là học sinh lớp 7D trường Phổ thông THCS thực hành sư phạm Lý Tự Trọng (thành phố Kon Tum). Cả hai ca nhiễm này đang được cách ly và điều trị khoa y học nhiệt đới (Bệnh viện đa khoa tỉnh Kon Tum).

Theo Bác sĩ Ngô Đây- Phó Trưởng khoa Y học nhiệt đới: Cả hai trường hợp nhiễm cúm A/H1N1 đều được phát hiện và nhập viện sớm nên khả năng điều trị khỏi bệnh trong vòng 5 ngày bằng thuốc Tamiflu. Ngoài 2 ca bị nhiễm cúm trên, Khoa Y học nhiệt đới còn nghi ngờ 2 ca bị nhiễm cúm A/H1N1 và đang chờ kết qủa xét nghiệm của Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên. Cũng trong ngày 19/9, ngành Y tế Kon Tum đã phát hiện 8 trường hợp dương tính với cúm A. Hiện các trường hợp này đã được gửi mẫu đến Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên để xác định chủng loại.

Trước tình hình dịch cúm diễn biến phức tạp, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh và ngành giáo dục Kon Tum quy định: Nếu trường nào có học sinh bị nhiễm cúm sẽ phải cho học sinh nghỉ học để phun hóa chất khử độc, toàn bộ cán bộ, giáo viên, học sinh phải mang khẩu trang khi đến trường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên