Nhân Ngày Quốc tế Vì Người khuyết tật 3/12:

Việc làm- cơ hội để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng

Việc làm giúp cho người khuyết tật cảm thấy tự tin, bình đẳng trong gia đình và xã hội

Sau hơn 10 năm thi hành Pháp lệnh về người tàn tật (từ 30/7/1998), những chính sách như chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, giáo dục hoà nhập, vận động xã hội tham gia giúp đỡ người tàn tật đã phát huy tác dụng, giúp nhiều người tàn tật hoà nhập vào cuộc sống ngày càng tốt hơn. Tuy nhiên, một số chính sách như dạy nghề, giải quyết việc làm, các dịch vụ hỗ trợ nhằm tạo cơ hội để người tàn tật hướng đến cuộc sống độc lập còn rất khó khăn, tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn những rào cản đối với người tàn tật, nhất là trong lĩnh vực lao động, tạo việc làm cho người tàn tật.

Cả nước hiện có khoảng 5,3 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 6,34% dân số (trong đó có 1,1 triệu khuyết tật nặng, chiếm 21,5%).

Mặc dù Nhà nước đã có nhiều quy định, thông tư hướng dẫn các chính sách về việc làm, đào tạo nghề cho người khuyết tật, nhưng việc tiếp cận các cơ hội đó còn nhiều rào cản.

Tuyển lao động khuyết tật: Doanh nghiệp ngại…

Nghị định 81/CP, ngày 23/11/1995 của Chính phủ đã quy định: "Mỗi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phải nhận từ 2-3% người khuyết tật trong tổng số lao động của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không nhận đủ người khuyết tật vào làm việc thì doanh nghiệp phải đóng góp vào ngân sách thuộc quỹ việc làm dành cho người khuyết tật ở tỉnh đó".

Quy định như vậy, nhưng không dễ thực hiện. Số doanh nghiệp nhận đủ người khuyết tật vào làm việc hiện nay rất ít và quỹ việc làm cho người khuyết tật ở hầu hết các địa phương đều trống. Theo thống kê của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến nay cả nước chỉ có 11 tỉnh, thành phố lập quỹ việc làm cho người khuyết tật.

Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTBXH) Nguyễn Xuân Lập cho biết: Trừ một số người khuyết tật có khả năng đặc biệt, có thể tự đứng ra tổ chức sản xuất, kinh doanh, đa số người khuyết tật làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở sản xuất của người khuyết tật hoặc cơ sở của gia đình. Việc người khuyết tật được thu nhận vào các doanh nghiệp không dễ, do sức khỏe và trình độ của người khuyết tật khó đáp ứng với các dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp cũng ngại nhận người khuyết tật vào làm việc, vì lo ngại họ sẽ là gánh nặng cho doanh nghiệp.

Việc làm- quyền con người của người khuyết tật

Dự thảo Luật Người khuyết tật lần 6 vừa được kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đưa ra bàn thảo ngày 24/11, đưa ra điểm mới: Không quy định bắt buộc về việc sử dụng lao động là người khuyết tật vào làm việc trong các doanh nghiệp, mà đưa ra chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các doanh nghiệp nhận lao động là người khuyết tật.

Theo đó, khoản 8, Điều 26 dự thảo Luật Người khuyết tật nêu rõ: Nhà nước khuyến khích các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Doanh nghiệp sử dụng từ 2% đến dưới 51% lao động là người khuyết tật làm việc thì được hưởng các ưu đãi về thuế, vốn vay với lãi suất ưu đãi theo dự án phát triển sản xuất kinh doanh và được hỗ trợ phí kèm nghề, dạy nghề tại chỗ đối với số lao động là người khuyết tật.

Theo ông Nguyễn Xuân Lập, những quy định trong dự thảo luật cũng phù hợp với nguyện vọng của người khuyết tật là muốn được bình đẳng trong tuyển dụng, sử dụng, bố trí công việc như những người bình thường khác, chứ không phải là sự ban ơn của xã hội. “Việc chăm sóc và tạo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng trước đây được coi là hoạt động nhân đạo. Nhưng ngày nay quan niệm này đã thay đổi: đây được coi là hoạt động thực hiện quyền con người của người khuyết tật”.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế Vì người khuyết tật, ngày 28/11 vừa qua Chương trình Mít tinh, Giao lưu, Hội chợ và Sàn Giao dịch việc làm được tổ chức tại Vườn hoa Lý Thái Tổ, Hà Nội. Trong đó, sàn Giao dịch Việc làm dành cho người khuyết tật có 30 doanh nghiệp tham gia, gần 400 người khuyết tật đã được tuyển dụng.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Chánh Văn phòng Hiệp hội Sản xuất, Kinh doanh của người tàn tật Việt Nam (VABED) cho biết, có việc làm là cơ hội để người khuyết tật hòa nhập, bình đẳng với cộng đồng. Để tạo việc làm cho người khuyết tật một cách có hiệu quả, Hiệp hội khuyến khích và tổ chức các hoạt động đào tạo nghề có địa chỉ cho người khuyết tật. Theo đó, chính các doanh nghiệp tham gia vào công tác đào tạo nghề và sau đó nhận người khuyết tật vào làm việc. Trên 80% số người được đào tạo theo hình thức này được giải quyết việc làm sau khi đào tạo.

Ông Nguyễn Ngọc Anh cho biết thêm, trong khoảng thời gian 3 tháng đầu khi được nhận vào làm việc, do những mặc cảm tâm lý cũng như những khó khăn khác khiến người khuyết tật rất hay bỏ việc. Nếu qua được thời gian này họ sẽ trụ lại lâu dài với công việc. “Với những người tìm được việc qua sàn Giao dịch Việc làm dành cho người khuyết tật, chúng tôi giữ liên lạc trong vòng 3 tháng, kiểm tra, động viên giúp họ vượt qua những biến động tâm lý để trụ việc”, ông Ngọc Anh nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên