Múa rìu qua mắt... bão

Ấy là chuyện bớt xén trong thi công xây dựng mà phải “nhờ” có bão tố thì mới lộ ra.

Hà Nội, ngày 17/11/2009

Gửi mẹ cái Mùa!

Thời tiết bắt đầu chuyển lạnh và hanh khô rồi, mẹ con ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe đấy nhé. Tôi cũng “quán triệt” những lời dặn dò của mẹ nó nên mẹ nó cứ yên tâm, lạnh thế này, chứ lạnh nữa chắc cũng chẳng thể làm tôi ốm được đâu.

Độ rày mẹ nó có thường xuyên nghe đài không? Tôi nghe tình hình bão lũ ở miền Trung mà thấy xót xa cho bà con mình trong đó quá. Trận bão này chưa qua, trận khác đã lại ập về. Năm này qua năm khác, bà con chưa phục hồi được sản xuất và sinh hoạt đã lại bị bão lụt hoành hoành. Cứ gọi là quanh năm vất vả, mẹ nó nhỉ. Mà cũng nhờ nghe đài, đọc báo và chuyện trò với khách đi xe trên này, tôi mới biết ối chuyện nảy sinh từ bão khiến dư luận và nhân dân bất bình lắm.

Đường giao thông bêtông, kè xã Duy Hải  H.Duy Xuyên, Quảng Nam không có cốt sắt, thép, chỉ đặt trên nền đất đá đã bị gãy sập sau bão số 9 - Ảnh TT

Mẹ nó biết không, sau trận bão số 9 hồi tháng trước, cũng ở miền Trung ấy, bao nhiêu công trình giao thông và đê, kè chắn sóng bị phá hỏng tan hoang, thậm chí có nơi mố cầu bị sạt hoàn toàn… Và cũng “nhờ” có bão số 9 vừa qua mà người dân phát hiện ở các đoạn bờ kè bị vỡ, tuyệt nhiên không có cây sắt nào làm lõi bên trong. Tất cả chỉ là khối bê tông gồm đá dăm, đá hộc “kết nối” với nhau bằng xi măng như kiểu người ta xây tường thôi. Thế nên khi sóng lớn tràn qua thì từng khối bê tông “được” bóc ra như thể người ta gỡ từng viên gạch ra khỏi bờ tường vậy. Mẹ nó nghe có thấy khiếp không? Người dân không thể hiểu nổi vì sao một tuyến bờ kè quan trọng bảo vệ cho cung đường nằm ôm sát bờ biển, thường xuyên chịu tác động khắc nghiệt của thiên tai nhưng lại có kiểu kết cấu kỳ lạ đến vậy? Rồi khi có những trụ điện bị ngã đổ, người ta mới phát hiện ra mấy cây trụ bê tông ly tâm đường kính khoảng 30cm, dài khoảng 10m, nặng hàng trăm kg chỉ được… chôn rất sơ sài trên mặt đất. Chính xác là chỉ được cắm xuống đất khoảng 70cm – 1m, chứ hoàn toàn không có móng trụ, không có bê tông liên kết. Bảo sao mà chỉ một trận bão đánh qua đã đổ, mẹ nó nhỉ. Người dân ở đấy vẫn gọi đùa là dám “múa rìu qua mắt... bão” đấy.

Còn cả chuyện bớt xén gạo, hàng cứu trợ cho bà con bị thiên tai bão lũ nữa chứ. Tinh thần tương thân tương ái thì bà con ta có thừa, lá lành đùm lá rách. Rồi Chính phủ cũng hỗ trợ hàng chục nghìn tấn gạo chứ có ít ỏi gì đâu. Thế nhưng nhiều nơi bà con bị thiệt hại thực sự vẫn cứ đói triền miên. Tìm hiểu ra mới biết, có nơi bắt người dân ký nhận 30kg gạo mà thực tế chỉ được nhận có 15kg, có nhà chẳng được nhận một hạt gạo nào mà trong danh sách vẫn thấy ghi nhận 30kg và có chữ ký đàng hoàng, chẳng biết là ai và ký cho mình từ bao giờ nữa.

Chưa hết đâu nhé, trong danh sách nhận gạo cứu trợ dài dằng dặc còn có khối người được nhận mà bà con dân làng ngơ ngác hỏi nhau, chẳng biết người đấy là ai? Sống ở làng nào? Nghĩ mãi thì mấy cụ cao niên mới nhớ, thì ra nhà ông B, bà C gì gì đấy đã chuyển nhà đi cách đây vài chục năm rồi. Thế mà vẫn có tên trong danh sách hỗ trợ và vẫn có chữ ký đàng hoàng. Mẹ nó bảo, thế có quá đáng không cơ chứ? Tôi thấy một vị lãnh đạo đã nói rất đúng: “Nếu như tham nhũng, lãng phí phải xử lý một lần thì lãng phí tiền cứu trợ của nhân dân phải xử lý hai lần. Vì tiền cứu trợ rất thiêng liêng, nó gửi gắm nhiều tình cảm sâu nặng của người dân”. Mẹ nó thấy thế có phải không? Cứ gọi là phải xử lý thật nghiêm thì mới mong lấy lại được lòng tin của nhân dân, mẹ nó nhỉ.

Thôi, tôi dừng bút đây./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên