VOV1: Nơi “kết duyên” với giải thưởng Báo chí Quốc gia

Năm 2010, VOV1 đoạt 5/6 giải ở hạng mục Phát thanh, trong đó có 2 giải B, 2 giải C và 1 giải Khuyến khích.

5 mùa giải Báo chí Quốc gia, năm nào Đài TNVN cũng chiếm nhiều giải cao, trong đó phải kể đến sự “thống lĩnh” giải thưởng thể loại Phát thanh của hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1).

Nhiều người cho rằng, Hệ VOV1 đoạt giải cao là điều tất nhiên, vì là Đài Quốc gia, quy tụ nhiều nhà báo tài năng. Song, có tận mắt chứng kiến và hiểu môi trường làm việc tại đây, ta mới thấy khâm phục những nhà báo đang viết tiếp truyền thống vẻ vang của VOV1 nói riêng và Đài TNVN nói chung.

Bận rộn, tự đặt áp lực công việc cho mình song rất năng động và vui vẻ, đó là cảm nhận của bất kỳ ai khi đến và tiếp xúc với các nhà báo Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp. Theo nhà báo Uông Ngọc Dậu, Giám đốc Hệ VOV1, chính môi trường làm việc và yêu cầu nhiệm vụ của VOV1 đã tạo nên những nhà báo tên tuổi và năng động, từ đó ắt “bén duyên” với các giải thưởng báo chí.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân thăm hệ VOV1 vào ngày 14/6

Với các đề tài đoạt giải năm 2010, tuy không mới, song các nhà báo của Hệ VOV1 đã “làm mới” khi khai thác ở nhiều khía cạnh, có chiều sâu và theo mạch thời sự; không những thoả mãn nhiều thông tin dư luận quan tâm, mà còn góp phần lý giải nhiều vấn đề cuộc sống đặt ra.

Được biết, hàng quý, VOV1 đều lựa chọn những tác phẩm tiêu biểu đã được phát sóng để tham gia chấm và trao giải nội bộ. Đây là động lực để các nhà báo của VOV1 không ngừng phấn đấu. Chính từ những giải thưởng này, những tác phẩm xuất sắc đã được lựa chọn để dự thi giải Báo chí Quốc gia hàng năm.

Nhà báo Uông Ngọc Dậu nhấn mạnh, giải thưởng giành cho các tác phẩm của VOV1 cũng chính là giải của toàn Đài TNVN, trong đó VOV1 là mũi nhọn. Thành công của VOV1 cũng chính là thành công của Đài TNVN. 

Trong số 161 tác phẩm vào chung khảo, Hội đồng giải Báo chí Quốc gia lựa chọn trao giải cho 128 tác phẩm với 2 giải A, 24 giải B, 43 giải C, 59 giải Khuyến khích ở 8 loại giải. Đài TNVN có 2 tác phẩm đoạt giải B, 3 tác phẩm đoạt giải C và 1 tác phẩm đoạt giải Khuyến khích. Bao gồm: “Mệnh lệnh vươn khơi”, nhóm tác giả Hồ Minh Khánh, Bùi Thị Hương Giang (VOV1); Loạt bài “Lạm phát thuỷ điện và những hệ luỵ” của nhóm tác giả Lê Phúc, Hương Lan, Thu Lan và Bích Thuận (VOV1); Loạt bài “Căn nguyên cơn sốt đất Hà Nội và vấn đề quản lý”, nhóm tác giả Thu Thuỳ - Hà Nho (VOV1); Loạt bài “Sốt vàng, đô la Mỹ (USD) và câu chuyện điều hành”, tác giả Tiến Đức (VOV1); “Bảo mẫu của làng phong”, nhóm tác giả Vĩnh Quyên, Hồng Quân, Kim Thoa, Trung Dũng, Trọng Đại, Phương Thảo (VOVTV); Loạt bài: “Theo dòng thời sự: Từ VINASHIN nghĩ về câu chuyện quản lý và tái cấu trúc các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Nhà nước”, tác giả Đức Thành (VOV1).  

Những nhà báo nữ cùng ngư dân “bám biển”

“Ngư dân ngày đêm bám biển như những chiến sỹ canh giữ đất trời ngoài trùng dương của Tổ quốc. Họ như những cột mốc “sống” khẳng định chủ quyền trường tồn vùng lãnh hải quốc gia. Dù có nhiều trở ngại, nhưng với họ, vùng biển trời Tổ quốc cùng quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đã trở thành một phần máu thịt khó có thể tách rời....”. Đó là những dòng tâm huyết của nhóm tác giả nữ Hồ Minh Khánh và Bùi Thị Hương Giang của Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) trong loạt bài “Mệnh lệnh vươn khơi” – tác phẩm đoạt một trong những giải cao của Giải Báo chí Quốc gia năm nay.

Chương trình “Biển đảo Việt Nam” chính thức lên sóng ngày 1/1/2010. Thời lượng phát sóng 10 phút, được phát vào lúc 5h25 và phát lại vào 9h35 và 23h20 hàng ngày trên Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1).  

Chương trình “Biển đảo Việt Nam” trên Hệ VOV1 đã thực sự trở thành người bạn thân thiết của ngư dân đánh bắt xa và gần bờ, nhất là từ khi Đài TNVN phủ sóng biển Đông. Theo nhà báo Hồ Minh Khánh, với “Mệnh lệnh vươn khơi”, các chị muốn qua làn sóng phản ánh những bất cập, rủi ro mà bà con ngư dân đang gặp phải khi đánh bắt trên biển.

Là bạn của ngư dân, nhóm tác giả hiểu rằng, các chính sách của Nhà nước hỗ trợ ngư dân hiện nay còn nhiều hạn chế, chưa thực sự mang lại hiệu quả cho bà con. Đặc biệt trong bối cảnh tranh chấp biển Đông đang diễn biến phức tạp thì khó khăn đối với ngư dân sẽ ngày càng nhiều hơn. Thông qua “Mệnh lệnh vươn khơi”, nhóm tác giả cũng mong muốn nhân rộng mô hình “Tổ đội tàu thuyền liên kết”, mục đích giúp ngư dân bám biển an toàn và hỗ trợ nhau hiệu quả nhất.

Nhà báo Hương Giang (trái) và Minh Khánh, tác giả loạt bài "Mệnh lệnh vươn khơi"

Sau khi tác phẩm được lên sóng vào tháng 11/2010, nhóm tác giả đã nhận những phản hồi tích cực từ các cơ quan chức năng; nhiều cuộc điện thoại, thư tay của ngư dân gửi đến chương trình hoan nghênh và cổ vũ. Các chị cho rằng, đây chính là giải thưởng vô giá mà các nhà báo của Hệ VOV1 nhận được; đồng thời là động lực để các chị quên đi những cơn say sóng khi tác nghiệp, cùng ngư dân góp phần giữ vững chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc.

Nhà báo Thu Thuỳ: “Đi làm điều tra, phải như tắc kè hoa”

Với loạt bài “Căn nguyên cơn sốt đất Hà Nội và vấn đề quản lý”, nhóm tác giả Thu Thuỳ - Hà Nho (VOV1) đã phải “bày binh bố trận” để thâm nhập “thế giới ngầm” của dân buôn bán bất động sản. Thời điểm tháng 4, tháng 5/2010, đất đai “sốt xình xịch” tại các vùng ven đô Hà Nội. Có lúc trong vai “cò”, có lúc vai người đi mua đất, với chiếc xe máy, nhà báo Thu Thuỳ rong ruổi dưới thời tiết nắng nóng 40 độ C tới các vùng ven đô để tìm kiếm thông tin, tư liệu phục vụ bài viết.

Lúc bấy giờ, tâm điểm của báo giới nhằm vào Ba Vì, song nhà báo Thu Thuỳ đã lăn lộn khắp từ Đông sang Tây Hà Nội để “khảo giá”, đồng thời tìm lời giải thoả đáng cho câu hỏi “Đất Hà Nội sốt do đâu?”.

Có ngày chị đi hơn 100km trên những tuyến đường đầy bụi bặm, xe cộ nguy hiểm dưới cái nắng như đổ lửa (vì chị nắm bắt tâm lý những người buôn đất không thích mặc cả, hỏi han vào buổi sáng). Buổi trưa ở Thường Tín, thoắt cái tối chị lại sang Đông Anh. Chị tâm sự: “Nhiều khi nhập vai quá, quên mình là nhà báo, về nhà vẫn… dở giọng cò đất với chồng. Ấy là chưa kể nhan sắc bị “hao tổn” ít nhiều, việc nhà có khi bỏ bê, phó mặc cho chồng con”.

Nhà báo Thu Thùy tại nơi làm việc

Theo chị Thu Thuỳ, đi viết điều tra, nhà báo phải biến hoá như “tắc kè hoa”; phải có cách hành động, ứng xử phù hợp mới có thể thâm nhập để khai thác thông tin cũng như lấy được tiếng động. “Đối với đất đai, ở Thường Tín thường tính theo mét dài, ở Ba Vì tính theo sào Bắc Bộ. Mình phải học các tiểu tiết của cò đất như nói năng, cách chống nạnh ra sao, đi đứng thế nào…”, chị Thu Thuỳ nói.

Trong khi đó, nhà báo Hà Nho tận dụng cơ hội nghị trường của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XII, sử dụng nhiều kỹ năng, “chiến thuật” để khai thác thông tin liên quan cũng như ý kiến của các nhà quản lý, các nhà hoạch định chính sách đất đai, từ đó giúp thính giả có cái nhìn đa chiều, khách quan về thực trạng sốt đất ở Hà Nội.

Các chị tâm niệm, đây là trách nhiệm của người cầm bút khi công tác tại Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp. Với tác phẩm đoạt giải, không thể nói ai “đóng góp” nhiều hơn mà đây là công sức chung của cả nhóm, là thành tích chung của VOV1.

Làm việc theo nhóm – chìa khóa thành công

“Đối với những vấn đề mang tính thời sự như bão lũ, thuỷ điện… làm việc theo nhóm đối với phóng viên, nhất là làm phát thanh, là vô cùng cần thiết. Làm việc theo nhóm sẽ phát huy được trí tuệ tập thể và nâng cao được chất lượng tác phẩm”, nhà báo Lê Phúc, Trưởng phòng Nội chính VOV1 chia sẻ. Chính sự phối hợp ăn ý và hiệu quả, cho nên loạt bài “Lạm phát thuỷ điện và những hệ luỵ” của nhóm tác giả Lê Phúc, Hương Lan, Thu Lan và Bích Thuận (VOV1) đã vinh dự được trao giải cao cho loại hình Phát thanh năm 2010.

Nhà báo Lê Phúc cho rằng, đối với nhóm làm việc, người trưởng nhóm có vai trò như “đạo diễn” trong việc xây dựng và triển khai ý tưởng. Bên cạnh đó, người “chắp bút” cho tác phẩm cũng phải hết sức ăn ý và nắm bắt được “thần thái” của ý tưởng. Với “Lạm phát thuỷ điện và những hệ luỵ”, nhóm đã có sự phân công cụ thể, đó là nhà báo Bích Thuận và Thu Lan đi cơ sở và thu thập thông tin; nhà báo Hương Lan viết bài và nhà báo Lê Phúc chỉ đạo chung.

Nhà báo Lê Phúc đang đang cùng nhóm xây dựng ý tưởng cho những tác phẩm tiếp theo

Đối với đề tài thuỷ điện, đã có rất nhiều bài báo ở các loại hình báo chí khác nhau khai thác và đề cập. Tuy nhiên, có thực trạng là tất cả những công trình thuỷ điện đều xả lũ đúng quy trình. Nhưng tại sao vẫn tạo nên những tác hại khôn lường cho vùng hạ du? Và nhóm tác giả đã tìm được câu trả lời thoả đáng.

Theo nhà báo Lê Phúc, xả lũ ở nước ta hiện nay như một bản giao hưởng… không có nhạc trưởng. Với ngành thuỷ điện, xả lũ đúng nhưng không có người điều phối chung, bởi chúng ta hiện nay quản lý sông ngòi theo địa giới hành chính mà không quản lý theo lưu vực. Tác phẩm sau đó được phát sóng trong chương trình “Theo dòng sự kiện” tháng 11/2010 đã gây được sự chú ý của dư luận và khiến các nhà quản lý “giật mình” với những phát hiện mới cùng những đề xuất xác đáng của nhóm tác giả./. 

Nhà báo Kim Cúc, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN

“Từng nhiều năm trên cương vị giám khảo giải Báo chí Quốc gia, tôi nhận thấy các tác phẩm của VOV1 đoạt giải hoàn toàn xứng đáng, bởi sự đóng góp trí tuệ của các nhà báo và lãnh đạo hệ. Không những tôi mà Hội đồng giám khảo đều hoàn toàn bị thuyết phục trước những lập luận sắc bén và thông tin xác thực của các tác phẩm. Các nhà báo VOV1 xứng đáng là lớp kế cận viết tiếp “trang vàng” cho Đài TNVN”.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên