Tôi yêu Tết Việt

Tôi rất thích ngày Tết cổ truyền của Việt Nam: thích cái không khí náo nức, chộn rộn những ngày trước Tết. Người người rủ nhau đi mua sắm, đường phố đông nghịt người nhưng mà vui

Ngày càng có nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc và học tập tại Việt Nam. Với họ, Tết cổ truyền của Việt Nam là một nét đặc sắc của văn hóa Việt. Gặp những người bạn quốc tế trong những ngày Tết cận kề, chúng tôi đều cảm nhận được sự thích thú và háo hức của họ đối với Tết Việt.

David Frogier de Ponlevoy, quốc tịch Đức, 38 tuổi, chuyên gia hiệu đính Hệ VOV5, Đài TNVN: Tết ở Việt Nam thật hạnh phúc 

Tôi rất vui vì đã được hưởng trọn vẹn 5 cái Tết Nguyên đán tại Việt Nam. Đây là dịp rất đặc biệt. Vì đó là dịp duy nhất trong năm Hà Nội thanh bình, yên tĩnh. Thời khắc đón giao thừa thật thiêng liêng, mọi người dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp nhất. Có nhiều người bạn của tôi muốn đến Việt Nam để đón Tết Việt. Tuy nhiên, tôi khuyên họ đón Tết ở Việt Nam sẽ thật buồn và thiếu ý nghĩa nếu như các bạn không sống cùng gia đình. Tết ở Việt Nam thường kéo dài đến 1 tuần, thậm chí có thể là 2 tuần trong khi Lễ Giáng sinh chỉ khoảng 3 ngày.

Ấn tượng đầu tiên của tôi trong mỗi dịp Tết là khi thấy mẹ vợ tôi chuẩn bị Tết. Bà không chỉ chuẩn bị 1 - 2 con gà mà đến 7 - 8 con. Sau đó cố gắng nhồi nhét tất cả vào trong tủ lạnh. Khái niệm gia đình ở Việt Nam thường rộng hơn ở Đức. Nếu bạn đến thăm một gia đình người Đức trong dịp Giáng sinh thì may lắm bạn gặp được ông bà và cô chú, những người rất thân. Nhưng ở Việt Nam, bạn có thể gặp được những người họ hàng. Thật hạnh phúc khi được ăn Tết Việt Nam.

Wael Almulla, quốc tịch Iraq, 28 tuổi, chủ nhà hàng Dragon Fly tại Hà Nội: Tết Việt rất vui và ấm áp

Tôi đã sống ở Việt Nam được 10 năm. Ngày Tết ở Iraq và Việt Nam có nhiều điểm giống nhau, trẻ con được nhận tiền mừng tuổi, được mua sắm quần áo mới để đi thăm bạn bè, họ hàng. Tôi rất thích đêm giao thừa ở Việt Nam vì có pháo hoa. Tôi và bạn bè thường ra hồ Hoàn Kiếm để ngắm cảnh tượng ngoạn mục này. 10 năm rồi, không năm nào tôi bỏ qua màn bắn pháo hoa. Ngoài ra, những cành đào, cành quất tượng trưng cho ngày Tết mà tôi được nhìn thấy ở các nhà hàng xóm khá lạ mắt, cả bánh chưng nữa, cũng rất ngon.

Vào ngày Tết, tôi thường đến thăm các gia đình bạn bè người Việt. Chúng tôi mang rượu, trà, sôcôla… đến làm quà tặng họ. Ở những đất nước Hồi giáo, người ta cấm uống rượu hay các đồ uống có cồn khác nhưng vào ngày Tết, tôi được những người bạn Việt Nam mời rượu nhiệt tình và tôi khó có thể từ chối. Bố tôi cũng vậy, khi ở quê nhà, ông luôn nghiêm khắc trong chuyện này, nhưng vào ngày Tết, bố tôi cũng uống rượu chúc mừng cùng họ. Thực sự là vui và ấm áp.

Raja Mahmood Janjua, 33 tuổi, quốc tịch Pakistan, Công ty TNHH TM Việt Nam - Pakistan: Thật may, vợ tôi là người Việt


Ở đất nước chúng tôi người ta không chào đón năm mới. Thay vào đó, chúng tôi có hai ngày lễ rất lớn của người Hồi giáo là lễ Eid Ul Fitar và Eid Ul Aza, vào khoảng đầu tháng 10 và đầu tháng 12. Trong những ngày lễ này, chúng tôi làm thịt bò, dê để làm lễ cúng tế. Còn ngày đầu năm thì vẫn coi như ngày thường. Tất nhiên khi sang đây sống thì khác. Tôi là người Pakistan đầu tiên định cư ở Việt Nam, những người đồng hương khác thường chỉ đến rồi lại đi. Cộng đồng của chúng tôi ở đây rất ít, nên ngày Tết tôi thường chỉ gặp các đối tác thương mại. Tôi không có nhiều bạn ở đây. Tôi thường đón giao thừa cùng cộng đồng người Ấn Độ và bạn bè ở các khách sạn, nhà hàng. Thật may cho tôi khi vợ tôi là người Việt. Nhờ thế, ngày Tết tôi cũng làm đúng thủ tục như người Việt Nam là đi thăm gia đình nhà vợ. Chúng tôi cũng háo hức mua sắm Tết và trang trí nhà cửa. Và tất nhiên là tôi thích Tết Việt.

Alinsa Lianesakoun, quốc tịch Lào, 21 tuổi, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân: Vẫn mong gói được bánh chưng

 


3 năm liền mình đón Tết tại Việt Nam chỉ vì mình muốn được hưởng nhiều “hương vị“ văn hóa của Việt Nam. Mình rất thích ngày Tết cổ truyền ở đây. Mình thích cái không khí náo nức, chộn rộn những ngày trước Tết. Người người rủ nhau đi mua sắm, đường phố lúc nào cũng đông nghịt người nhưng mà vui. Trước giao thừa, mình được gia đình bạn bè dẫn đi chơi chợ hoa, đèn lồng, được lì xì, uống rượu cần và cả được gói bánh chưng nữa. Nhưng học gói bánh chưng mãi mà mình chỉ có thể... ăn chứ không biết gói, dù rằng mình tự hứa rất nhiều lần năm sau mình phải gói cho bằng được một cái bánh chưng. Không biết dịp Tết Tân Mão năm nay có gì khá hơn năm ngoái hay không (cười)?

Lưu Lệ Tiên, 21 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, sinh viên Đại học Hà Nội: Sẽ cố ăn Tết ở nhiều nhà bạn bè Việt

Mỗi người dân Việt Nam và Trung Quốc thấy mình thật hạnh phúc khi được đắm mình trong không khí của những ngày Tết. Đây là ngày lễ được chờ đợi nhất trong năm. Trên khắp đường phố Hà Nội thật nhộn nhịp, đông đúc khi mọi người háo hức đi sắm Tết. Rồi cả gia đình ngồi đoàn tụ ăn cỗ tất niên, đón giao thừa và đi chúc Tết mọi người. Mình rất thích không khí ấm áp đó của Tết Việt. Năm nay, mình đã nhận được rất nhiều lời mời đến nhà ăn Tết của những người bạn Việt Nam. Mình sẽ “cố gắng” dự Tết ở càng nhiều gia đình càng tốt bởi sau này rời Hà Nội rồi sẽ khó mà được sống lại không khí thiêng liêng ấy./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên