Vẫn bệnh sính… bằng cấp

Để tìm cách tiến thân, nhiều người đã “xoay” bằng được một tấm bằng “xịn”, thậm chí cả bằng Tiến sĩ…

Những ngày gần đây, dư luận đang rất quan tâm đến câu chuyện Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang và tấm bằng Tiến sĩ… dởm. Trong các bản khai, ông Thứ trưởng này cam đoan đạt học vị Tiến sĩ tại Đại học Uppsala (Thụy Điển) nhưng cơ quan chức năng xác định ông chưa đạt học vị này. Cục An ninh Chính trị nội bộ (A83) thuộc Tổng cục An ninh II xác định, trường đại học Uppsala Thụy Điển chỉ cấp chứng chỉ về nghiên cứu Khoa học Dược phẩm tự nhiên cho ông Cao Minh Quang, chứ không phải văn bằng.

Không phải đến bây giờ, câu chuyện về bằng dởm mới xuất hiện, mà đã từ nhiều năm nay, khi kinh tế phát triển, nhiều người không còn phải lo đến việc “chạy ăn từng bữa toát mồ hôi” thì họ lại khao khát chinh phục một đỉnh cao khác: Phải có địa vị trong xã hội. Nhưng khổ nỗi “tuổi đã cao, trí đã cạn”, không có đủ thời gian và khả năng theo học để lấy một tấm bằng cho đúng nghĩa, họ tìm đủ mọi cách để “xoay” bằng được cái bằng, mà phải bằng “xịn” hẳn hoi, vì loại bằng nhàng nhàng, trong xã hội này đã quá dư thừa.

Chẳng thế mà, nhiều gia đình dù kinh tế khó khăn, nhưng cũng cố thu xếp để cho con được đi du học. Con không thi đỗ Đại học cũng du học... Sau vài năm tu nghiệp, với tấm bằng được trường Đại học nước ngoài cấp, việc xin vào các cơ quan, doanh nghiệp trong nước cũng trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.

Cũng vì trọng bằng cấp, ngay từ khi trẻ còn học mẫu giáo, cha mẹ đã phải tìm mọi cách cho con vào các trường chuyên, lớp chọn, học thêm học nếm đủ các môn cũng chỉ hướng tới mục tiêu con phải thi đỗ vào Đại học. Thế nên mới xảy ra tình trạng nhiều trường quá tải, cha mẹ phải xếp hàng cả đêm để xin học cho con. Các bậc phụ huynh sẵn sàng đi “cửa sau” cũng chỉ mong cho con được vào học ở lớp tốt theo ý của mình…

Nhưng trong thực tế hiện nay, cũng không thể đổ những lỗi này cho cha mẹ khi việc tuyển dụng qua bằng cấp đã trở nên phổ biến. Ở bất kỳ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước nào cũng đòi hỏi phải có bằng này, bằng nọ, ít nhất cũng phải là bằng Đại học chính quy. Người nào có nhiều bằng cấp và bằng cao hơn sẽ được ưu tiên hơn. Họ không cần biết người được tuyển dụng năng lực thực sự đến đâu, nhưng đầu vào ắt phải có đủ các tiêu chuẩn như vậy. Khi đã được tuyển dụng rồi, nếu được cất nhắc vào một vị trí nào đó, thì bằng cấp cũng là tiêu chí để xét ưu tiên.

Từ việc coi trọng bằng cấp, nhiều người đâm ra sính… bằng cấp. Nếu học Cao đẳng thì học tiếp lên Đại học, học Đại học rồi lại học lên nữa để lấy bằng Thạc sĩ, Tiến sĩ… cốt cũng chỉ vì cái bằng- tờ giấy thông hành để cho nhiều người có thể lọt qua “các cửa” một cách dễ dàng. Chẳng vậy mà đến cả một vị Thứ trưởng quyền cao chức trọng nhường vậy, cũng tìm mọi cách chuyển đổi cái chứng chỉ của mình thành “bằng Tiến sĩ” để ghi trên danh thiếp, ghi vào các bản khai lý lịch cho… oai.

Từ câu chuyện sính bằng cấp cũng phải thẳng thắn nhìn lại khâu đào tạo của ngành giáo dục và việc tuyển dụng của các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước đã thực sự thực chất chưa, hay vẫn mang tính hình thức?. Ở các trường Đại học, sau mỗi khoá học, hầu hết sinh viên đều được tốt nghiệp với tấm bằng khá, giỏi nhưng để tìm được trong số ấy, những người có thể làm được việc lại không nhiều. Cũng không trách các doanh nghiệp, cơ quan khi họ khá e dè trong việc tuyển chọn, bởi thực tế đã làm cho họ mang nặng quan niệm “Đại học còn chẳng ăn ai, nữa là Cao đẳng…”.

Hiện nay, phần lớn những người làm trong các cơ quan Nhà nước tối thiểu phải có bằng Đại học trở lên. Nhưng khi vào làm rồi, nhiều người lại làm trái ngành, trái nghề, không đúng chuyên ngành được đào tạo. Và trong số những người đã được tuyển dụng, thử hỏi có bao nhiêu phần trăm là làm được việc theo đúng nghĩa?.

Cùng với đó, việc trọng dụng người thực tài đã được các cơ quan, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức. Chỉ nhìn vào thực tế nhỏ là mỗi kỳ tốt nghiệp Đại học, có hàng trăm thủ khoa được các cơ quan Nhà nước săn đón nhưng sau một vài năm, số còn tồn tại chỉ đếm được trên đầu ngón tay.

Đã đến lúc, cần phải nghiêm túc nhìn nhận lại tất cả các khâu để cho “ra lò” một tấm bằng với đúng năng lực thực sự của người sở hữu. Và chỉ có như vậy, căn bệnh sính bằng cấp mới có cơ thuyên giảm./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên