“Trung uý Calley hãy trở lại Mỹ Lai”

Nhiều người dân Mỹ cho rằng, lời xin lỗi của Calley nên thể hiện bằng việc làm cụ thể. Trung úy Calley hãy trở lại Mỹ Lai, trực tiếp gặp những người dân ở đây và làm một việc gì đó thiết thực hơn

Cuối tuần vừa qua, Trung uý William Calley, sĩ quan Mỹ duy nhất bị truy tố vì vụ thảm sát 504 người dân ở thôn Mỹ Lai (thuộc làng Sơn Mỹ, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi), lần đầu tiên công khai xin lỗi về hành động tội lỗi này trước các thành viên  câu lạc bộ Kiwanis ở thành phố Columbus, bang Georgia của Mỹ. Sau hơn 40 năm im lặng, sống trong sự day dứt, và tội lỗi, lời xin lỗi muộn màng của cựu sỹ quan Mỹ này đã trở thành một chủ đề nóng của báo chí và xã hội Mỹ.

 “Không có ngày nào trôi qua mà tôi không cảm thấy hối hận vì những gì xảy ra ở Mỹ Lai ngày ấy. Tôi cảm thấy ân hận đối với những người dân Mỹ Lai và gia đình họ đã bị sát hại. Tôi rất xin lỗi”. Lời thú tội của Trung uý Mỹ William Calley được rất nhiều báo lớn của Mỹ tô đậm và đăng tải. Tại Mỹ đã hình thành rất nhiều Blog ủng hộ việc làm này của Trung uý William Calley và đều cho rằng lời xin lỗi dù muộn nhưng cũng đã nói ra được sự day dứt của nhiều sỹ quan Mỹ đã từng tham gia vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Phát biểu trên đài phát thanh của Mỹ, ông Al Fleming, Chủ tịch Câu lạc bộ  Kiwanis và là bạn thân của Trung uý William Calley nói: “Tôi hoàn toàn không bất ngờ về những gì William Calley đã nói, bởi vì kể từ khi tôi gặp ông ấy và chúng tôi đã trở thành bạn của nhau, chúng tôi đã ngồi với nhau nhiều đêm đến sáng để bàn về vụ thảm sát Mỹ Lai. Ông ấy nói rằng, những điều mà ông đã làm là do được ra lệnh và hậu quả của nó thật thảm khốc”.

3 cựu chiến binh Mỹ nổi tiếng vì đã tìm cách ngăn cản vụ thảm sát đó, gồm phi công Hugh Thompson, cơ trưởng Glen Andreotta (hai người này đã mất), còn pháo thủ Lawrence Colburn thì cho rằng lời xin lỗi chưa là quá muộn. “Theo tôi quan trọng là những việc làm của ông William Calley sau lời xin lỗi. Có thể ông ta tìm cách quay trở lại Mỹ Lai, đối mặt với những người còn sống và nói lời xin lỗi tại đó. Phải đến gặp họ trực tiếp và làm một việc gì đó thiết thực hơn”- Lawrence Colburn nói.

Nhận xét về phản ứng của các thành viên câu lạc bộ Kiwanis khi được nghe Trung uý William Calley nhận tội và nói lời xin lỗi về vụ thảm sát hơn 500 người dân ở Mỹ Lai, ông Al Fleming- người chứng kiến buổi nói chuyện này cho biết: “Hầu hết buổi kể chuyện, ông ấy gần như thôi miên khán giả, ông ấy nói rất nhỏ và rất thật. Ông ấy trả lời các câu hỏi, không do dự hay quanh co. Khi ông ấy kết thúc, mọi người đã đứng lên vỗ tay rất lâu”.

Pháo thủ Lawrence Colburn cùng phi công Hugh Thompson đã nhiều lần đến Mỹ Lai để thăm lại nơi này, lần gần đây nhất là vào năm ngoái. Pháo thủ Lawrence Colburn cho rằng, nếu Trung uý William Calley chỉ ở Mỹ xin lỗi những nạn nhân Mỹ Lai đã bị giết hại thì chưa đủ. “Đã nhiều lần tôi và phi công Hugh Thompson quay trở lại Quảng Ngãi để gặp gỡ những người sống sót. Những người dân ở đây đã hỏi chúng tôi rằng, tại sao những người phạm tội lại không đi cùng chúng tôi đến đây để nói lời xin lỗi và họ có thể tha thứ. Tôi nghĩ rằng đây là cơ hội để cho ông Calley quay lại Mỹ Lai và có thể ông ấy sẽ nhận được sự tha thứ”./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên