Triển vọng toàn cầu của cây trồng biến đổi gen

Với diện tích trồng năm 2011 tăng tới 94 lần so với năm 1996, cây trồng biến đổi gen trở thành công nghệ cây trồng được đưa vào ứng dụng nhanh nhất trong lịch sử.

Cây trồng biến đổi gen, hay còn gọi là cây trồng công nghệ sinh học, được thương mại hóa trên toàn cầu và bắt đầu được ứng dụng tại một số nước vào năm 1996.

Do đem lại những lợi ích đáng kể, diện tích trồng cây công nghệ sinh học (CNSH) tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2011; từ 148 triệu ha (2010) đã đạt đến 160 triệu ha.

Với mục đích ứng dụng cây trồng CNSH vào Việt Nam, chiều 23/2, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA) tổ chức Hội nghị “Hiện trạng thương mại toàn cầu cây trồng biến đổi gen năm 2011”.

Ông Clive James (Chủ tịch ISAAA) trình bày bài thảo luận

Từ năm 1996 đến 2010, cây trồng CNSH đã đóng góp cho an ninh lương thực, phát triển bền vững và biến đổi khí hậu bằng cách tăng sản lượng cây trồng với trị giá 78,4 tỷ USD; tạo một môi trường tốt hơn bằng cách tiết kiệm 443 triệu kilogam thuốc trừ sâu. Riêng năm 2010, đã giảm 19 tỷ kilogam lượng khí thải CO2; tương đương với khoảng 9 triệu xe ô tô trên đường. Bảo tồn đa dạng sinh học bằng cách tiết kiệm 91 triệu ha đất. Giúp xóa đói giảm nghèo bằng cách giúp đỡ 15 triệu nông dân nhỏ.

Trong năm 2011, cây trồng CNSH đã được 16,7 triệu nông dân tại 29 nước đưa vào canh tác trên diện tích 160 triệu ha (tăng so với mức 148 triệu ha năm 2010). Trong số 29 nước canh tác cây trồng CNSH này có 19 nước đang phát triển và 10 nước công nghiệp.

Theo ông Clive James (Chủ tịch ISAAA – Tổ chức quốc tế về tiếp thu các ứng dụng về CNSH trong nông nghiệp) thì có 3 yêu cầu cấp thiết để tiếp tục thành công trong việc thương mại hóa cây trồng CNSH. Thứ nhất: các nước phải bảo đảm thiện chí chính trị và sự hỗ trợ. Thứ hai: phải phát triển các công nghệ đặc tính thay đổi định hướng sáng tạo sẽ có tác động cao. Thứ ba: đảm bảo việc bãi bỏ các quy định kiểm soát dựa trên cơ sở khoa học và tiết kiệm chi phí, thời gian để cung cấp cho nông dân các công nghệ mới để tiếp tục tăng diện tích và năng suất kịp thời.

Trong tương lai, việc ứng dụng cây trồng CNSH hướng tới Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ năm 2015 và xa hơn nữa, giảm một nửa tỷ lệ đói nghèo bằng cách tối ưu hóa năng suất cây trồng và gia tăng phúc lợi xã hội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên