Làm gì để đảm bảo an toàn cho bữa ăn của công nhân?
VOV.VN -Việc đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho bữa ăn của công nhân đang được cả người lao động và người sử dụng lao động quan tâm.
Ăn gì hôm nay? Đó là băn khoăn của hầu hết chúng ta hiện nay, khi mà thực phẩm không an toàn tràn lan trên thị trường. Đối với công nhân ở TP HCM, vấn đề này càng đáng lo ngại hơn vì bữa ăn giữa ca của họ do doanh nghiệp chủ quản lo và chủ yếu là đặt hàng, phó thác cho nhà cung cấp. Cho nên, việc đảm bảo an toàn và dinh dưỡng cho bữa ăn của công nhân đang được cả người lao động và người sử dụng lao động quan tâm.
Tan ca sáng, hàng nghìn công nhân của công ty TNHH Mtek Việt Nam (100% vốn Nhật Bản), ở Khu chế xuất Tân Thuận, Quận 7, TP HCM thong thả bước vào nhà ăn. Không gian thoáng mát, thức ăn nóng hổi, thực đơn phong phú với thịt, cá, tôm rim, rau cải xào, bắp cải luộc…
Anh Nguyễn Hoàng Phúc, công nhân làm việc tại đây đã 5 năm cho biết: “Các món ăn ở đây rất phong phú, đa dạng, về dinh dưỡng cũng đảm bảo. Đến thứ Bảy thì có thêm sữa chua để tăng dinh dưỡng cho công nhân. Hằng ngày, ban quản lý có xuống kiểm tra. Tôi và anh chị em ở đây được ăn uống hợp vệ sinh và rất tốt”.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng Quản lý Công ty Mtek Việt Nam cho biết, trước đây, tại công ty đã từng xảy ra vụ việc ngộ độc phẩm do sử dụng thức ăn sẵn của một doanh nghiệp khác cung cấp, không thể kiểm soát được nguồn đầu vào. Vụ ngộ độc đó tuy không nghiêm trọng nhưng là tác động lớn để công ty này quyết định thuê một nhà thầu đến nấu ăn tại chỗ, kiểm soát được nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến bữa ăn. Hiện suất ăn của công nhân ở đây có giá 18.000 đồng và đang được kiểm tra chặt chẽ về an toàn thực phẩm.
Ông Xuân Thủy nói: “Công ty thường xuyên làm việc với nhà cung cấp, để xây dựng định mức dinh dưỡng chuẩn, chẳng hạn món thịt thì bao nhiêu lạng, cá thì bao nhiêu lạng một bữa. Công ty cũng không quá thiên về đảm bảo định lượng mà quên đi an toàn thực phẩm, thường xuyên trao đổi hàng tháng với nhà thầu để cải tiến những vấn đề đó”.
Tại TP HCM, từ đầu năm đến nay đã xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm với 248 người mắc, trong đó có 2 vụ xảy ra ở khu công nghiệp. 40% số các vụ ngộ độc là do vi sinh vật gây bệnh, 40% là không rõ nguyên nhân và hiện nay còn 1 vụ đang được điều tra, làm rõ.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố, hoạt động phối hợp liên ngành giữa 3 đơn vị là Sở Y tế, cụ thể là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đã thực hiện nhưng chưa hiệu quả.Vì vậy, có những vụ phối hợp chậm, dẫn đến hàng hóa vi phạm bị tẩu tán.
Bà Huỳnh Mai cho biết, trong thời gian tới sẽ tăng cường giám sát và cần có một sự thay đổi về các quy định đối với việc kiểm soát an toàn thực phẩm. Vì hiện nay có một số bếp ăn, mặc dù cũng là bếp ăn tập thể, tuy nhiên do chủ đứng ra tổ chức nên không cần có chứng nhận an toàn mà chỉ thực hiện cam kết. Sắp tới, Chi cục có những kế hoạch mới hơn so với năm 2015, kiểm tra định kỳ 4 lần/ năm.
Cùng với các ngành chức năng, vai trò của công đoàn, tổ chức đại diện cho người lao động cũng cần được nâng cao để giám sát an toàn thực phẩm cho công nhân.
Theo ông Nguyễn Thành Đô, Chủ tịch Công đoàn Các khu công nghiệp, khu chế xuất TP HCM, công đoàn cơ sở cần tăng cường đề xuất việc đảm bảo bữa ăn cho công nhân, vừa đủ dinh dưỡng vừa hợp vệ sinh.
“Chúng tôi cũng đang có khảo sát chất lượng bữa ăn giữa ca của các công đoàn cơ sở. Với những doanh nghiệp mà có suất ăn không đảm bảo về dinh dưỡng cũng như là chất lượng thì chúng tôi sẽ kiến nghị công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại với doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp mà để xảy ra ngộ độc thực phẩm thì sẽ báo cáo công đoàn cơ sở, khởi kiện doanh nghiệp” – ông Nguyễn Thành Đô nói.
Mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng đã gợi ý, thành phố nên có một cơ quan chuyên ngành về an toàn thực phẩm để giải quyết mọi vấn đề từ lò giết mổ, từ các chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ hóa chất, quản lý được thực phẩm trong chuỗi, để làm sao thực phẩm đến được tay người dân là thực phẩm an toàn. Đây cũng là vấn đề cấp thiết nhằm bảo đảm bữa ăn an toàn không chỉ cho người lao động mà còn của hàng triệu người dân ở đô thị lớn nhất nước này./.