Xây dựng Mô hình Đô thị Đại học Quốc gia TP.HCM

Đây là mô hình hoàn toàn mới ở Việt Nam, không gian đại học với diện tích trên 643ha, đòi hỏi vốn đầu tư rất lớn...

Ngày 29/10, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thảo “Mô hình Đô thị Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh” nhằm tập hợp các ý kiến của các nhà nghiên cứu đóng góp luận cứ khoa học và thực tiễn cho đề án này.

PGS. TS Nguyễn Minh Hoà, Chủ nhiệm đề án “Đô thị ĐHQG – HCM” đã phác hoạ ý tưởng ban đầu về Đô thị ĐHQG-HCM: “là không gian mở; xanh, sạch và mỹ thuật; môi trường an toàn, thân thiện và hữu nghị; là thành phố điện tử và thông minh; là trung tâm khoa học chất lượng cao; hài hoà giữa hiện đại và truyền thống; là nơi tràn đầy các giá trị văn hoá nhân văn; đa dạng văn hoá quốc gia và quốc tế”.

Diện tích mặt bằng ĐHQG-HCM là trên 643ha, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là tâm điểm của 3 tam giác phát triển (TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một – Biên Hoà, Tp Hồ Chí Minh – Biên Hoà – Vũng Tàu; Trung tâm TP Hồ Chí Minh – Đô thị mới Tây Bắc Củ Chi – Biên Hoà). Số sinh viên hiện nay là trên 50.000, có thể đạt đến 70.000 vào năm 2015 và đến năm 2025 sẽ là 105.000 sinh viên (tăng 5% mỗi năm). Tương ứng với đó là sự gia tăng số giảng viên; theo chuẩn 20 sinh viên/ 1 giảng viên thì đến năm 2025, ĐHQG-HCM có khoảng 5.300 giảng viên. Cán bộ và nhân viên phục vụ cũng tăng theo, khoảng trên 3.000 người vào năm 2025. Với tốc độ gia tăng này, đến năm 2025 quy mô dân số của ĐHQG – HCM tương đương với một quận, huyện.

PGS. TS Nguyễn Minh Hoà cho rằng, Đô thị ĐHQG-HCM có trách nhiệm phải toả ra lực hút mạnh mẽ ở tầm quốc tế, phải tiên phong trong việc tạo ra một “không gian đại học” xứng tầm và khẳng định một “thương hiệu” mạnh, có uy tín để thu hút sinh viên và giảng viên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên