Chết không phải tại số

Ra đường nhiều người chẳng chú ý đến luật giao thông, đi lại tự do như trong sân nhà mình, rồi tai nạn xảy ra, chết người thì bảo chặc lưỡi “số nó vậy”.  

Hà Nội ngày 23/9/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Cả đêm qua tôi không ngủ được mẹ nó à. Buổi sáng chạy một cuốc xe về Thường Tín trong cơn mưa, gặp phải vụ tai nạn giao thông kinh hãi, về đến nhà mà người vẫn run như phải cảm.

Sáng qua, tôi đang lao như điên qua cơn mưa trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ thì gặp đám tắc đường. Biết ngay là tai nạn, nhưng không thể nghĩ rằng lại kinh hãi đến thế. Lách mãi qua đám đông, đến đoạn gầm cầu vượt Thường Tín thì chỉ thấy một đám tan hoang. Những chiếc xe máy gãy vụn trên đường, một chiếc xe khách rúm đít, một cái xe tải bẹp đầu, người bị nạn đã được chuyển đi, nhưng vẫn có thể thấy những vệt máu hoà nước mưa loang đỏ cả đường.

Những người chứng kiến sự việc có kể rằng do cơn mưa lớn quá, nhiều người không thể đi được nên dừng cả dưới gầm cầu vượt để tránh mưa, tạo thành một đám đông tràn hết cả một làn xe. Cơn mưa mù mịt khiến một anh tài xế xe tải không kịp phát hiện đám đông nên vẫn duy trì tốc độ cao lao tới. Gần tới nơi anh ta mới phát hiện đám đông trên đường, dù cố sức đạp phanh nhưng chiếc xe quá nặng, lại đi với tốc độ cao nên vẫn không thể nào dừng được, và tai nạn thương tâm xảy ra.

Đường sá ngày càng hiện đại, nhưng ý thức tham gia giao thông của con người không theo kịp. (Ảnh: muctim)

Viết thư cho mẹ nó mà tôi lại kể câu chuyện thương tâm này thực cũng chẳng hay! Nhưng, cả ngày hôm qua tôi cứ ám ảnh mãi không thôi về sự việc nên chẳng thể nghĩ đến điều gì khác. Tại sao cái chết lại xảy đến một cách kỳ lạ như vậy chứ? Tại sao người lái xe tải lại phóng nhanh như thế khi mà tầm nhìn bị cản trở? Tại sao người ta lại có thể dừng xe một cách tuỳ tiện trên đường cao tốc để trú mưa mà không sợ nguy hiểm? Chẳng thể trả lời những câu hỏi như vậy, tôi chỉ có thể quy cho tại số phận không may mắn của những nạn nhân.

Nhưng, bác giáo Bình thì nhất định không nghĩ thế. Bác ấy bảo: “Ý thức tạo nên số phận, lẽ ra một vụ tai nạn như vậy sẽ không thể xảy ra”. Bác giáo Bình phân tích rằng, gầm cầu vượt dứt khoát không phải chỗ để trú mưa, và về lý thì không thể dừng đỗ tuỳ tiện trên làn đường dành cho xe cơ giới. Tôi cãi lại: “Thế thì người ta gặp mưa trên đường cao tốc, ngoài gầm cầu vượt còn biết trú ở đâu? Ngoài cái lý còn phải nghĩ đến tình huống chứ, các cụ ta chả bảo: “Một trăm cái lý không bằng một tý cái tình” sao?”. Bác giáo Bình nghe vậy thì gật gù: “Ngày xưa câu đó đúng, nhưng bây giờ thì tốc độ sống nhanh hơn, nếu cứ vị tình thì làm sao mà quản lý xã hội được.

Vụ tai nạn sáng qua cũng là vì chúng ta cứ tuỳ tiện mà không tôn trọng những quy tắc để tham gia giao thông” - Tôi cãi, đó là chuyện không may, do nguyên nhân thời tiết! - Bác giáo không đồng tình: “Ai cũng nghĩ như chú, cũng tuỳ tiện như vậy thì tai nạn giao thông làm sao mà giảm bớt được! Đường sá ngày càng hiện đại, nhưng ý thức tham gia giao thông của con người không theo kịp, vẫn mang tư duy đi đường làng thì sẽ tiếp tục có những vụ tai nạn thương tâm như vậy!”.

Tôi nghe ý đó, thấy không cãi được, nhưng cũng có phần tự ái khi đụng đến phần nhà quê trong mình, bực ghê cơ! Mẹ nó mà nghĩ ra điều gì phản bác lại luận điểm trên của bác giáo thì biên thư cho tôi nhé!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên