Loạn… phí

Cứ vào đầu năm học, trẻ con Hà Nội lại phải đóng cả núi tiền: tiền học phí, tiền xây dựng trường, tiền hao mòn bàn ghế, tiền mua điều hòa nhiệt độ, rồi những thiết bị điện tử cao cấp như máy chiếu, màn hình LCD…

Hà Nội ngày 18/9/2009

Gửi mẹ cái Mùa.

Lâu nay, bà con nông dân nhà mình cứ hay kêu la chuyện lạm thu phí ở quê. Nói thật nhé! Đừng tưởng ở thành phố thì không bị lạm thu, có điều, thói quen nhẫn nhịn đóng góp của người dân thành thị được rèn luyện từ thuở ấu thơ.

Mẹ cái Mùa không tưởng tượng nổi đâu, mấy ngày qua, chiều chiều đứng ở cổng trường đón thằng cu con chị khách quen, nghe các bậc phụ huynh nói chuyện tiền trường mà gai hết cả người. Ai lại trẻ con tiểu học mà đầu năm học bố mẹ chúng phải đóng cả núi tiền. Ngoài học phí, tiền xây dựng trường, tiền hao mòn bàn ghế, tiền mua điều hòa nhiệt độ, rồi những thiết bị điện tử cao cấp như máy chiếu, màn hình LCD, dàn âm thanh cao cấp, máy vi tính xách tay… bố mẹ chúng còn phải đóng cả tiền từ thiện dù chẳng biết đối tượng làm từ thiện là ai.

Nghe phụ huynh học sinh buôn chuyện, tôi thấy họ cũng bức xúc lắm, bởi rõ ràng có nhiều khoản thu là vô lý. Thực ra, thiết bị cần thiết cho việc dạy và học thì phải là đầu tư cơ bản của nhà trường để sử dụng lâu dài, sao lại bắt học sinh góp tiền mua những thứ đắt tiền ấy, năm nào cũng mua sao? Ai cũng nhận thấy sự vô lý của những khoản tiền trường như vậy, nhưng họ cũng chỉ bức xúc vậy thôi, chẳng ai dám công khai lên tiếng.

Cái chuyện thấy bất bình mà không thể lên tiếng thì mẹ nó chắc hẳn cũng biết rồi. Chẳng ai muốn con em mình trở thành tâm điểm chú ý của thầy cô vì phụ huynh tiếc tiền. Vì thế, dẫu bất bình, dẫu bức xúc, dẫu không thôi bàn tán ngoài cổng trường… nhưng trong cuộc họp phụ huynh thì tất cả đều phải “vui vẻ tự nguyện” mà đóng góp. Có trường, những khoản thu tự nguyện đầu năm học lên tới cả triệu đồng, cứ gọi là méo mặt phụ huynh.

Chuyện lạm thu tiền trường ở thành phố, năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ thu sang “bầu trời bàng bạc, lá cây rụng nhiều” như lời văn trong bài Ngày khai trường của ông Thanh Tịnh là báo chí lại xôn xao. Người nhà quê chúng mình, thấy chuyện gì lên báo cũng nghĩ là sẽ có đổi thay. Tôi lên phố cả năm nay rồi, nghe đài, đọc báo nhiều thì mới biết rằng báo chí thực ra là một phương tiện giúp con người thức tỉnh lương tâm. Song, vấn đề là phải còn lương tâm thì mới có cơ hội thức tỉnh. Nhiều chuyện, báo chí đưa lên, nếu tôi mà là người trong cuộc, đọc, có khi muối mặt, ra đường chẳng dám mở mắt. Nhưng mà, vậy thôi! Chuyện tiền trường năm nào cũng thấy lên báo nhưng mỗi năm thì túi tiền của phụ huynh học sinh càng bị tấn công mạnh mẽ hơn.

Nói đến chuyện này, bác giáo Bình chỉ thở dài: “Bây giờ người ta chỉ xấu hổ khi thiếu tiền, ai còn xấu hổ vì thiếu lương tâm nữa!” - Nghe bác ấy nói vậy, tôi bỗng thấy xót xa vô cùng! Bác ấy trân trọng cái nghề làm thầy của mình lắm, dẫu bỏ dạy lâu rồi, mà mỗi khi nghe tin tiêu cực trong giáo dục, bác ấy vẫn buồn.

Tôi an ủi: “Thực ra, chuyện lạm thu tiền trường thì cũng cần phải trách các phụ huynh. Đúng như bác nói, người ta luôn xấu hổ vì thiếu tiền, nên chẳng ai muốn đứng lên từ chối việc đóng tiền vô lý, sợ mang tiếng. Người khác có, sao mình không có? Nhất là các trường giờ vô cùng tinh vi, mọi khoản thu đều thông qua Ban phụ huynh, ai mà bắt bẻ được!” .

Bác giáo Bình thấy thái độ cảm thông của tôi thì cũng bớt đi vẻ buồn bã: “Cái chuyện lạm thu tiền trường, thực ra các cơ quan quản lý giáo dục thực lòng muốn xử lý thì sẽ xử lý được ngay thôi. Những khoản thu nào là bắt buộc, cứ công khai ra. Còn lại, cấm tiệt việc thu tiền, dù là tự nguyện. Trường nào thu, xử lý nghiêm, tôi đố ai còn dám tái phạm”. - “Bác lại cực đoan rồi!” - Tôi nhận xét.

Bác giáo cười “Phải thế thôi, bệnh nặng phải dùng thuốc kháng sinh liều cao. Tự nguyện cần phải hiểu là những hành động không cần kêu gọi, phụ huynh nào có điều kiện, muốn tặng trường cái nọ, cái kia là chuyện đáng khuyến khích, nhưng tự nguyện mà phải kêu gọi, yêu cầu đóng góp thì cần phải cấm tiệt. Chỉ có cương quyết như vậy thì mới giải quyết được vấn đề…”.

Xem ra, bác giáo Bình nói đúng mẹ nó ạ! Vấn đề là các cơ quan quản lý giáo dục có thực sự coi đây là vấn đề cần chấn chỉnh hay không thôi, mẹ nó nhỉ?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên