Xây dựng Nông thôn mới ở Bắc Kạn: Khó khăn từ nội lực

Đối với tỉnh miền núi như Bắc Kạn, việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đang nảy sinh nhiều khó khăn từ nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Qua 1 năm triển khai Chương trình Xây dựng Nông thôn mới, tỉnh Bắc Kạn đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ quy hoạch. Tuy nhiên với những khó khăn nội tại, tỉnh Bắc Kạn không đặt mục tiêu hoàn thành chương trình bằng mọi giá mà “làm đến đâu, chắc đến đấy”.

Phóng viên VOVOnline phỏng vấn ông Nông Văn Chí – Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phó thường trực Ban chỉ đạo Chương trình Nông thôn mới tỉnh Bắc Kạn.

PV: Ông có thể cho biết kết quả đạt được của tỉnh Bắc Kạn trong 1 năm triển khai Chương trình Nông thôn mới?

Ông Nông Văn Chí: Năm 2010, tỉnh Bắc Kạn triển khai Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM).

Thực hiện Quyết định 25/2008 QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy Bắc Kạn chỉ đạo đưa Chương trình xây dựng Nông thôn mới vào Nghị quyết của đại hội các cấp, nhiệm kỳ 2010- 2015. Tôi cho rằng, đây là tiền đề cho các cấp uỷ Đảng, cũng như cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Ông Nông Văn Chí - Phó CT UBND tỉnh - Phó thường trực Ban chỉ đạo Chương trình NTM Bắc Kạn.

Trong năm đầu tiên thực hiện chương trình, chúng tôi mới cơ bản hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch. Hiện, tỉnh có 102/112 xã hoàn thành nhiệm vụ quy hoạch, trong đó có 16 xã xong quy hoạch đang chờ xin ý kiến của nhân dân.

Trong 10 xã chưa triển khai được quy hoạch xây dựng thuộc huyện nghèo nhất của tỉnh. Việc quy hoạch ở đây triển khai khó vì dân thưa thớt, diện tích đất đai rộng. Chúng tôi đang tính đến việc dồn dân tại các địa bàn này thành từng cụm dân cư.

Việc chưa hoàn thành mục tiêu đề ra chung của Ban chỉ đạo Chương trình Xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn tỉnh xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách quan.

Hiện thu ngân sách mới chỉ đáp ứng được 10% chi tiêu hàng năm của tỉnh. Nguồn lực cho xây dựng NTM từ Trung ương không nhiều. Hơn nữa Chính phủ yêu cầu thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11 nên chắc chắn đầu tư cho chương trình NTM sẽ có những hạn chế nhất định. Bắc Kạn có 85% dân số là đồng bào dân tộc, nên nhận thức ban đầu vẫn nặng tâm lý trông chờ ỷ lại.

Khó khăn mới phát sinh khi Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng và Bộ TN&MT có một Thông tư liên Bộ hướng dẫn công tác quy hoạch. Thông tư có hiệu lực ngày 15/12/2011. Do đó nhiều nơi phải điều chỉnh khiến quy hoạch cũng chậm theo chỉ đạo chung.

PV: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phát động Chương trình cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới. Vậy Bắc Kạn đã triển khai, thực hiện vấn đề này như thế nào?

Ông Nông Văn Chí: Chúng tôi đã phát động đợt 1 phong trào Bắc Kạn chung tay xây dựng NTM cuối tháng 9/2011. Từ cuộc phát động này đã xây dựng kế hoạch, triển khai, lồng ghép các nội dung để triển khai chương trình cùng với việc vận động các đoàn thể. Điển hình đoàn thể đi nhanh hơn cả là Hội Cựu chiến binh với phong trào hiến đất làm đường, vệ sinh chòm xóm…

Từ yếu tố đó, chúng tôi đặt vấn đề đầu tiên để triển khai là phát triển sản xuất, nâng cao đời sống của bà con.

Hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng truyền tải nhiều mô hình, điển hình tốt, như: Hội phụ nữ phát động toàn dân làm vệ sinh của cả xã, thanh niên làm đường nông thôn… Tôi cho rằng đó là bước đột phá trong xây dựng NTM. Nhưng muốn làm được việc này thì đời sống của bà con nông dân phải được nâng lên. Ít nhất họ phải có tiền mua gạch, có tiền để mua xi măng…

Đối với việc huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào xây dựng NTM, Bắc Kạn đang gặp khó khăn. Hiện vẫn chưa có chương trình cụ thể đối với các doanh nghiệp.

PV: Trong việc thực hiện Chương trình Xây dựng Nông thôn mới, một số địa phương đang có hiện tượng “cố gọt chân cho vừa giày” dẫn tới hiệu quả thực hiện không cao. Vậy ở Bắc Kạn điều đó có đang xảy ra không, thưa ông?

Ông Nông Văn Chí: Về Chương trình xây dựng Nông thôn mới không chỉ người dân mà một bộ phận cán bộ, Đảng viên còn chưa có nhận thức đầy đủ nên trong việc tổ chức thực hiện còn có hạn chế nhất định.

Tại sao trên địa bàn tỉnh còn 10 xã đến bây giờ chưa hoàn thành xong nhiệm vụ quy hoạch? Nguyên nhân chính là do cấp ủy chính quyền địa phương cho rằng kinh phí quá ít, xã không thể làm được.

Theo tôi, đó là nhận thức chưa đúng vì việc quy hoạch phải bắt đầu từ cộng đồng, bản thân xã và các gia đình. Còn những người tư vấn chỉ thực hiện ý chí của mình trên bản vẽ mà thôi. Tất nhiên, những người tư vấn họ có định hướng,  và con mắt của nhà chuyên môn. Tuy nhiên, thực hiện chính phải là người dân.

Đối với Chương trình Nông thôn mới, tỉnh chỉ đạo cứ 2 tháng sẽ họp, giải quyết, rút kinh nghiệm. Một vấn đề nữa, trong hệ thống văn bản của chúng ta còn chưa đồng bộ nên quá trình triển khai nếu không mạnh dạn, sẽ không dám làm.

PV: Việc thực hiện Chương trình Nông thôn mới của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn. Vậy nếu không hoàn thành theo đúng kế hoạch, ban chỉ đạo chương trình của tỉnh có sợ bị gắn trách nhiệm?

Ông Nông Văn Chí: Theo mục tiêu của Chương trình Xây dựng Nông thôn mới mà tỉnh Bắc Kạn để ra, từ nay đến năm 2020, phấn đấu có 50% (khoảng 66 xã) đạt chương trình xây dựng NTM. Và từ nay đến năm 2015 có 22 xã. Đây là một con số không nhỏ so với một tỉnh khó khăn như Bắc Kạn nên mục tiêu hoàn thành cực kỳ khó khăn.

Bởi vậy, cấp ủy Đảng và chính quyền tỉnh đều thể hiện một ý chí quyết tâm cao để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đối với tôi, vấn đề không phải lo sợ trách nhiệm nếu mục tiêu không hoàn thành. Cái chúng tôi lo nhất là không làm tròn trách nhiệm với nhân dân.

Lãnh đạo Trung ương nói rằng, đây là cơ hội của những người đang công tác như chúng tôi trả nghĩa cho người dân. Cho nên, chúng tôi sẽ nỗ lực hết sức để hoàn thành trọng trách dù biết rằng trách nhiệm này hết sức lớn lao.

Một hai năm đầu trong quá trình triển khai sẽ có những khó khăn nhất định, còn mục tiêu thì cố gắng phấn đấu. Chúng tôi muốn nói là không vì mục tiêu mà chúng ta phấn đấu không chắc chắn, không vì thành tích, bởi đây là một chương trình dài.

PV: Mục tiêu của chương trình NTM là cải thiện đời sống nhân dân, hiện đại hóa sản xuất nông thôn. Vấn đề này được tỉnh định hướng như thế nào, thưa ông?

Ông Nông Văn Chí: Bắc Kạn xác định mũi nhọn phát triển kinh tế của tỉnh sẽ tập trung vào nông lâm nghiệp.

Hiện nay, ngành nông lâm nghiệp chiếm trên 40% trong cơ cấu kinh tế và trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao.

Trong xây dựng cơ cấu ngành nông lâm nghiệp, đối với cây lương thực, chúng tôi chỉ phát triển đến một mức độ nhất định, để đảm bảo an ninh lương thực. Đối với cây ngô sẽ tập trung phát triển phục vụ ngành chăn nuôi.

Còn đối với cây đặc sản của địa phương như: Hồng không hạt, cam, quýt, cây rong riềng… sẽ chủ trương phát triển đồng hành cùng ngành công nghiệp chế biến.

Chăn nuôi của tỉnh hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn. Vừa qua tỉnh thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo theo hướng thí điểm cùng với  Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam, sử dụng nguồn vốn chung tay vì người nghèo mua lợn giống cung cấp cho các hộ dân. Chúng tôi sẽ mở rộng mô hình cũng như tìm đầu ra cho bà con.

Thế mạnh của Bắc Kạn là trồng rừng. Trước đây việc trồng rừng cơ bản trông chờ theo nguồn lực từ các dự án. Bắt đầu từ nhiệm kỳ tới, chúng tôi phấn đấu với mục tiêu lớn hơn.

Bản thân tôi là người tham mưu cho Tỉnh uỷ xây dựng Nghị quyết đưa vào mục tiêu là phấn đấu 5 năm tới trồng 60.000 ha. Như vậy là mỗi năm chúng tôi phải trồng ít nhất 12.000ha. Khi nghe ý kiến của tôi nhiều sẽ đồng chí đã không khỏi lo lắng. Nhưng tôi nghĩ, nếu làm quyết liệt thì Bắc Kạn hoàn toàn có thể vượt chỉ tiêu./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên