VOV.VN -Nếu tiếp tục đưa các chất cấm vào chăn nuôi, các hộ chăn nuôi sẽ không những “trắng tay” mà còn mắc vòng lao lý với hình phạt đến 20 năm tù.
Phát biểu tại hội thảo “Quản lý sử dụng chất cấm trong chăn nuôi và các vấn đề đặt ra” do Báo Lao Động phối hợp với Cục Chăn nuôi – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ NNPTNT dẫn lại lời của Bộ trưởng Cao Đức Phát cam kết năm 2016, Bộ NNPTNT tiếp tục ngăn chặn chất cấm và sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Chất cấm vẫn được tuồn vào trang trại
Mặc dù cơ quan chức năng có rất nhiều nỗ lực trong việc quản lý và ngăn chặn, nhưng tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi hiện vẫn đang diễn ra phức tạp. Về nguy cơ của tình trạng này, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cảnh báo "nếu người Việt tiếp tục tự đầu độc đồng loại bằng chất cấm, sẽ làm hỏng cấu trúc gen của giống nòi".
![]() |
Đàn lợn ở Tiền Giang bị tiêu hủy do được nuôi bằng chất cấm (Ảnh: Nhật Trường) |
Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Phó Trưởng phòng 5, Cục C49, Bộ Công an, về phương thức, thủ đoạn tuồn chất cấm vào các trang trại thường là các trình dược viên hoặc tiếp thị thức ăn chăn nuôi. Khi tiếp thị, họ nói “cho chất này vào thức ăn thì không ảnh hưởng gì cả”. Ngoài ra, thương lái mua lợn thì nói “phải cho chất này thì nhiều nạc hơn, bán được nhiều hơn”!
Ông Thắng cho rằng, Bộ luật Hình sự có hiệu lực rồi, nhưng phải có thống nhất trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng thế nào và nên có tập huấn với công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, C49 sẽ phối hợp với thanh tra Bộ Nông nghiệp và Bộ Y tế để có biện pháp ngăn chặn.
Từ 1/7/2016, Bộ Luật Hình sự sửa đổi có hiệu lực thi hành, sẽ áp dụng mức xử phạt “mạnh tay” và mang tính răn đe đối với hành vi vi phạm an toàn thực phẩm. Theo đó, chỉ cần có hành vi sử dụng chất cấm sẽ bị xử lý hình sự với hình phạt cao nhất tới 20 năm tù, mà không cần phải có hậu quả xảy ra như chết người hay gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng như luật cũ quy định. Ngoài ra, mức phạt hành chính có thể lên đến trên 1 tỉ đồng. Điều này khẳng định: Nếu tiếp tục đưa các chất cấm vào chăn nuôi, các hộ chăn nuôi sẽ không những “trắng tay” mà còn mắc vòng lao lý.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nhận định, an toàn vệ sinh thực phẩm là vấn đề báo động bởi nguy cơ hiện diện trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Ông Hùng cho rằng cần có hành động ngay từ cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và phải xử lý thật nghiêm minh.
Đã khống chế được nguồn cung cấp Salbutamol
Theo ông Nguyễn Văn Việt, trước đây người dân đã từng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, phổ biến là Salbutamol. Tuy nhiên, đến tháng 7, tháng 8/2015, báo chí và dư luận xã hội rộ lên khiến Bộ NNPTNT phải thực sự vào cuộc. Nguồn cung cấp Salbutamol đã có nhiều chuyển biến sau đợt cao điểm này. Đến thời điểm này, về cơ bản đã khống chế được, theo báo cáo của C49 – Bộ Công an.
Ông Nguyễn Văn Việt cho biết: “Năm 2016, Bộ tiếp tục ngăn chặn và sẽ chấm dứt hoàn toàn tình trạng sử dụng chất cấm, như Bộ trưởng Cao Đức Phát đã hứa. Ngoài ra, Bộ sẽ tập trung 3 lĩnh vực khác là kháng sinh trong nuôi thủy sản, thuốc bảo vệ thực vật nhập lậu, phân bón hữu cơ và phân bón khác cũng sẽ được tăng cường kiểm tra”.
Theo Bộ NNPTNT, năm 2016 là năm hành động cao điểm về ATTP, mở rộng kiểm soát chất cấm vàng ô và Salbutamol, cùng với kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hữu cơ. Việc triển khai các đợt cao điểm về kiểm soát chất cấm đã có tác dụng rất tích cực. Sang các tháng đầu năm 2016, chưa phát hiện được cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi có chất cấm. Phần lớn các địa phương ở phía Bắc và miền Trung không phát hiện được các mẫu nước tiểu, mẫu thịt dương tính với chất cấm.
Ở phía Nam, số lượng các mẫu nước tiểu dương tính phát hiện tại Đồng Nai chỉ có 2/128 (1,56%) mẫu; TP HCM trong tháng 3 cũng chỉ phát hiện được 1,5% số mẫu nước tiểu có dương tính với chất cấm trong các lò mổ./.