Trung thu ấm áp yêu thương…

Trung thu này, được ca hát trong vòng tay yêu thương của mọi người, hàng trăm trẻ em bị ảnh hưởng bởi ma tuý, HIV/AIDS tại Hải Phòng thêm ấm lòng.

Trong số các địa phương có nhiều trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, quận Lê Chân (Hải Phòng) là một trong những địa phương thuộc điểm nóng. Cận Tết Trung thu, chúng tôi về đây đúng dịp Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Hải Phòng, UBND TP Hải Phòng, Ngân hàng Standard Chartered, Trung tâm nghiên cứu sức khỏe cộng đồng và phát triển (COHED) đồng phối hợp tổ chức chương trình Trung thu cho trẻ em OVC (trẻ em bị ảnh hưởng bởi ma tuý, HIV/AIDS, mồ côi…) vào chiều 11/9. Tại đây, nhiều câu chuyện cảm động được chính những người trong cuộc chia sẻ.

“Con mong có nhiều bạn chơi cùng…”

Khi tôi hỏi về gia cảnh, cháu Nguyễn Bá Nhung (lớp 8, trường THCS Nguyễn Bá Ngọc, quận Lê Chân) giọng nghẹn ngào, kể: “Bố cháu mất rồi, giờ nhà cháu có 2 anh em ở với mẹ. Mẹ cháu không có nghề gì, nhà nghèo, chúng cháu thương mẹ vất vả lắm… Hai anh em cháu ít bạn chơi cùng, tủi thân lắm. Nhưng cháu cũng biết nhiều bạn khác vì bố mẹ bị HIV/AIDS, có người còn sống, có người đã mất rồi, nhưng cũng bị mọi người kỳ thị, không được quan tâm. Khi đến lớp học, nhiều bạn không có người chơi cùng…”. Nói đến đây, Nhung giàn giụa nước mắt, không nói được thành lời. Tôi động viên: “Hôm nay đến đây vui Trung thu, đừng khóc nhè thế chứ. Cháu là học sinh giỏi rồi, giờ cần thêm cứng rắn nữa đấy. Còn nhiều người tốt mà cháu. Bắt tay chú nào?”. Nhung đưa một tay nắm lấy bàn tay tôi, một tay lau nước mắt. Tôi tiếp lời: “Đấy, thế mới là Nhung chứ”. “Nhung có mơ ước gì kể chú nghe nào?”- Tôi hỏi, Nhung khẽ bảo: “Cháu mong tất cả các trẻ em đều có nhiều bạn chơi cùng cho đỡ tủi thân. Và lớn lên cháu muốn làm công an để bắt hết những kẻ xấu như trộm cắp, bán ma túy...”.

Phá cổ Trung thu.

Còn em Vũ Văn Huy, học lớp 2 trường tiểu học Cát Bi, đang rụt rè đứng cạnh hàng ghế chưa dám ngồi, tôi lại gần, chủ động ngồi và hỏi: “Sao con không ra kia đùa với mấy bạn cho vui, sắp được phá cỗ rồi đấy?” Huy ấp ứng: Con bị bệnh AIDS rồi… sợ lắm…. Bố con mất rồi, mẹ bỏ con đi đâu không về… Nhà con có 3 chị em cơ, nhưng mình con bị bệnh nên mọi người cho con vào Trường Giáo dục lao động Thanh Xuân ở để được đi học…. Tôi không dám hỏi thêm gì nữa, chỉ biết nắm chặt tay, bảo: “Con phải cố gắng học giỏi đấy nhé”. Huy khẽ đáp: “Vâng ạ!”.

Thấy cô bé gầy gò, nước da tái xanh đang ngồi khư khư sát một cụ ông, hai tay bé cứ ôm chặt lấy tay ông, tôi đến ngồi bên hỏi chuyện. Ông cụ bảo: “Con bé tên Trần Thị Hoàng Yến. Cháu nội tôi đấy, 10 tuổi rồi mà nhát lắm”. Yến đang sống cùng ông bà nội ở phường Đông Hải (Lê Chân, Hải Phòng). Cháu đang mang trong mình virus HIV. Bố cháu mất đã lâu vì AIDS. Yến run run giọng: “Cháu không biết mặt bố. Mẹ cháu đang ốm nặng ở nhà. Hôm nay cháu được ông đưa đến đây nhận quà Trung thu. Lát nữa cháu sẽ mang quà về khoe với mẹ…”. Ông quý và chiều cháu lắm nhỉ? – Tôi hỏi. Yến bảo: “Vâng, có mỗi ông bà quý cháu nhất thôi. Chẳng có bạn chơi với cháu, cháu toàn được ông dắt đi chơi. Cháu mong nhanh lớn để làm thợ may giống ông”.

Nước mắt chảy theo…

Một bà cụ tóc bạc trắng, ánh mắt buồn thăm thẳm, đang ngồi cùng hàng ghế với những đứa trẻ không may mắn. Bà là Vũ Hồng Thuý (phường Tô Hiệu), bà nội của cháu Nguyễn Thị Hà. Bà Thuý kể: Bố cháu nghiện hơn 10 năm rồi. Thấy chồng nghiện, vợ nó bỏ đi biền biệt, ít khi về nhà. Giờ mình tôi 72 tuổi, chỉ trông vào đồng lương hưu hơn 2 triệu để nuôi cả hai bố con nó. Cực lắm. Hàng xóm kỳ thị, ở trường nhiều bạn nó xa lánh. Nhiều hôm cháu nó ra xóm chơi cũng không đứa nào chơi cùng. Thành thử, thân già này, thương cháu nên làm bạn với nó cho đỡ tủi. Cứ nhìn cháu thui thủi một mình mà tôi không cầm được nước mắt. Đau đau lòng lắm chứ ạ, từ khi nó mới 4 tuổi mà bố mẹ những đứa bạn khác cùng lứa cũng không cho chúng chơi cùng nhau. Có đứa còn bảo: Con bé này có bố nghiện, không chơi với nó nữa. Đã thế, bọn trẻ còn xúi nhau cùng xa lánh cháu tôi. Giờ bà già này chẳng biết vo sao cho tròn nữa. Cho cháu đi với mẹ nó không đành, bố nó thì không nuôi được. Chẳng biết tôi còn sống được bao nhiêu nữa để mà chăm sóc bố con nó. Nuôi con, người mẹ nào chẳng muốn nó nên người, đẹp mặt cơ chứ. Nhưng sự đời éo le là thế.…”. Bà buông tiếng thở dài…

Nụ cười hồn nhiên của trẻ khi nhận quà Trung thu.

Trong khi đó, chị Quách Thị Thành, ngồi kế bên, nghe bà Thuý kể chuyện thì chị cũng ròng ròng nước mắt. Chị Thành có chồng nghiện hơn 10 năm nay, gia cảnh khánh kiệt. Tôi hỏi chuyện con “virus H” có tấn công vào gia đình chị không? Chị nghẹn ngào trong nước mắt: “Khổ thân con bé nhà tôi lắm. Bố mẹ thì dù sao cũng đã đành, nhưng nó mới học lớp 3, nó có tội tình gì đâu mà người ta xa lánh nó. Thương con, tôi chỉ biết mong có sức khỏe để lo cho cháu ăn học như mọi người”.

Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang khi tiết mục ảo thuật của nghệ sĩ Huỳnh Phước bắt đầu. Những cặp mắt ánh lên niềm vui hướng về sân khấu. Chúng tôi cũng hoà cùng niềm vui của các em. Mỗi khi tiết mục kết thúc, những tràng pháo tay vang lên chúng tôi cảm nhận được niềm vui của những ai có mặt trong chương trình này. Đặc biệt, khi được trao quà và phá cỗ Trung thu, dường như mọi sự ngăn cách, dè dặt không còn nữa. Các bậc phụ huynh ai nấy đều tỏ ra ấm lòng khi thấy con em mình thực sự được hoà nhập.

Có tận mắt chứng kiến mới thấy, với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những trẻ em là nạn nhân của HIV/AIDS,… dẫu cuộc đời khó tròn vẹn như mong ước, nhưng Trung thu này, những ánh mắt hồn nhiên, những nụ cười rạng rỡ trên môi các em cũng phần nào cho thấy khi các em được cất tiếng ca yêu đời trong vòng tay yêu thương của các cô bác lãnh đạo, các thầy cô và bạn bè, được phá cỗ Trung thu trong tình thương ấm áp thì hạnh phúc cũng phần nào đến với các em./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên