Tỷ lệ che phủ rừng 39,5% - đâu là giá trị thực?

Tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 39,5%, đó là điều đáng mừng, nhưng vấn đề là chất lượng thực sự của việc che phủ ấy như thế nào là điều đáng bàn  

Tổng kết 13 năm triển khai Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng (1998 - 2010), báo cáo của Chính phủ tại phiên họp Quốc hội ngày 31/10 cho biết: Dự án đã đạt và vượt hầu hết các chỉ tiêu đặt ra, độ che phủ rừng tăng từ 32% năm 1998 lên 39,5% năm 2010, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ, phát triển rừng của người dân, cải thiện môi trường sinh thái, tạo được nhiều vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm lâm sản khác. Tuy nhiên, điều mà dư luận quan tâm ở đây là thực chất tỷ lệ che phủ ấy đã có tác động như thế nào đối với môi trường?

Hiệu quả kinh tế thực sự do rừng đem lại như thế nào? (Ảnh minh hoạ)

Theo báo cáo của Chính phủ do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được ủy nhiệm trình bày sáng 31/10 trước Quốc hội, sau 13 năm, cả nước đã trồng và khoanh nuôi tái sinh được 4,675 triệu ha rừng, đạt 93,5% kế hoạch, diện tích rừng tăng từ 10,4 triệu ha năm 1998 lên gần 13,4 triệu ha năm 2010 (trong đó rừng tự nhiên tăng từ 9,5 triệu ha lên 10,3 triệu ha); độ che phủ rừng tăng từ 32% - 39,5% (mục tiêu là 40%). Tổng nguồn vốn huy động cho dự án này lên đến gần 32.000 tỷ đồng. Dự án đã tác động tích cực đến đời sống của người dân khu vực nông thôn, miền núi.

Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế thực sự mà mấy triệu ha rừng kia mang lại cho đất nước như thế nào, tỷ lệ che phủ rừng có làm thay đổi được cho môi trường hay không là những câu hỏi mà nhiều Đại biểu Quốc hội còn băn khoăn.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước - người con của núi rừng Tây Nguyên đã rất bức xúc khi cho biết, nhiều nơi như Bình Phước, cách đây 10 năm ông đến là rừng xanh, giờ trở lại không thấy rừng đâu nữa. Các nơi như Đắk Nông, miền tây Thanh Hóa và Nghệ An bây giờ rừng cũng còn rất ít. Vì vậy, ông tỏ ra rất “hoài nghi về con số trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là diện tích rừng tự nhiên”.

Một điều nữa là trong 13 năm ấy, đã có bao nhiêu diện tích rừng nguyên sinh, rừng già bị đốn hạ? Nếu cứ lấy diện tích rừng bị phá năm 1998 là 18.377 ha như báo cáo của Bộ, sau bao nhiêu năm tuy có giảm dần nhưng bình quân mỗi năm chúng ta mất đi hơn chục nghìn hecta rừng già do dân di cư lấy đất trồng cà phê, làm rẫy.

Đó là chưa kể một số đối tượng câu kết với cán bộ địa phương, nhân viên kiểm lâm lách luật, lợi dụng việc tận thu lâm sản khai hoang, làm vệ sinh lòng hồ, mở đường làm thủy điện… để khai thác gỗ, mà toàn là gỗ quý, có giá trị cao. Những vụ phá rừng phòng hộ ở Hà Tĩnh, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận… mà báo chí đã nêu trong thời gian qua cho thấy rừng xanh bị rút ruột như thế nào.

Tại một Hội nghị mới đây tại Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ NN- PTNT Cao Đức Phát cho biết: Trong 5 năm (2006-2010), các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ giảm hơn 158.000 ha rừng, trung bình mỗi năm giảm hơn 31.000 ha.

Đến hết tháng 9 năm nay, các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ đã phát hiện 1.710 vụ phá rừng trái pháp luật, thiệt hại 1.047 ha rừng. Một số vụ phá rừng diễn ra có tổ chức, công khai với đông người và đưa ra các yêu cầu giải quyết đất đai, khiếu kiện kéo dài gây khó khăn trong công tác quản lý. Từ khi đường Hồ Chí Minh và các công trình thủy điện A Vương, Sông Tranh, Sông Bung, Khe Diên… mở ra, hàng ngàn ha rừng ở Quảng Nam trở thành những cánh rừng rỗng. Chả thế mà sông Vu Gia chảy từ các huyện Đông Giang, Nam Giang về Đại Lộc được người dân xót xa gọi là “dòng sông gỗ lậu”.

Tỷ lệ che phủ rừng tăng lên 39,5%, đó là điều đáng mừng, nhưng vấn đề là chất lượng thực sự của việc che phủ ấy như thế nào, khi phần lớn trong số diện tích đó là rừng trồng kinh tế, gồm cây công nghiệp và nguyện liệu giấy? Đã là rừng nguyên liệu giấy như keo lai, bạch đàn, tre nứa thì dưới tán nó, liệu có cây gì, con gì sống được? Bởi rừng trồng làm gì có thực bì, sau chu kỳ 5 - 10 năm khai thác, những ngọn đồi vừa được phủ xanh giờ lại bị "cạo trọc" như cũ.

Khi những cánh rừng già, rừng nguyên sinh bị phá đi thì lớp thực bì dày từ 50cm - 1m cũng không còn. Mưa lũ cứ thế mà mặc sức gây xói lở, lũ ống lũ quét. Nói như thế để thấy rằng, đừng vì những con số thống kê đơn thuần mà có thể an tâm vì ta đã đạt mục tiêu tăng độ che phủ của rừng.

Tại phiên họp ngày 31/10, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép dừng dự án trồng 5 triệu ha rừng để tập trung chăm sóc, bảo vệ diện tích rừng đã có. Với nguồn vốn dự kiến huy động hơn 49.000 tỷ đồng, Chính phủ kỳ vọng từ nay đến năm 2020, sẽ nâng độ che phủ rừng lên 44 - 45%, nhằm đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho quá trình phát triển bền vững, lâm nghiệp sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng.

Tuy nhiên mục tiêu nâng độ che phủ rừng phải gắn liền với yêu cầu ổn định đời sống người dân làm nghề rừng như Quốc hội đã từng đề nghị. Muốn vậy, thù lao giữ rừng không thể cứ dừng lại ở mức 50.000 đồng/ha một năm như hiện nay. Thứ hai là phải tăng nhanh diện tích rừng kinh tế để tăng thu nhập cho dân và tạo nguồn nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu. Ngành nông nghiệp cũng cần nhân rộng các mô hình sản xuất dưới tán rừng như trồng mây, trông sa nhân, thảo quả, sâm ba kích, nuôi ong… giúp người dân có thêm thu nhập, yên tâm giữ rừng.

Diện tích rừng già bị thu hẹp, chất lượng rừng ngày càng giảm là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng thiên tai, lũ lụt ngày càng hung hãn, gây thiệt hại nặng nề tính mạng và tài sản của con người. Vì vậy, nếu cứ bỏ hàng chục nghìn tỷ đồng ra trồng rừng mà lơ là quản lý, để cho rừng xanh tiếp tục “chảy máu” thì con số về độ che phủ rừng, cũng như vấn đề giải quyết việc làm từ những dự án lâm nghiệp liệu có còn ý nghĩa!?./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên