Đi một ngày đàng, học một sàng khôn

Thứ bảy, Chủ nhật vừa rồi, tôi được bác Cả Khoa đưa đi chơi. Bác Cả bảo: "Chú sắp về ở hẳn tại quê, cũng nên đi đây đi đó một chút cho mở rộng tầm mắt". Thế là tôi được tháp tùng đi Mù Cang Chải, dự lễ hội tôn vinh “ruộng bậc thang”  

Hà Nội ngày 28/9/2010

Gửi mẹ cái Mùa!

Mẹ nó xem ti vi, chắc biết ruộng bậc thang là gì rồi. Nghìn đời nay, cư dân ở một số vùng miền núi đã biết làm ruộng bậc thang. Ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải nước ta đã được công nhận là “di sản thế giới”. Theo tiếng của người Thái ở trên này, “mù cang” nghĩa là “đồi cây thông khô”, còn “chải” là ghép tên mấy xã của vùng này có phong trào cách mạng sớm từ năm 1945. Ấy là tôi nghe giải thích vậy.

Cái thú vị là muốn đến Mù Cang Chải, huyện xa nhất của tỉnh Yên Bái, từ Hà Nội phải đi khá nhiều đường đất. Đầu tiên là theo đường Láng - Hòa Lạc (bây giờ được đặt tên là đại lộ Thăng Long), lên Sơn Tây, qua cầu Trung Hà vượt sông Đà theo đường 32 rẽ vào hai huyện Thanh Sơn và Tân Sơn của đất Phú Thọ. Hai huyện này ngày xưa khi chưa có cầu Trung Hà, được ví như “Xi bê ri của Vĩnh Phú”, vì nó xa xôi hẻo lánh lắm, chứ không rầm rập ngựa xe, đông vui như bây giờ. Đến ngã ba Thu Cúc, thì rẽ phải, đi về phía Ba Khe - Văn Chấn thuộc Yên Bái. Còn rẽ trái là đi về Phù Yên - Bắc Yên thuộc tỉnh Sơn La.

Bác Cả bảo, vốn hai huyện dọc sông Đà này xưa thuộc tỉnh Nghĩa Lộ. Đây cũng là nơi bộ đội ta thời chống Pháp hành quân lên Tây Bắc, qua bến phà Tạ Khoa tới Cò Nò; rồi vượt đèo Pha Đin đánh trận Điện Biên. Tôi nghe mà chỉ muốn chắp cánh bay theo con đường để tới Điện Biên. Nhưng thôi, đành để dịp khác.

Từ Thu Cúc, bọn tôi qua Ba Khe, Văn Chấn thì tới thị xã Nghĩa Lộ. Ở đây có cánh đồng lúa lớn thứ hai ở Tây Bắc, chỉ sau Mường Thanh (là nơi diễn ra chiến dịch Điện Biên) tiếng Thái gọi là Mường Lò. Đang đi trên những đoạn đường núi quanh co, chỉ thấy đồi chè, đồi cây, đến đây tầm mắt được mở rộng. Nhìn cánh đồng lúa chín vàng mà chạnh nhớ tới quê nhà, không còn đồng ruộng thẳng cánh cò bay nữa rồi.

Có đi, mới thấy Nhà nước ta dốc lòng, dốc sức mở mang, phát triển kinh tế ở khu vực miền núi. Cứ nhìn bề ngoài: đường sá thì thuận tiện, xóm làng thì trù phú. Bác Cả bảo: đi sâu vào trong, cũng còn nhiều xóm thôn nghèo. Nhưng thế này cũng là một trời một vực rồi.

Cả đoàn nghỉ lại Tú Lệ, cách Mù Cang Chải 50 cây số. Ở đây có giống nếp Tú Lệ ngon nổi tiếng. Đồ xôi, hạt xôi trong và bóng như có thoa mỡ. Tiếc là lúa chưa chín hẳn, mới có cốm thôi. Bọn tôi ăn xôi nấu từ gạo năm trước. Điều đặc biệt là ở Tú Lệ có suối nước nóng, bà con xây một cái bể lớn, cả bản quây quần tắm chung, nam một phía, nữ một phía. Nữ tắm đúng theo kiểu phụ nữ Thái mẹ nó ạ, nhìn ai cũng thấy da thịt trắng hồng. Mẹ nó đừng nghĩ gì nhé, tôi kể như vậy là để mẹ nó thấy ở trên này giữ được phong tục rất lạ mà nghiêm lắm.

Non xanh nước biếc, đất nước mình thật đẹp. Nhưng có một điều tôi băn khoăn là bà con cứ vô tư xả rác. Rác ngập những chỗ khuất, chỗ lõm trong bản. Rác trôi lấp đầy lòng cống, trôi ra cả suối. Cứ cái đà này thì chẳng bao lâu, lại lâm vào cảnh quê ta bây giờ. Từ Tú Lệ, đoàn vượt đèo Khau Phạ là tới đất Mù Cang Chải. Thật lạ, phía đông đèo Khau Phạ, tịnh không một bóng thông nào. Sang phía Tây, thấy bát ngát là rừng thông.

Vượt đèo Khau Phạ (tiếng địa phương nghĩa là “cổng trời”), tôi lại nhớ những lần hành quân vào chiến trường thời chống Mỹ, cũng mây bay lảng bảng, lắm đoạn sương mù dày đặc. Đến La Pán Tần cách huyện lỵ Mù Cang Chải non hai chục cây số, chúng tôi rẽ vào vùng ruộng bậc thang. Chao ôi là đẹp. Tầng tầng lớp lớp là ruộng, từ chân núi cho đến tận đỉnh. Lúa cũng đã chín vàng. Nhưng tiếc là trời không nắng, nên mấy ông chụp ảnh cứ nhăn nhó suốt.

Tôi thắc mắc hỏi bác Cả Khoa: sao không thấy nhộn nhịp như các lễ hội dưới xuôi, hàng quán chen đầy. Bác Cả Khoa bảo: chú nên mừng mới phải, vì như thế mới giữ được cảnh quan tự nhiên.

Đoạn đường về, tôi được bác Cả Khoa cho ghé vào Suối Giàng, nơi có giống chè Suối Giàng nổi tiếng. Chè cổ thụ mọc thành rừng, mẹ nó ạ. Nhưng Suối Giàng bây giờ còn nổi tiếng vì các loại đá có màu. Tôi vào mấy nhà, thấy bày bán nhiều lắm.

Hỏi một chú đáng tuổi con mình: bà con có nhân giống chè ra không? Chú ấy bảo: cũng chẳng ai trồng mới. Vì không chăm sóc được. Cây non nào mọc được từ hạt chè rơi vãi, sống được thì bà con được nhờ. Chao ôi! Nghĩ như vậy mà lo cho giống chè Suối Giàng, mẹ nó ạ!

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Tôi chắc là đận này về nhà, vợ chồng mình sẽ tổ chức lại cuộc sống tốt hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên