Mùa xuân thời dựng Đảng

Mùa xuân 1930, Đảng ta ra đời ở Hương Cảng. Dịp ấy, Bác Hồ có “đãi” các đại biểu một bữa cơm Tết Nguyên đán, vừa tiết kiệm, vừa linh đình, để chúc mừng Đảng ra đời…

Mùa xuân 1930
Để đảm bảo bí mật, những người cách mạng Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài không phải ai cũng được biết sự kiện trọng đại này. Tài liệu lưu trữ quan trọng nhất về mùa xuân năm ấy lại nằm ở Phông Đảng Cộng sản Đông Dương, Phông Lưu trữ cá nhân về Chủ tịch Hồ Chí Minh thuộc Kho Lưu trữ vĩ đại của Quốc tế Cộng sản, nay là Lưu trữ Lịch sử hiện đại của Cộng hòa Liên bang Nga. Được cầm và tận mắt đọc những tư liệu, phần lớn viết tay của Bác, dù là tiếng Việt, Anh hay Pháp trong lưu trữ này, hẳn ai cũng cảm động vì ánh sáng trí tuệ, tình cảm của Người cứ lan tỏa từ những mẩu giấy, vở viết rất đơn sơ…

Chưa bao giờ như trong tháng 2 và 3/1930, Bác viết nhiều thư, báo cáo, các tập sách nhỏ như thế. Và giọng văn đều phấn chấn vô cùng.

Lá thư của Bác viết tay bằng tiếng Pháp, hai trang nhỏ, có dòng chữ: Việt “Thư gửi Lê Hồng Phong”, đang học năm cuối ở Trường Phương Đông để chuyển cho Bộ Phương Đông, đề ngày 2/3/1930. Thư báo cáo được dịch ra tiếng Nga, phụ đề “Đến Moscow ngày 30/3/1930” và danh sách những nhân vật lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản mà Bộ Phương Đông sẽ gửi: Stalin, Piatnitski, Monmousseau, Lozovsky, Vương Minh…

Thư có đoạn: “Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được thành lập trên cơ sở hợp nhất Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng. Đảng đã bầu ra Ban Chấp hành Lâm thời. Hiện, Đảng có 500 đảng viên với 40 chi bộ, một nửa số đó trong các nhà máy. Ảnh hưởng của Đảng ở miền Bắc mạnh hơn Nam Kỳ…”.

Dấu ấn về những mùa xuân đầu tiên của Đảng còn được in dấu đặc biệt ở Moscow trong những người cách mạng Việt Nam trẻ tuổi đang theo học tại trường Đại học Phương Đông và một số trường, học viện khác ở Liên xô.

Mùa xuân 1933
Vào những năm 1932 - 1933, riêng lớp đặc biệt (nhóm A) của Việt Nam đã có 7 học viên, trong tổng số 20 người đang học tập trong những lớp khác nhau. Mùa xuân 1933, họ quyết định mừng ngày thành lập Đảng. Trong biên bản ghi rõ có ban Tiếp tân, ban Kỹ thuật, ban Văn nghệ (chuẩn bị diễn kịch, hát…). Riêng diễn văn thì giao cho Đinh Tân, Minin (tức Nguyễn Khánh Toàn) dịch ra tiếng Pháp…

Đó là những năm tháng khó khăn. Trần Phú mới hy sinh ở Sài Gòn. Báo chí cũng đăng tin Nguyễn Ái Quốc đã chết trong tù ở Hongkong. Nhóm Việt Nam và Bộ Phương Đông đã tổ chức truy điệu Người ở Moscow.

Mùa xuân 1934, Bác Hồ sau “vụ án Hongkong” nổi tiếng, có mặt tại Moscow trong sự vui mừng tột độ của anh chị em học viên Việt Nam và các vị lãnh đạo, bè bạn trong Quốc tế Cộng sản từ G. Dimitrov, D. Maruinski. P. Mip, A. Marty, V. Vasilieva…

Mùa xuân 1935
Mùa xuân 1935, một tư liệu quý báu trong hồ sơ lưu trữ của Quốc tế Cộng sản nói về vị thế của Đảng ta lúc ấy. Trong biên bản tốc ký bằng tiếng Nga của Đại hội VII Quốc tế Cộng sản, phiên họp 48 chiều 20/8/1935, do đồng chí M.Tore chủ tọa, đồng chí Vương Minh, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản (người Trung Quốc) đã phát biểu ca ngợi Đảng Cộng sản Đông Dương và cao trào 30 - 31.

“Lời đầu tiên tôi muốn dành cho sự lớn mạnh của Đảng Cộng sản Đông Dương. Đảng này thành lập tháng 2/1930. Nửa sau 1931 và cả 1932, Đảng đã trải qua những thử thách khốc liệt, cơ quan lãnh đạo của Đảng bị tan rã. Đảng Cộng sản Đông Dương trước đó có 3.500 đảng viên…

Trong giai đoạn hiện nay, hiện con số đảng viên đã lên tới 5.189 đồng chí, các tổ chức quần chúng có tới 7.679 người. Đảng có 3 cơ quan tuyên truyền, lớn hơn cả thời kỳ 1930 - 1931…”.

Bạn đọc chắc hẳn đã ít nhiều được biết những sự kiện hào hùng như thế của Đảng ta, của cuộc đời đầy huyền thoại về Bác Hồ. Nhưng đó chưa phải là tất cả. Cuộc cách mạng của chúng ta, cũng như số phận của mỗi đời người đều trải qua những bước thăng trầm đòi hỏi trí tuệ và nghị lực để vượt qua mọi tai ương, có khi không chỉ từ phía kẻ thù.

Ít nhất thì, từ Đại hội I của Đảng ta ở Macao (1935), cuộc đấu tranh trong nội bộ của Quốc tế Cộng sản (QTCS) để khắc phục tư tưởng, xu hướng “tả khuynh” đã ngự trị từ năm 1928 lên tới đỉnh điểm. Điều này ắt có liên quan đến những nhân vật quan trọng như Hồ Chí Minh. Là người có mẫn cảm chính trị và thực tiễn sâu sắc, từ khi thành lập Đảng, Bác đã cố gắng tột bậc, khéo léo để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đi tới đích của Chủ nghĩa xã hội bằng những phương thức khác… Điều đó dĩ nhiên cũng không thoát khỏi sự chú ý của lực lượng “chính thống” trong guồng máy QTCS.

Hiểu được như vậy, bạn đọc ngày nay sẽ tự giải mã được lời bộc bạch gan ruột của Bác đầu năm 1938 về sự “đứng ngoài Đảng” của mình trong một bức thư gửi QTCS. Các nhà sử học phương Tây gọi đó là “những năm thất sủng” của Hồ Chí Minh…

Nhưng cũng chính ở thời điểm này, tài liệu lại cho ta thấy một hình ảnh sống động khác về bản lĩnh, ý chí chiến đấu, tình cảm đồng chí cao thượng của những người cách mạng Việt Nam. Trước đây, chúng ta đã được biết hình ảnh của Bác Hồ những năm đó qua Nguyễn Khánh Toàn. Ông mô tả rằng, đồng chí Nguyễn Ái Quốc lúc đó vẫn là chỗ dựa tinh thần quan trọng nhất của họ và câu nói cửa miệng của Người là phải duy trì sự đoàn kết…

Mùa xuân 1937
Xin hiến bạn đọc một tư liệu mới và quý báu. Vào dịp kỷ niệm Đảng ta tròn 6 tuổi, mùa xuân năm 1937, tại Moscow có cuộc mít tinh ở Bộ Phương Đông, thu hút khá đông đảo các bạn bè quốc tế. Lê Hồng Phong, lúc đó đã là Ủy viên Ban Chấp hành QTCS, người chủ trì lễ kỷ niệm, cũng là người trực tiếp soạn thảo Diễn văn kỷ niệm Đảng Cộng sản Đông Dương bằng tiếng Nga, 6 trang viết tay. Điều làm chúng tôi cảm động và thích thú khi tiếp xúc với văn bản này là, khi nói về Nguyễn Ái Quốc, người viết đã gạch đi gạch lại, thậm chí sử dụng cả những mẩu ruy băng dán đè trong “đánh giá” vị trí của Người trong Đảng. Rõ ràng điều đó nói lên sự day dứt của Lê Hồng Phong, một mặt vẫn phải bảo đảm tính “chính thống” của đánh giá, mặt khác về tình cảm và lý trí, không thể phủ nhận đường hướng cách mạng đúng đắn, sáng tạo của Nguyễn Ái Quốc…

Rất mừng là, những tài liệu QTCS, từ năm 1938, đã làm sáng thêm ra. Nhiều bản báo cáo, bài viết của những nhân vật nổi tiếng, đặc biệt của A. Marty, một trong những yếu nhân của Đảng Cộng sản Pháp, Ủy viên Đoàn Chủ tịch QTCS, của Togliatti, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Italy…, bên cạnh việc ca ngợi ĐCSĐD còn khẳng định vai trò to lớn của Nguyễn Ái Quốc với Đảng ta, với phong trào Cộng sản và Công nhân quốc tế.

Mùa xuân 1939
Mùa xuân năm 1939 - 1940, Nguyễn Ái Quốc đã trở về Trung Quốc. Ngay tại Diên An, Người để lại một văn bản, theo chúng tôi, có ý nghĩa tầm nhìn chiến lược để năm sau, khi Người về nước trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, được triển khai từ chỗ đứng chân đầu tiên là căn cứ địa cách mạng Cao Bằng. Tập tài liệu được viết bằng tiếng Trung Quốc, ngót 20 trang, có bản dịch ra tiếng Nga, qua thẩm định văn bản, dễ dàng khẳng định tác giả. Người đã nói vắn tắt về lịch sử Việt Nam, lịch sử của Đảng ta từ năm 1930, các cuộc vận động cách mạng đã trải qua. Trọng tâm của tác phẩm là lập luận của Người về một “chiến lược biên giới”, cụ thể là sự lựa chọn tỉnh địa đầu Cao Bằng, để xây dựng vốn chính trị, quân sự thực sự cho cuộc tổng khởi nghĩa trong tương lai gần. Người cũng đề nghị các Đảng anh em, dù trong điều kiện QTCS đã giải tán, vẫn có thể giúp đỡ hữu ích cho cuộc vận động giải phóng dân tộc sắp tới ở Việt Nam…

Mùa xuân 1941
Còn mùa xuân năm 1941, Bác bước qua cột mốc 108 trên biên giới Việt - Trung thuộc Hà Quảng (Cao Bằng), chọn hang Pắc Bó - nơi có suối Lênin, núi Các Mác làm “túp lều Razơlíp” của mình - mở ra cánh cửa cho cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 thì chúng ta đều đã biết…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên