Nhật ký thành phố Xuân

Chuyên mục trên báo Tuổi trẻ Cuối tuần này ghi lại những khoảnh khắc tươi sáng hay trăn trở trong đời sống thành phố, những nhịp đời, những lát cắt phận người.

Xuất hiện lần đầu tiên trên số cải tiến của Tuổi trẻ Cuối tuần đầu năm 2010, chuyên mục mới Nhật ký thành phố đã trở thành góc chia sẻ của đông đảo độc giả. Trên giai phẩm Xuân Nhâm Thìn 2012 này, chúng tôi giới thiệu những ký ức xuân thành phố của độc giả Tuổi trẻ trong và ngoài nước.

Mê đắm tầm xuân

Những ngày giáp Tết, phố cổ Hà Nội ngập tràn sắc hoa. Dòng người hối hả đi mua sắm, ken chật phố phường. Chơi hoa là một thú ngàn đời truyền tụng, tuy rằng mỗi nhà mỗi kiểu để sống cùng hoa xuân.

Diễn văn nghệ trong Lễ hội "Hà Nội - điểm hẹn Phố và Hoa" chào Xuân 2012

Con phố vắt qua chợ Đồng Xuân một sáng, bà cụ còng lưng vác máy ảnh kỹ thuật số. Cụ chen vào giữa già trẻ, trai gái để làm một việc duy nhất: ngắm và chụp ảnh tầm xuân. Búi tóc trễ nải ở sau đầu cụ như một con chim én chớm đậu. Tóc thì bạc gần hết, nhưng cái đam mê dáng dấp nghệ sĩ thì khỏi chê vào đâu được. Bằng chứng là cụ sành đến từng góc chụp, cách ngắm khuôn hình và liên tiếp “tách, tách”.

Nhiều người dõi theo cử chỉ của cụ. Một dung nhan dã gần chín chục đang ghi lại từng khoảnh khắc tầm xuân trong làn mưa bụi bay bay. Rét, bàn tay nhăn nheo cứ run, hoa tầm xuân cứ chúm chím, những tấm ảnh được lưu lại trong thẻ nhớ. Không biết có tấm hình nào nhoè đi trong run rẩy sáng nay không?

Mắt của cụ bà còn tinh, vì nếu không tinh thì cụ làm sao ghé sát ống kính vào chỗ có giọt mưa xuân đọng trên nụ tầm xuân được. Cô bán hàng hoa nâng niu niềm vui của người già bằng cách giữ yên cả bó tầm xuân cho cụ mặc sức tìm kiếm vẻ đẹp.

Duyên cớ gì dẫn lối cụ đi tìm tầm xuân giữa hàng vạn hoa Tết? Không ai biết được điều đó. Chợt nghe câu ca dao xưa thoáng gợi một điều như là… tình lỡ: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em lấy chồng anh tiếc lắm thay”.

Áo bông chần dáng lụa Hà Đông của cụ đã dính mưa xuân. Hình như không để ý, cụ lại nhích từng bước chân với tầm xuân giăng mắc phố./.

Cuối năm ở một bến xe buýt

Trời lạnh dần. Đêm xuống rất nhanh, mới bảy giờ trời đã tắt hẳn ánh sáng. Tôi đứng đợi xe buýt ở góc đường. Gió thổi vào gáy ập lên da cái lạnh rùng mình. Trong màn đêm, tôi thấy một người phụ nữ tiến về mình. Người này có nét tiều tuỵ trên mặt giống mẹ tôi. Không quen biết, giữa xứ người, nhưng chắc đoán qua gương mặt tôi, bà mở lời bằng tiếng Việt:

- Bác đợi xe nãy giờ 20 phút rồi cháu ơi. Chắc phải 10 phút nữa xe mới tới.

Tôi mỉm cười gật đầu. Bà tiếp lời than phiền về việc vừa đi khám bệnh về lại phải đợi xe buýt quá lâu. Rồi bà mau chóng kết luận: “Bởi vậy, bác ghét ở đây lắm”. Không đợi tôi hưởng ứng, bà nói tiếp: “ Bác chỉ muốn về Việt Nam ở thôi. Người ta bảo về Việt Nam thì khó khăn. Bác bảo khó khăn mình cũng sống được, còn hơn ở đây buồn lắm”. Rồi bà buột miệng hỏi tôi: “Tết này cháu có về Việt Nam không?”, nhưng tôi chưa kịp trả lời bà đã kể sang chuyện có người bạn sống ở Mỹ đã lâu, bị bệnh mà không chữa được vì không có bảo hiểm, về Việt Nam chữa trị lại lành ngay, bây giờ thậm chí còn khoẻ hơn hồi trước. “Cũng phải thôi, bác nói cháu nghe, chính cái về ấy làm mình vui. Vui thì khoẻ lắm cháu ạ”.

Ngần ngừ một lúc, tôi hỏi: “Sao sống ở đây bác lại không vui?”.

“Ừ, thì ở đây cái gì bác cũng có. Nhưng bác biết nói chuyện với ai? Hôm nay gặp cháu ở đây mới huyên thuyên hết chuyện này đến chuyện khác như vậy, cháu nghe có chán không?”.

Tôi lại cười trừ, lắc đầu. Bà tiếp: “Cháu còn trẻ, còn tương lai phía trước, sang đây học hành sau này giúp đời là đúng rồi. Còn bác già rồi, bác chỉ muốn về Việt Nam sống thôi, ở đây cô đơn lắm, chẳng có cái gì cho mình trông đợi”.

Trong đêm đông giữa lòng một thành phố nhộn nhịp, tôi bỗng thấy mình lạc giữa câu chuyện của một người đồng hương xa lạ.

Người phụ nữ ấy nói tôi còn tuổi trẻ, còn tương lai. Thật ra tôi nghĩ bà và tôi cũng chẳng khác gì nhau. Chỉ có khoảng cách thế hệ đặt bà và tôi ở những vị phận khác nhau ở nơi xa xôi này. Còn khi cởi bỏ lớp áo tuổi tác ra, dường như tôi cũng như bà, cũng cảm thấy lạc lõng những chiều cuối năm này. Không biết mình thuộc về đâu.

Bà làm tôi nhớ mẹ. Đã ba năm tôi không đón Tết ở Việt Nam. Mẹ hay hỏi tôi những câu đại loại như: “Sắp Tết rồi, con nhớ cái gì nhất ở Việt Nam?”. Tôi thành thật: “Con nhớ đủ thứ mà sao như không nhớ gì”. Thật ra thì đâu đó trong tôi vẫn nhạt nhoà một góc đường xao xác chiều cuối năm, một mùi hương trộn lẫn của vạn thọ và huệ mẹ luôn chưng trên bàn thờ tổ tiên mỗi Tết. Nhưng thật khó để nói nó là nỗi nhớ.

Mẹ đã qua hơn nửa đời người, giờ sống xa con gái nửa vòng trái đất, một mùa xuân nữa sắp sang mẹ có trông đợi gì không? Ngay cả tôi, một phần hy vọng của mẹ, cũng trôi dần về một phía khác. Phía mà ngày ngày tôi đến giảng đường, kiếm tìm tri thức. Phía mà mẹ tôi sợ sẽ nuốt trôi đứa con gái duy nhất của bà, khiến nó trở nên hờ hững dửng dưng với nơi chốn nó sinh ra.

Tôi chưa tròn 20 tuổi, đời còn rất dài, tuổi còn rất trẻ.

Những người bạn cùng thế hệ với tôi cũng đang đi tìm tương lai cho mình, hỳ hục dưỡng nuôi hy vọng. Chúng tôi bay đến những chân trời mới, hoà mình vào những nền văn hoá mới, trầm trồ trước những sắc màu. Dần dà chúng tôi cách xa cội nguồn khi nào không hay. Chúng tôi bắt đầu nói tiếng Việt lơ lớ, chêm những từ nước ngoài vào một câu xã giao thông thường.

Nhưng 20 hay 30 năm nữa liệu chúng tôi có còn như thế, tôi không biết…

Biết đâu khi cuộc đời mình bắt đầu rơi về sau lưng, chúng tôi sẽ nhìn về nguồn cội với con mắt khác chăng?

Tôi không biết.

Nhưng ít nhất sau cuộc trò chuyện hôm nay, tôi biết.

Nếu sau này mẹ còn hỏi sắp Tết rồi, con nhớ gì nhất ở Việt Nam, tôi sẽ nói: Con nhớ nhất mẹ thôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên