Xin đừng “mất bò mới lo làm chuồng”

Thân phận cụ rùa Hồ Gươm sẽ về đâu? Người dân đang nóng lòng chờ lời giải đáp từ các cơ quan hữu quan thành phố Hà Nội!

Những ngày gần đây, các phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ đưa tin về loài rùa tai đỏ xuất hiện dày đặc tại Hồ Gươm, nơi có cụ rùa thiêng sinh sống. Hình ảnh “kẻ đàn em” tai đỏ nghễu nghện ngự trên lưng “bậc tiền bối” được lan truyền rộng rãi trên Internet, gây bức xúc cho bất kể ai yêu quý Cụ Rùa, báu vật vô giá không chỉ của Hồ Gươm, của Hà Nội, mà của cả nước.

“Rùa tai đỏ Hồ Gươm” sau đó trở thành đề tài bàn luận của nhiều tờ báo và cư dân mạng. Ai cũng thương xót và lo lắng cho số phận Cụ trước loài rùa tai đỏ tới từ châu Mỹ xa xôi, bởi chúng có thể thọ tới 60-70 năm và “được” xếp hạng 1 trong số 206 loài động vật xâm hại môi trường. Với khả năng tàn phá ghê gớm của chúng, người ta có quyền lo ngại về môi trường sống của Cụ Rùa Hồ Gươm, đồng thời lên tiếng yêu cầu các cơ quan chức năng thành phố Hà Hội nhanh chóng có biện pháp hữu hiệu cứu Cụ trước khi quá muộn!

Cụ Rùa Hồ Gươm nổi cõng trên lưng rùa tai đỏ (Ảnh Vnexpress)

Cũng những ngày gần đây, báo chí rất quan tâm và đăng tải những biện pháp cứu Cụ Rùa do những chuyên gia hiến kế. Ông Nguyễn Ngọc Khôi, Phó trưởng Ban Thường trực Hội Bảo tồn Sinh thái thành phố Hà Nội, một doanh nhân thâm niên 13 năm nuôi rùa tai đỏ, đã đề xuất phương án bắt số rùa tai đỏ đang sinh sống ở Hồ Gươm rất có cơ sở và cần được tham khảo, áp dụng.

GS Đặng Huy Huỳnh, Chủ tịch Hội Động vật học Việt Nam cũng dựa trên những tập tính của loài rùa tai đỏ để đưa ra một số gợi ý cho việc bắt loài rùa này. Cả 2 ông đều cho rằng, những biện pháp này hoàn toàn có thể thực hiện được. Và người dân hy vọng một ngày không xa, loài rùa “tai quái” kia sẽ bị loại trừ khỏi lá phổi xanh của Hà Nội.

Thế nhưng, báo chí cứ phản ánh, các nhà khoa học cứ lên tiếng, người dân sốt ruột chờ tin tức khả quan. Song, đến nay tịnh không không ai trong số những cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trả lời. Phải chăng họ không biết? Họ không đọc báo, nghe đài, xem TV? Hay lỗi từ các nhà khoa học chưa phản ánh đầy đủ? Hoàn toàn không phải. Những công bộc của dân luôn có một chồng báo trên bàn làm việc. Khách du lịch và người dân thi thoảng vẫn bắt gặp Cụ Rùa nổi lên, khi thì có móc câu trên lưng, khi có dây cao su ngậm ngang miệng, và “cao điểm” là hình ảnh cụ “cõng” “kẻ hủy diệt” trên lưng.

PGS.TS Hà Đình Đức, người mấy chục năm gắn bó với cụ rùa Hồ Gươm đã chụp được ảnh rùa tai đỏ ở hồ này từ năm 2004, còn trước đó có người chụp được vào năm 1997. Ông cũng cho biết, khi biết tác hại của rùa tai đỏ, ông đã nhiều lần đề cập nhưng vẫn chưa cơ quan chức năng nào có biện pháp ngăn chặn.

Người ta xúc động và cảm phục hình ảnh “bà Tấm” Quốc Thị Gái, 88 tuổi ở số 46, ngõ Phất Lộc (quận Hoàn Kiếm - Hà Nội) hàng ngày cần mẫn thả bánh mì, cơm nguội xuống chân cầu Thê Húc để nuôi rùa, tôm, cá Hồ Gươm bao nhiêu, lại càng bức xúc bấy nhiêu khi có những ai đó cố ý phóng sinh những “kẻ ngoại lai” xuống Hồ, cũng như cách trả lời vô cùng thờ ơ của ông Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng Ban Quản lý Hồ Gươm rằng trách nhiệm của họ là chỉ bảo vệ Hồ và làm theo chỉ đạo của thành phố và “miễn bàn” về chuyện rùa tai đỏ!

Hà Nội của chúng ta vừa tưng bừng kỷ niệm đại lễ 1.000 năm tuổi. Cụ Rùa Hồ Gươm- gắn với truyền thuyết vua Lê Lợi trả gươm báu sau khi đánh tan giặc Minh thế kỷ 15, phải chăng chưa thực sự được các cơ quan chức năng thành phố coi là báu vật, là “thánh” (nói như PGS.TS Hà Đình Đức)? Phải chăng cụ cũng là nạn nhân của căn bệnh thờ ơ đang có nguy cơ làm suy thoái đạo đức ở một bộ phận người dân?

Chúng ta đã rất đau lòng khi một Cụ Rùa 900 tuổi bị sát hại năm 1968 và đang được bảo quản tại đền Ngọc Sơn. Thân phận Cụ Rùa còn lại sẽ về đâu? Xin nhường lời giải cho các cơ quan hữu quan thành phố Hà Nội. Xin đừng “mất bò mới lo làm chuồng”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên