Vụ bịa chuyện lâm tặc cướp gỗ: Bệnh sợ trách nhiệm, thói quan liêu

VOV.VN -Quan liêu, sợ trách nhiệm trong lực lượng chức năng quản lý - bảo vệ rừng vẫn là một căn bệnh trầm kha, cần được chữa trị triệt để hơn.

Trong những ngày vừa qua, dư luận cả nước xôn xao chuyện xảy ra ở Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh, tỉnh Gia Lai, khi một số cán bộ, nhân viên của Ban câu kết bịa chuyện bị lâm tặc cướp gỗ, nhằm che giấu việc thiếu trách nhiệm, để mất gỗ tang vật trong một vụ phá rừng.

Sự gian dối nhanh chóng bị cơ quan công an vạch trần, đã làm tăng thêm sự thất vọng của công chúng về căn bệnh sợ trách nhiệm, thói quan liêu trầm kha, đang tồn tại trong bộ phận cán bộ làm công tác bảo vệ rừng.

Trụ sở Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh.

Sau khi báo cáo về vụ cướp gỗ không có thật được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng, điện thoại của ông Nay Văn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Chư Pah lúc nào cũng nóng ran. Người đến Hạt làm việc, dù không hiểu đầy đủ nội dung các cuộc gọi đến là gì, nhưng loáng thoáng những từ liên quan đến báo cáo, đến rừng, đến cướp gỗ… cũng đủ thấy áp lực mà vụ “bịa chuyện” tày đình từ Ban quản lý rừng phòng hộ Đông Bắc Chư Păh, tạo ra.

Nghe bài viết tại đây: 
Ông Nay Văn thừa nhận, để xảy ra cơ sự này, lỗi của Hạt là chưa có sự kiểm chứng thực tế đã vội tin và báo cáo ngay với cấp trên: “Hạt nắm trên phương diện là báo cáo của Ban quản lý thôi. Cũng dựa vào số liệu, tình tiết của Ban báo cáo thì cũng báo cáo lên cấp trên. Có trực, có lâm tặc, có vào dùng hung khí hay là nổ súng gì không cũng không rõ”.

Cũng trong cảnh chịu áp lực lớn về danh dự, là lãnh đạo UBND huyện Chư Pảh và UBND tỉnh Gia Lai, khi Phó Chủ tịch UBND tỉnh, ông Kpă Thuyên, dựa theo báo cáo của huyện, đã ký một công văn thông báo về vụ cướp giả tạo này, gửi nhiều cơ quan chức năng của tỉnh, đặc biệt là gửi UBND tỉnh Kon Tum, đồng đề nghị tỉnh này tăng cường công tác tuần tra, phối hợp để bắt giữ, xử lý các đối tượng tổ chức cướp tang vật.

Ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Păh, nói:  “Nói về một người cán bộ thế là không trung thực. Tạo dư luận xôn xao. Mà xôn xao ở đây là cả sự điều hành không phải riêng gì huyện mà các ngành chức năng. Tôi nghĩ rằng đây là tạo tình huống phức tạp, không nên để xảy ra những trường hợp tương tự”.

Với những tổn hại lớn về uy tín cho đội ngũ cán bộ, viên chức bảo vệ rừng nói riêng, cán bộ viên chức Nhà nước nói chung, cơ quan chủ quản của đơn vị vi phạm đang bày tỏ thái độ kiên quyết trong xử lý. Hy vọng sự mạnh tay xử lý này sẽ trở thành bài học cho tất cả các ban quản lý rừng trong tỉnh.

Ông Trương Phước Anh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai cho biết: “Bây giờ phải làm theo quy trình pháp luật. Nếu đủ điều kiện thì khởi tố người báo cáo láo rồi cung cấp thông tin cho lãnh đạo không kịp thời, không tới nơi, tới chốn. Sở đang tập trung các cơ quan chuyên môn của Sở để làm rõ vấn đề này, phân tích hệ thống quy phạm. Sai sự thật thì phải xử lý”.

Đến nay, cơ quan chức năng hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum vẫn đang tập trung làm rõ, 45 lóng gỗ tang vật trong vụ phá rừng tại Tiểu khu 174 thuộc địa bàn xã Hà Tây, huyện Chư Păh đang ở đâu và ai là thủ phạm thực sự.

Nhưng nhiều người cho rằng, việc làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tìm về số gỗ bị mất, không quan trọng bằng việc điều trị tận gốc căn bệnh sợ trách nhiệm, dẫn đến thiếu trung thực của bộ máy làm công tác bảo vệ rừng. Cùng với đó là rút kinh nghiệm sâu sắc về thói quan liêu, chỉ đạo điều hành chủ yếu dựa báo cáo, thiếu kiểm tra, giám sát.

Cũng cần phải nhận rõ rằng, căn bệnh sợ trách nhiệm và thói quan liêu trong quản lý, điều hành, không chỉ là vấn đề ở Gia Lai. Rừng Tây Nguyên bị xâm hại nghiêm trọng suốt nhiều năm qua; nạn khai thác, buôn bán, vận chuyển trái phép lâm sản chưa bao giờ hết phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành, đã nhiều lần nhắc nhở các tỉnh Tây Nguyên về trách nhiệm của lực lượng chức năng.

Thế nhưng, với vụ bịa chuyện cướp gỗ vừa xảy ra và trước đó hơn nửa tháng, báo chí phát hiện một bãi gỗ lậu lớn, tồn tại nhiều ngày ngay trên địa bàn thành phố Kon Tum, mà kiểm lâm coi như không hề biết; hay cách đây nửa năm là vụ băng nhóm “Hà đen” khai thác gỗ lậu suốt một thời gian dài, tại khu vực rừng phòng hộ Thuỷ điện Đồng Nai 5, tỉnh Lâm Đồng… ai cũng nhận ra. Vấn đề mới chỉ được xử lý theo kiểu hái lá, ngắt ngọn./.   

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Bảo vệ BQL rừng phòng hộ ở Gia Lai bịa chuyện bị cướp gỗ
Bảo vệ BQL rừng phòng hộ ở Gia Lai bịa chuyện bị cướp gỗ

VOV.VN - Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Tổ bảo vệ Ban quản lý rừng đã bịa ra chuyện bị cướp gỗ, vì đã để lâm tặc lấy trộm.

Bảo vệ BQL rừng phòng hộ ở Gia Lai bịa chuyện bị cướp gỗ

Bảo vệ BQL rừng phòng hộ ở Gia Lai bịa chuyện bị cướp gỗ

VOV.VN - Công an tỉnh Gia Lai cho biết, Tổ bảo vệ Ban quản lý rừng đã bịa ra chuyện bị cướp gỗ, vì đã để lâm tặc lấy trộm.

Nghi án bịa chuyện cướp gỗ: Lãnh đạo Sở NN&PTNT Gia Lai nói gì?
Nghi án bịa chuyện cướp gỗ: Lãnh đạo Sở NN&PTNT Gia Lai nói gì?

VOV.VN - Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, hiện vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về vụ cướp gỗ ở BQL rừng phòng hộ Đông bắc Chư Pảh.

Nghi án bịa chuyện cướp gỗ: Lãnh đạo Sở NN&PTNT Gia Lai nói gì?

Nghi án bịa chuyện cướp gỗ: Lãnh đạo Sở NN&PTNT Gia Lai nói gì?

VOV.VN - Sở NN&PTNT Gia Lai cho biết, hiện vẫn chưa nhận được thông tin chính thức về vụ cướp gỗ ở BQL rừng phòng hộ Đông bắc Chư Pảh.

Gia Lai chỉ đạo xử lý vụ cán bộ bảo vệ dựng chuyện bị cướp gỗ tang vật
Gia Lai chỉ đạo xử lý vụ cán bộ bảo vệ dựng chuyện bị cướp gỗ tang vật

VOV.VN - Để lâm tặc trộm gỗ tang vật, lo sợ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, tổ trưởng tổ bảo vệ cùng các thành viên dựng vụ việc bị cướp gỗ

Gia Lai chỉ đạo xử lý vụ cán bộ bảo vệ dựng chuyện bị cướp gỗ tang vật

Gia Lai chỉ đạo xử lý vụ cán bộ bảo vệ dựng chuyện bị cướp gỗ tang vật

VOV.VN - Để lâm tặc trộm gỗ tang vật, lo sợ bị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm, tổ trưởng tổ bảo vệ cùng các thành viên dựng vụ việc bị cướp gỗ