Hình tượng con Rồng trong đời sống của người Việt

Rồng ở Việt Nam biểu tượng gắn bó trong đời sống, tình cảm, tâm hồn cả dân tộc.

Đặc điểm văn hoá phương Đông khác nhiều so với văn hoá phương Tây. Ngay hình tượng con vật, như Rồng trong đời sống cũng khác. Đó là rồng phương Tây biểu tượng cho sức mạnh quyền uy. Rồng phương Đông, có trường hợp biểu tượng quyền uy, có khi thân gần, biểu hiện cho đời sống tâm linh,tinh thần, hy vọng của con người, nhất là người lao động.

Ở phương Đông, Rồng là 1 trong 12 con giáp, là biểu tượng của một năm trong giáp 

Nói đến Rồng khi được coi là biểu tượng, chúng ta ta thấy ngay rằng, người phương Đông lấy 12 con vật mang tên 12 năm. Một giáp và mỗi năm  mang biểu tượng và tên 1 con vật như: Năm Tý (chuột ), Sửu (trâu), Dần (hổ), Mão (mèo), Thìn (rồng ), Tỵ (rắn), Ngọ (ngựa ), Mùi (dê), Thân (khỉ ), Dậu (gà), Tuất (chó), Hợi (lợn). Trong 12 con vật ấy, có 7 con (chó, mèo, gà, lợn, ngựa, trâu, dê) đã được loài người thuần hoá, được nuôi ở các gia đình; có  4 con (chuột, hổ, rắn, khỉ) là động vật hoang dã. Duy chỉ có rồng  là con vật thần thoại.

Nói đến Rồng -biểu tượng của phương Đông, thì Rồng với người Việt càng đậm nét hơn các nước phương Đông khác, ngay cả với Trung Hoa. Rồng Trung Hoa, thường biểu hiện cho vua chúa quyền uy. Rồng ở Việt Nam biểu tượng gắn bó trong đời sống, tình cảm, tâm hồn cả dân tộc. Điều này, thể hiện là: cha ông ta và con cháu vẫn cho mình là con Rồng cháu Tiên.

Truyền thuyết Âu Cơ lấy Lạc Long Quân, sinh ra 100 trứng, nở ra 100 con  nói rõ điều này. Vua Hùng và con cháu, đều là hậu duệ của Lạc Long Quân, Âu Cơ, là chủ nhân sớm nhất ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, đã cùng chung sức, chung lòng khai hoang, tìm giống, rồi trồng lúa làm nguồn sống chính. Thế là “nền văn minh lúa nước ” được ra đời từ đấy.

Trồng lúa, phải có phân, cần, giống- ba thứ quan trọng trong trồng lúa nước. Khi cuộc sống mới thoát thai hoang dã, đang tiến đến thời kỳ sơ khai, đời sống con người, cùng công việc lao động còn phụ thuộc và bị thiên nhiên chi phối, thì mưa  rất quan trọng với việc trồng lúa nước. Quan niệm của người xưa, cho là Rồng phun ra nước, tức Rồng làm cho mưa, ra nước. Và Rồng có tài hút được nước và phun ra nước.

Vậy nên, có Rồng là có nước. Vì thế, người ta tin ở Rồng, hy vọng, mong muốn, chờ mong ở Rồng. Cho nên mọi người, nhất là con cháu của Rồng, cũng là thể hiện sự gắn bó với Rồng, với Tổ tiên, đồng thời cầu mong tổ tiên phù hộ, phù trợ cho đời sống của mình, cũng có nghĩa là cầu mong Rồng cho mưa thuận gió hoà mà luôn có đủ nước để trồng cấy lúa nước được tốt cây, sây bông.      

Chính vì sự gắn bó và hy vọng tốt đẹp đó, mà người Việt có nhiều nét đậm tình đậm nghĩa, với hình ảnh đậm nét của Rồng trong đời sống. Thực tế đã chỉ rõ qua thần thoại, huyền thoại và sự tích như: Sự tích Thăng Long – Rồng bay lên (ở Đại La - Hà Nội), ở sự tích Vịnh Hạ Long – Rồng hạ cánh (ở Quảng Ninh), còn là vịnh Bái Tử Long (cung kính  Rồng), đảo Bạch Long Vĩ (Rồng trắng), sông Cửu Long (chín Rồng), sông Hoàng Long (Rồng vàng)…

Rồng được coi là biểu tượng tâm hồn, tình cảm, sức mạnh, sự phồn vinh của dân tộc, cộng đồng, xã hội, con người, nên ở nhiều di tích, công trình xây dựng, Rồng được hiện hình, có khi hàng đàn, có khi bên cạnh Rồng còn có hình người nông dân đang cày ruộng…  

Bầy đàn có con đầu đàn. Bộ lạc có người đứng đầu. Quốc gia có vua cai quản, thì quyền uy được tôn trọng, đề cao, tôn vinh… Sự tôn vinh đó, không có gì bằng hình tượng Rồng, như cha ông ta quan niệm. Bởi vậy, người ta đã lấy hình tượng Rồng biểu hiện cho uy quyền của nhà nước phong kiến, qua việc dùng hình ảnh Rồng trang trí nội thất sang trọng trong cung vua, phủ chúa, những công trình, di tích tầm cỡ quốc gia. Hình dáng Rồng còn được tạo ra mặt Rồng, mình Rồng trên nhiều vật phẩm, như ở áo của vua , ở trong cung vua. Ngoài ra còn có hình tượng Rồng ở sân Rồng, là biểu tượng Rồng gắn liền với vua và uy quyền triều đình.  

Rước Rồng thường là một hoạt động trong các Lễ hội lớn

Để tôn vinh uy quyền độc tôn về Rồng, nhà vua đã cấm người dân vẽ, khắc, chạm hình Rồng nơi nhà cửa, đồ dùng của thường dân. Nhưng sức mạnh của sự tôn kính, tin tưởng, ngưỡng vọng, mong ước về Rồng trong đời sống vật chất, tinh thần, mà người ta đã nảy ra tài trí, làm cho Rồng vượt cung đình, đến với nhiều gia đình, làng bản, xóm quê, thành phố… cũng cùng trong cảnh dân vất vả, có tình, có ý như người bình thường.  Đó là sự vượt ra khỏi cương thường, giáo lí, đạo lí, đến với đời thường, làm những việc bình thường, thông thường. Ví như hình tượng Rồng cõng trên lưng cô gái đẹp, bay vào đám mây xa ảo, mà vua chúa cũng phải thông cảm, nhượng bộ, như tấm bia thời Lê đã ghi rõ biểu tượng này.

Do vậy, Rồng không còn là xa lạ, linh thiêng, uy quyền mà Rồng đã hiển hiện cả trong đời sống, trong ngôn ngữ, cả trong chữ nghĩa. Đã đến một thời, hình tượng con Rồng, không còn là nói về vua, chúa quyền thế sang trọng, giàu sang… , mà còn biểu hiện cả ở tầng lớp bình dân, ở đời thường, ngay cả ở cửa miệng mọi người, khi nói những câu bao hàm nhiều ý nghĩa về Rồng: “Rồng vàng tắm nước ao tù”, “Rồng đến nhà tôm”…      

Với ước vọng của con người, Rồng còn có nghĩa tượng trưng cho sự khoẻ mạnh, cao lớn, phi thừơng, qua các thành ngữ: “Phủ Đầu Rồng”,  “Ăn như Rồng cuốn”. Trong tâm linh và tưởng tượng, Rồng cũng hiện ra, với hình ảnh người ta nghĩ ra có hình hài quái dị, phi lí, khác thường, qua hình tượng như các từ: Rồng đất, Rồng tre, con tôm rồng, ma cà rồng, cây xương rồng...

Không chỉ thế, Rồng còn có ở cung điện, dinh thự của vua chúa, tổng đốc, trên đình, chùa, trong đĩa, bát gốm, sứ … với những hình ảnh, dáng vẻ theo từng cảnh trí, vật dùng, đồ dùng với sự mong ước, mỹ cảm của con người.

Rồng cũng có kết cấu khá tinh xảo, đầy ý nghĩ, được trang trí bằng vật liệu quý hiếm, thể hiện ở những vị trí trang trọng như: Long hàm thọ (Rồng ngậm chữ thọ), Lưỡng long triều nguyệt (hai Rồng chầu mặt trời). Rồng còn hiện ra qua hình ảnh: Long ẩn (Rồng lúc ẩn, lúc hiện giữa sóng nước, trời mây), thấy ở cánh cổng Văn Miếu (Hà Nội). Hoặc Rồng được cách điệu thành “Vân hoá Long ”- tức là mây được cách điệu thành Rồng, từ một vật như một cây trúc, một khúc tre, khúc gỗ, một cây mai, một chiếc lá, một đám mây, con cá như cá chép…

Tất cả đều mô phỏng hình tượng con Rồng chính thống và mong ước mỹ cảm, chính đáng… Đó là hiện tượng “hoá Long”  như , trong số 82 bia Tiến sĩ đặt ở Văn Miếu (Hà Nội), có 55 đôi khắc Rồng trên trán bia, thì có 44 đôi có cách điệu Rồng là: vân hoá Rồng- mấy cách điệu thành hình con Rồng; hoặc “ngư Long hí thuỷ”- tức là rồng đang cùng cá gáy đùa rỡn trong sóng nước biển khơi, giữa trời mây nước biếc… Đây là những tranh thờ, vẽ  Rồng đặt nơi thờ cúng.

Rồng còn có mặt trên nhiều sản phẩm thực phẩm, chai lọ, nhãn mác…, nhất là đặt tên Rồng cho nhiều cửa hàng, cửa hiệu hoặc mang tên Rồng trên bánh, kẹo, bánh đậu xanh “Rồng vàng”  hoặc có tên ở trên giấy, mực như: giấy Thăng Long, mực Cửu Long hoặc nơi nhà hát, rạp chiếu bóng cũng mang tên Rồng: Rạp Châu Long, rạp Thăng Long…

Như thế, thấy Rồng gắn bó, hoà hợp một cách thân gần, biểu tượng phong phú, đa dạng trong đời sống vật chất, tinh thần của người Việt từ xưa đến nay. Rồng là con vật huyền thoại, nó đẹp và diệu kỳ không gì tả thế, so được, qua trí tưởng tưởng của con người vô cùng phong phú. Vì vậy, năm Thìn (2012) là năm đẹp và nhiều may mắn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên