Xem xét thu bằng lái vĩnh viễn với tài xế gây tai nạn giao thông

VOV.VN -Chế tài xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định là chưa tương xứng

Người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sử dụng rượu bia là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông, đã có nhiều vụ TNGT gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV.VN phỏng vấn Thiếu tá Phạm Quang Huy – Trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ, đường sắt (C67) – Bộ Công an về biện pháp hạn chế và xử phạt người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định.

PV: Thiếu tá có thể cho biết, thực trạng người tham gia giao thông uống rượu bia ở Việt Nam hiện nay?

Thiếu tá Phạm Quang Huy: Tình hình sản xuất, tiêu thụ rượu bia ở Việt Nam rất lớn, là một thói quen mang đậm nét văn hóa truyền thống, xu hướng sử dụng rượu bia trong những lễ hội, quan hệ công tác, sinh hoạt hàng ngày… đang ngày càng tăng và đã tồn tại rất lâu.

 Thiếu tá Phạm Quang Huy – Trưởng phòng Hướng dẫn luật và Điều tra giải quyết tai nạn giao thông - Cục Cảnh sát Giao thông Đường bộ, đường sắt (C67) – Bộ Công an
Điều này đã làm cho trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông trở thành vấn đề đáng báo động để lại hậu quả nặng nề cho bản thân người sử dụng, cho gia đình và xã hội.

Để thay đổi được thói quen này, chúng ta cũng phải thực hiện quyết liệt với nhiều biện pháp tuyên truyền kết hợp xử lý nghiêm để người dân thấy được tác hại của rượu bia khi tham gia giao thông.

PV: Hiện nay mức xử phạt đối với người uống rượu bia khi tham gia giao thông như thế nào, thưa thiếu tá?
Thiếu tá Phạm Quang Huy: Hiện nay người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng đọ cồn vượt quá quy định thì có 3 mức phạt. Cao nhất là mức phạt từ 10-15 triệu đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc vượt quá 0,4 mg/1lít khí thở, không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn của người kiểm soát giao thông hoặc người thi hành công vụ; bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 2 tháng; tạm giữ phương tiện đến 7 ngày.

Đối với người điều khiển mô tô, xe máy và xe máy điện có 2 mức phạt, nhưng mức phạt cao nhất là từ 2-3 triệu đồng đối với hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80mg/100ml máu hoặc quá 0,4 mg/lít khí thở. Trường hợp này cũng bị tước giấy phép lái xe 2 tháng, bị tạm giữ phương tiện 7 ngày.

PV: Mức xử phạt đối với người uống rượu bia khi tham gia giao thông hiện nay đã đủ sức răn đe, thưa thiếu tá?

Thiếu tá Phạm Quang Huy: Thực tế trong quá trình thực thi nhiệm vụ chúng tôi đã tiến hành xử phạt rất nhiều trường hợp, tuy nhiên mức chế tài xử phạt đối với người điều khiển phương tiện giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định là chưa tương xứng, chưa phù hợp.

Hiện nay, tại một số quốc gia trên thế giới, khi người tham gia giao thông có nồng độ cồn vượt quá quy định, người ta thực hiện cưỡng chế lao động công ích, hoặc tịch thu giấy phép lái xe, mức cao nhất là phạt tù có thời hạn.

Tuy nhiên chúng ta hiện nay vẫn thực hiện chính sách độ lượng khoan hồng của pháp luật, với mức phạt như hiện nay có thể chưa đủ sức răn đe người vi phạm. Trong nhóm các hành vi là nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông thì sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông là hành vi chiếm tỉ lệ cao gây ra tai nạn giao thông.

Ở đây lỗi chủ yếu do ý thức của người tham gia giao thông, một phần do hạ tầng cơ sở giao thông chưa theo kịp sự phát triển của các loại phương tiện, có nhiều loại phương tiện cùng tham gia giao thong trên một cấp đường nên khi uống rượu bia vào thì người điều khiển phương tiện không làm chủ được tay lái, dễ mất kiểm soát và gây tai nạn giao thông.

Trong thời gian qua, C67 đã triển khai rất nhiều kế hoạch thường xuyên và chuyên đề tăng cường kiểm soát, kiểm tra người tham gia giao thông có sử dụng rượu bia, đặc biệt gần đây C67 đã triển khai phổ biến cho các đơn vị công an địa phương việc đo nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế.  

Kế hoạch này đã triển khai thí điểm tại một số địa phương và mang lại hiệu quả cao, được sự ủng hộ đồng tình của người tham gia giao thông, góp phần kiềm chế làm giảm tai nạn giao thông. Chuyên đề nồng độ cồn sẽ làm mạnh trong thời gian tới, đặc biệt vào thời điểm trước, trong và sau Tết nguyên đán.

PV: Vậy để hạn chế người uống rượu bia tham gia giao thông, hiện nay C67 đã có những kiến nghị, đề xuất nào, thưa thiếu tá?

Thiếu tá Phạm Quang Huy: Lực lượng cảnh sát giao thông đã thường xuyên phối kết hợp với các cơ quan ban ngành liên quan có kế hoạch tuyên truyền về tác hại của rượu bia, về những nguy hiểm cho bản thân và cho người khác khi sử dụng vượt quá nồng độ cồn cho phép.

Bên cạnh đó chúng tôi cũng đã nhiều lần kiến nghị tăng mức xử phạt để đảm bảo tính răn đe, tăng xử phạt để người vi phạm phải cảm thấy sợ trước mỗi khi bắt đầu một cuộc nhậu là một biện pháp được tính đến.

Trong thời gian tới, C67 sẽ tập trung đề xuất tham mưu tăng cường các giải pháp nhằm hạn chế, làm giảm các vụ tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia, để người vi phạm cảm thấy mức xử phạt có tính răn đe, thấy sợ khi nghĩ về hậu quả và có ý thức hơn khi tham gia giao thông.  

Trong các đề xuất của C67 có: Tăng nặng về mức tiền xử phạt vi phạm giao thông, tăng thời gian tạm giữ phương tiện, tạm giữ giấy phép lái xe lâu hơn, theo hướng người vi phạm hoặc tái phạm sẽ bị hạn chế quyền khi tham gia giao thông. Đối với những biện pháp mà ở nước ngoài đã áp dụng thành công, chúng tôi sẽ tập trung nghiên cứu đề xuất ứng dụng có hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế.

PV: Vậy đối với người tham giao thông có uống rượu bia, C67 có tính tới biện pháp “mạnh” là tịch thu bằng lái vĩnh viễn đối với những người vi phạm giao thông gây tai nạn nghiêm trọng?

Thiếu tá Phạm Quang Huy: Tai nạn giao thông là tai nạn xã hội, do các đối tượng tham gia giao thông đang hoạt động trên đường giao thông hoặc địa bàn giao thông công cộng, đường chuyên dụng đã có hành vi vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông, do vô ý hoặc do sự kiện bất ngờ mà không kịp phòng ngừa để xảy ra thiệt hại nhất định về tính mạng, sức khỏe con người và tài sản.

Vấn đề tịch thu bằng vĩnh viễn, chúng tôi sẽ cân nhắc xem xét, bàn bạc với các cơ quan liên quan, lấy ý kiến người dân… trước khi tham mưu cho cấp trên.

Việc tịch thu bằng vĩnh viễn thì mãi mãi người vi phạm đó không được lái xe nữa nên phải cân nhắc kỹ trước đề xuất, đối với lỗi vi phạm hành chính có thể yêu cầu: Lao động công ích, yêu cầu vào phòng giải rượu, nâng mức chế tài xử phạt cao hơn…

PV: Xin cảm ơn thiếu tá./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

9 tháng, cả nước xảy ra hơn 18.000 vụ tai nạn giao thông
9 tháng, cả nước xảy ra hơn 18.000 vụ tai nạn giao thông

VOV.VN - Phó Thủ tướng đề nghị, từ nay đến cuối năm, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai những giải pháp cụ thể giải quyết các vấn đề giao thông gây nhức nhối

9 tháng, cả nước xảy ra hơn 18.000 vụ tai nạn giao thông

9 tháng, cả nước xảy ra hơn 18.000 vụ tai nạn giao thông

VOV.VN - Phó Thủ tướng đề nghị, từ nay đến cuối năm, các Bộ, ngành, địa phương cần triển khai những giải pháp cụ thể giải quyết các vấn đề giao thông gây nhức nhối

Tân Vụ trưởng Vụ ATGT hiến kế giảm tai nạn giao thông
Tân Vụ trưởng Vụ ATGT hiến kế giảm tai nạn giao thông

VOV.VN - “Trong chương trình hành động của mình, tôi tập trung các giải pháp cho vấn đề an toàn đường bộ”.

Tân Vụ trưởng Vụ ATGT hiến kế giảm tai nạn giao thông

Tân Vụ trưởng Vụ ATGT hiến kế giảm tai nạn giao thông

VOV.VN - “Trong chương trình hành động của mình, tôi tập trung các giải pháp cho vấn đề an toàn đường bộ”.

6.758 người chết do tai nạn giao thông trong 9 tháng qua
6.758 người chết do tai nạn giao thông trong 9 tháng qua

VOV.VN - 9 tháng, toàn quốc xảy ra 18.697 vụ TNGT, làm chết 6.758 người, bị thương 17.835 người.

6.758 người chết do tai nạn giao thông trong 9 tháng qua

6.758 người chết do tai nạn giao thông trong 9 tháng qua

VOV.VN - 9 tháng, toàn quốc xảy ra 18.697 vụ TNGT, làm chết 6.758 người, bị thương 17.835 người.