Zippo- ngọn lửa từ góc khuất quá khứ

Hàng trăm ngàn lính Mỹ đã mang theo Zippo sang Việt Nam. Ở đây, Zippo còn hơn là một chiếc bật lửa. Zippo đã trở thành những nhân chứng biết nói về tâm trạng của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam

Zippo là một trong những đặc sản của nước Mỹ. Chiếc bật lửa mạ kền có dáng vẻ cục mịch này thậm chí còn tương đối bất tiện vì to và nặng, vướng víu khi cho vào túi quần, túi áo. Vậy mà nó đã tồn tại một cách danh giá suốt hơn ba phần tư thế kỷ qua, khẳng định được vị trí lịch sử không chỉ tại Mỹ mà còn ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. Nó nổi tiếng đến mức chỉ cần nói Zippo là mọi người đều hiểu ngay đó là một cái bật lửa. Nhìn từ một phương diện khác, nó còn là ngọn lửa soi sáng một góc khuất trong lòng nước Mỹ với đầy rẫy những biến cố phức tạp mà người Mỹ muốn chôn vùi vào quên lãng, trong đó có cả cuộc Chiến tranh Việt Nam.

Sự ra đời của Zippo

Cha đẻ của Zippo là George G. Blaisdell. Sinh ngày 5/6/1895 tại Bradford, Pennsylvania, George G. Blaisdell, về bề nổi, được coi là người gặt hái nhiều thành công vào những năm khó khăn nhất của cuộc Đại khủng hoảng xảy ra tại Mỹ từ 24/10/1929. Ông là người ít học và rất ghét trường học. Ông bỏ học từ năm lớp 5và tuyên bố thẳng thừng với gia đình là sẽ không bao giờ đến trường nữa. Sau đó, cha ông đã gửi ông tới một học viện quân sự với hy vọng cậu con trai sẽ được giáo dục tốt hơn với kỷ luật thép của quân đội. Thế nhưng, George G. Blaisdell cũng chỉ học hết năm thứ hai của học viện và bỏ học ngay trước khi nhà trường ra quyết định buộc thôi học.

Thất vọng với việc học hành của quý tử, cha của George G. Blaisdell đưa ông tới làm việc tại doanh nghiệp của gia đình : Công ty cơ khí Blaisdell. Tại đây, George G. Blaisdell học về kim khí, gia công kim khí với các kỹ năng điêu luyện mà gần 30 năm sau trở thành nền tảng quý giá cho sự ra đời của những chiếc bật lửa Zippo.

George G. Blaisdell, cha đẻ của Zippo
Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, George G. Blaisdell bắt quản lý doanh nghiệp của gia đình. Ông đã bán doanh nghiệp và đầu tư toàn bộ số tiền thu được vào ngành dầu mỏ. Nhưng ngay sau đó ngành dầu mỏ cũng như toàn bộ các ngành kinh tế khác rơi vào vòng xoáy khủng hoảng của cuộc Đại khủng hoảng. Và trong bối cảnh đó, George G. Blaisdell quyết định thành lập Zippo vào năm 1932 ngay chính trên mảnh đất quê hương. Quyết định của ông từng bị coi là điên rồ và bất khả thi.

Sarah Dorn – con gái của George G. Blaisdell đã từng nói về cha mình và những ngày đầu của Zippo như thế này: “Cha tôi rất ghét những công việc liên quan đến dầu mỏ. Ông không hề giỏi về lĩnh vực này. Ông cũng không hề có tố chất cho những việc tương tự. Điều duy nhất ông biết vào những năm 30 của thế kỷ 20 là ông phải làm một việc gì đó, bởi vì đây là thời kỳ cực kỳ khó khăn, căng thẳng. Lúc đó ông cũng chẳng có nhiều tiền. Ông phải nhờ vả người này người nọ để có tiền mở Công ty sản xuất bật lửa Zippo. Chẳng có ai tin vào ý tưởng của ông. Và vào thời điểm đó, kế hoạch của ông quả thật là ngốc nghếch. Xin hãy tưởng tượng nếu một người sản xuất và bán một cái bật lửa vớ vẩn với giá tiền mà có thể nuôi sống cả một gia đình trong một thời gian dài vào thời kỳ Đại khủng hoảng thì có thể nói người đó không điên cũng mất trí. Vậy điều gì khiến ông quyết tâm làm?. Theo tôi, nó nhuốm màu tuyệt vọng và liều lĩnh. Ông bắt buộc phải làm việc này cho bản thân và gia đình, bởi vì, lúc đó không còn con đường nào khác”.

Chiếc Zippo đầu tiên được George G. Blaisdell bắt đầu làm từ cuối năm 1932 và hoàn thành vào đầu năm 1933. Trên chiếc bật lửa còn có khắc dòng chữ cho chính tay George G. Blaisdell viết: “Chiếc Zippo đầu tiên, cấm sờ vào hiện vật”. Hiện nay nó đang được trưng bày tại Bảo tàng Zippo tại Bradford.

Từ đó đến nay, hàng chục triệu chiếc Zippo đã được chế tác và có mặt ở hầu khắp mọi nơi trên thế giới. Người ta còn mở hẳn một bảo tàng để trưng bày và tôn vinh nó.

Bảo tàng Zippo

Được thành lập từ năm 1997, cho đến nay, Bảo tàng Zippo tại Bradford – Penncylvania đã thu hút hàng triệu lượt khách tham quan. Tâm điểm của bảo tàng là 75 chiếc Zippo độc đáo được chế tạo đặc biệt nhân các dịp kỷ niệm thành lập Zippo. Đã có người dám bỏ ra hàng triệu USD để được làm chủ nhân của bộ sưu tập độc nhất vô nhị này nhưng không toại nguyện, vì như George G. Blaisdell nói: “có những thứ làm ra không phải để bán”.

Đến với bảo tàng, du khách còn được hưởng một thứ vui nữa là tự tay làm những chiếc Zippo cho riêng mình hoặc bạn bè, người thân. Với những phôi vỏ hộp, bánh răng, lẫy, thân rỗng và sự hướng dẫn tỷ mỷ của các nhân viên lành nghề, chỉ trong thời gian ngắn bạn sẽ trở thành chủ nhân của một chiếc Zippo có một không hai. Bởi vì, cho dù bạn có tự tay chế tạo chiếc thứ hai thì nó cũng không thể hoàn toàn giống với chiếc đầu tiên. Đó cũng nguyên tắc “tính độc đáo” trong phương châm kinh doanh của Zippo.

Nếu bạn có dịp đi du lịch đến Bradford thì đừng bỏ lỡ dịp. Xin cung cấp cho các bạn địa chỉ sau đây: 1932 Zippo Drive Bradford, PA 16701.

Đánh lửa Zippo – “nghề chơi cũng lắm công phu”

Cách đánh lửa bằng Zippo được coi là biểu hiện đẳng cấp trong dân chơi Zippo trên toàn thế giới. Nếu chỉ biết đánh lửa theo cách thông thường là mở nắp, lấy ngón tay cái gại vào bánh răng để phát ra tia lửa thì “trình độ” chỉ là “thấp như gián” (theo ngôn ngữ của dân chơi sành điệu). Theo thống kê có tới gần một trăm kiểu đánh lửa Zippo. Những người điêu luyện có thể đánh lửa bằng cả 10 đầu ngón tay. Rút bật lửa ra khỏi túi là đã có lửa. Ở bất kỳ tư thế nào cũng có thể đánh lửa.

Thế nhưng, chưa thấm tháp gì so với các “siêu cao thủ”. Với “công phu thượng thừa”, họ có thể đánh lửa bằng mọi bộ phận trên cơ thể, thậm chí bằng cả… lưỡi. Nếu ai đã từng tới Nhật Bản hẳn biết về khu Kabukichyo - một điểm ăn chơi nổi tiếng thế giới của Tokyo. Tại đây có một nhân vật tiếng tăm lừng lẫy tên là Kamimura Masatoshi. Là tiếp viên nam trong một hầm rượu ở Kabukichyo, Kamimura được biết tới là người bán được nhiều hàng nhất, thu nhập cao nhất trong số các tiếp viên ở đẳng cấp “quý tộc” tại Nhật Bản. Thu nhập của anh có lúc lên tới hơn 30.000 USD một đêm. Thu nhập này là do lương cộng với hoa hồng thu được từ lượng rượu, bia, thuốc lá bán được trong đêm ấy.

Kamimura có động tác pha cocktail duyên dáng, phong cách hấp dẫn, thông minh, hiểu biết. Thế nhưng, “độc chiêu” của anh lại là nghệ thuật đánh lửa Zippo. Một quý bà vừa vào quán, rút một điếu thuốc ra cầm tay, lập tức Kamimura xuất hiện không biết từ đâu và cũng không ai biết anh để bật lửa ở đâu, với một động tác kỳ bí, hấp dẫn như ảo thuật gia David Corperphin, ngọn lửa bùng lên từ ống tay áo sau tiếng “ti..i..i..inh” trong vắt kéo dài rất đặc thù của Zippo. Sự ngạc nhiên thú vị còn tăng hơn nữa khi Kamimura rút tay ra khỏi túi quần là đã có một ngọn lửa bập bùng trên 2 ngón tay điệu nghệ cứ như thể anh giấu sẵn lửa trong người để khi cần thì tự nhiên rút ra vậy.

Màn biểu diễn Zippo của Kamimura chỉ thực sự bắt đầu vào nửa đêm lúc mà khách đã trở nên hưng phấn hơn sau vài tuần rượu. Vẻ mặt điển trai đầy nam tính, bước chân uyển chuyển, tự tin của kẻ biết mình đang thống trị, Kamimura mềm mại với những điệu tango hoặc valse quyến rũ biểu diễn hàng loạt cách đánh lửa Zippo độc đáo trong tiếng vỗ tay rào rào tán thưởng.

Người ta còn đặt tên cho các cách đánh lửa của anh theo cách đặt tên các chiêu thức trong võ thuật. Ví dụ như cách đánh lửa hai tay hai Zippo, cuốn từ trong người cuốn ra rồi dâng đến trước mặt khách hàng được gọi là “thần viên hiến quả” (tức là vượn thần dâng hoa quả). Còn cách bật lửa từ chỗ bí mật rồi bất ngờ xoè lửa được gọi là “Độc long xuất động” (Rồng thiêng ra khỏi hang)… v.v và v.v… Để được ngồi trò chuyện và xem Kamimura chơi Zippo, các quý bà, quý ông phải trả tới 700USD/giờ.

Với gần 8 năm khổ luyện, Kamimura đã biến việc đánh lửa Zippo thành môn nghệ thuật biểu diễn có thể hái ra tiền.

Bảo tàng Zippo tại Mỹ

Zippo - ngọn lửa từ góc khuất quá khứ

Và ai cũng biết, Zippo là một chiếc bật lửa hết sức đơn giản, vuông vức, có vỏ mạ crome sáng bóng, dùng bánh răng, đá lửa và xăng, nhưng nhạy đến mức chỉ một cái búng ngón tay là ngọn lửa bùng lên kèm theo tiếng “keng” trong trẻo khi chiếc nắp bật ra hoặc đóng lại. Có thể sử dụng trong mọi điều kiện thời tiết với độ bền ngoài sức tưởng tượng. Chính vì vậy, nó thích hợp với những chuyến đi xa.

Trong chiến tranh Việt Nam, ước tính có hàng trăm ngàn chiếc Zippo đã theo chân lính Mỹ vào Việt Nam. Nhưng đến Việt Nam, Zippo còn hơn là một chiếc bật lửa. Ánh lửa Zippo bập bùng chiếu sáng căn lều dã chiến ban đêm để xua đi nỗi sợ hãi, trống trải. Nó còn là người bạn lòng tâm sự vào những khi cô quạnh. Những người lính viễn chinh, với tâm trạng của những người bị lừa gạt, lợi dụng vào những mục tiêu phi nghĩa, phi đạo đức đã khắc lên những chiếc Zippo dòng suy tưởng của mình, thậm chí cả sự suy sụp của mình. Theo đó, Zippo đã trở thành những nhân chứng biết nói về tâm trạng của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam. Chúng là biểu tượng hàm ẩn về những gì mà nhiều người lính Mỹ đã nhận ra từ một góc nhìn trần trụi về nhiệm vụ được tô hồng một cách khiên cưỡng mà họ phải gánh vác trong cuộc chiến tranh đó.

Những dòng chữ chua chát chứa cả sự khinh bỉ chính bản thân mình:

“Dù tôi đi giữa thung lũng phủ đầy bóng dáng của chết chóc, tôi không run sợ ác quỷ bởi lẽ tôi là con quỷ ghê tởm nhất của thung lũng này”.

“Cái chết là công việc của tôi và công việc đến giờ vẫn ổn”.

Hoặc tự an ủi chính mình:

 “Tôi không sợ hãi, chỉ đơn độc”.

“Xin đừng nói với tôi về Việt Nam bởi vì tôi đã từng đến đó”.

“Chúng tôi, những tâm hồn không tự hiến nguyện, do những kẻ thiếu học dẫn dắt, đang làm những việc không cần thiết cho những kẻ vô ơn”.

“Tôi biết tôi sẽ được lên thiên đường bởi vì tôi đã dành cả đời ở địa ngục: Việt Nam”.

Hoặc giống như lời trăng trối:

“Chúng tôi không sống hay chết, chúng tôi chỉ thành khói và bay cao”.

“Anh sẽ không bao giờ thật sự sống cho đến khi anh gần chết”.

“Nếu như mi nhận được nó (chiếc Zippo) từ thây của ta, ta hy vọng nó sẽ

mang lại sự may mắn cho mi giống như nó đang mang lại cho ta”.

Và để cuối cùng bật ra một cách dung tục nhưng đầy “chất Mỹ” về một sự thật trần trụi nhưng lại được khám phá một cách muộn mằn:

Killing for peace is fucking for virginity” (tạm dịch: giết chóc để gìn giữ hoà bình giống như làm tình để gìn giữ trinh tiết).

Có lẽ với những dòng chữ trên, không cần bình luận gì thêm cũng đủ hiểu được phần bản chất trong tâm tưởng những người lính Mỹ thời Chiến tranh Việt Nam. Có lẽ đến tận giờ phút này, nhiều người Mỹ vẫn còn bàng hoàng, ngơ ngác mỗi khi nghe tiếng “ti..i…inh..” không lẫn vào đâu được của Zippo lúc đóng mở nắp. Nó như tiếng chuông nguyện nhắc nhớ tới một quãng đen tối mà nước Mỹ muốn quên đi nhưng chẳng bao giờ khoả lấp được.

Thay lời kết

Ra đời trong thời kỳ Đại khủng hoảng đen tối của nước Mỹ, Zippo được coi là một mảng sáng, một tia hy vọng và một nét lạc quan của con người. Hiện nay, cuộc khủng hoảng quy mô toàn toàn thế giới đang lan rộng với mức độ trầm trọng không kém gì cuộc Đại khủng hoảng năm 1929 của Mỹ. Hy vọng rằng đây là thời điểm để một cái gì đó tương tự như Zippo sẽ ra đời, tạo một mảng sáng mới, cho dù chỉ nhỏ như quầng sáng của ánh lửa Zippo trong đêm đông giá lạnh. Theo đó, tài sản của nhân loại sẽ trở nên giàu có hơn ngay giữa những mất mát to lớn hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên