Nhà văn Lý Lan: “Soi gương và thấy...”
Là nhà văn, nhà giáo, nhà thơ, nhà báo và một dịch giả, Lý Lan để lại trong lòng bạn đọc, bạn viết ấn tượng về sự giản dị, chân tình, thẳng thắn, chị hồn nhiên như trẻ nhỏ trong cách nghĩ, cách sống, trong cả văn chương.
Từ điển trực tuyến Bách khoa toàn thư mở Wikipedia “định nghĩa” khá đầy đủ về chị như sau: “Lý Lan sinh ngày 16 tháng 7 năm 1957 tại Thủ Dầu Một, Bình Dương. Quê mẹ ở Lái Thiêu, quê cha ở huyện Triều Dương, Quảng Đông, Trung Quốc. Tám năm đầu đời Lý Lan sống ở quê mẹ, sau khi mẹ mất thì gia đình về Chợ Lớn định cư đến nay.
Lý Lan học khoảng một năm ở trường làng, nửa năm ở trường Trung Chánh, và học hết tiểu học ở trường Chợ Quán, trung học ở trường Gia Long, đại học ở Đại học Sư phạm TPHCM, và cao học (M.A) ở Đại học Wake Forest (Mỹ) bằng học bổng Fulbright. Từ năm 1980, Lý Lan bắt đầu dạy ở trường Trung học Cần Giuộc (Long An), năm 1984 chuyển về trường Trung học Hùng Vương (TPHCM), năm 1991 dạy ở trường Trung học Lê Hồng Phong, năm 1995 dạy ở Đại học Văn Lang.
Lập gia đình với Mart Stewart, giáo sư sử học người Mỹ, hiện Lý Lan định cư cả ở hai nơi, Hoa Kỳ và Việt Nam”.
Cho đến nay, Lý Lan đã có trên 20 tập truyện ngắn, truyện dài, thơ và tiểu thuyết in riêng, chung; Giải thưởng Văn học thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam, Giải thưởng Thơ của Hội Nhà văn TPHCM.
Lý Lan có lối viết chân phương, dung dị của một người miền Nam, chị thường quan sát tỉ mỉ các sinh hoạt của đời sống rồi thổi vào đó hơi thở riêng mình để sự kiện thêm sắc sảo, lung linh.
Tình cảm gia đình, bè bạn, đặc biệt tình yêu quê hương, xứ sở thông qua từng cội cây, ngọn cỏ... bàng bạc trong hầu hết các sáng tác của Lý Lan, tạo cho văn chương chị cá tính và một cái duyên riêng biệt.
Ngoài ra, chị là một trong số ít nhà văn thông thạo tiếng Anh, điều đó ít nhiều là thế mạnh của người cầm bút giữa bối cảnh toàn cầu hoá. Nhưng chị lại cho rằng lợi thế nổi bật nhất của một nhà văn là được sống trong môi trường ngôn ngữ mẹ đẻ, ngôn ngữ sáng tác của mình.
Chị đi nhiều, đọc cũng rất nhiều. Và, với cái duyên ngầm cùng vốn ngôn từ phong phú, Lý Lan đã khiến bộ truyện Harry Porter để lại dấu ấn đậm nét trong lòng bạn đọc Việt Nam. Nhiều dịch giả cho rằng dịch Harry Potter không hề đơn giản bởi bản thân câu chuyện chứa đựng nhiều từ tiếng Anh rất khó xác định nghĩa. Nhưng Lý Lan đã nhanh chóng tìm ra trong kho tàng tiếng Việt ngữ nghĩa thích hợp.
Với từng con chữ, chị vừa tài hoa vừa rất mực cần mẫn với lịch làm việc dày và liên tục, thế nhưng chị còn dành thời gian cho chuyên mục Tản mạn “độc quyền” trên Tuần san SGGP thứ bảy. Ngoài ra, chị còn chăm chút các trang web, blog của mình, và lập trang web cho nhiều nhà văn, nhà thơ trong nước mà chị yêu quý, trong đó có Sơn Nam và Trang Thế Hy.
Chị kể: “Nhà văn Sơn Nam và nhà văn Trang Thế Hy là những người bạn lớn từ hồi tôi mới viết văn. Ông Trang Thế Hy là người biên tập những bài viết đầu tiên của tôi trên tuần báo Văn Nghệ TPHCM, hồi đó còn là báo Văn Nghệ Giải Phóng. Lần đầu tiên tôi đi gần khắp vùng đồng bằng sông Cửu Long, lúc mới hăm mấy tuổi, là đi cùng ông Sơn Nam. Sau này, khi tiếp xúc với các bạn bè, giáo sư, sinh viên ở nước ngoài tìm hiểu về văn học Việt Nam, một trong những câu họ thường hỏi là “Nhà văn Việt Nam đương đại nào có ảnh hưởng đến chị?”, tôi nói: “Nhà văn Sơn Nam và nhà văn Trang Thế Hy”. Tôi thấy tác phẩm của hai nhà văn này thể hiện được tâm tình, tính cách và nhân sinh quan của người miền Nam. Đáng tiếc là ở nước ngoài tác phẩm của họ không dễ tìm, nên tôi làm cho mỗi người một website, đưa lên đó một số tác phẩm của họ cùng dư luận liên quan đến tác phẩm và tác giả, nhằm tiện giới thiệu với bạn đọc bốn phương”.
Không cổ suý cho khái niệm “văn chương mạng”, “văn chương @”, nhưng chị khẳng định, người viết, nhất là những cây viết trẻ, nên tiếp cận tích cực với Internet vì đó là cánh cửa rộng mở, là phương thức hữu hiệu khuyến khích người đọc viết độc lập suy nghĩ, có tiếng nói riêng, đồng thời quảng bá được văn mình đến với mọi người.
Dù bận rộn với công việc và những chuyến đi - về, chị vẫn ấp ủ nhiều dự án, và âm thầm làm được những việc không nhỏ cho bạn viết trẻ, cho văn hoá đọc, trong đó có việc chuyển ngữ một số tác phẩm văn học Việt Nam ra tiếng Anh, tiếng Hoa, với ước muốn làm sao để văn học Việt đến được với nhiều người đọc trên thế giới.
“Người nước ngoài đến Việt Nam làm ăn, nghiên cứu, sinh sống, du lịch khá nhiều. Một số không nhỏ những người Việt trẻ sinh trưởng ở nước ngoài cũng có nhu cầu tìm về nguồn cội thông qua tác phẩm văn học, nhưng lại không đọc trôi chảy tiếng Việt. Tôi đã có cơ hội dự nhiều hội sách ở Âu - Mỹ, nhiều khi nghẹn ngào vì không có được một cuốn sách văn học nào là sản phẩm Việt Nam thật sự để giới thiệu bạn bè. Thỉnh thoảng cùng bạn bè nước ngoài đi các nhà sách trong nước, tôi tìm đỏ con mắt cũng không ra mấy tác phẩm văn học đương đại của Việt Nam đã được chuyển ngữ để giới thiệu với bạn, cuối cùng phải mua những cuốn sách “luộc” lại các sách xuất bản ở nước ngoài bán lén lút ở vỉa hè” - chị chia sẻ.
* Tình cờ đọc được mẩu entry “Hai năm rưỡi nữa...” trên blog của chị, chị viết: “Thầy tử vi bảo thời của mình chỉ còn hai năm rưỡi nữa, sau đó “các vì sao mờ dần rồi ... tắt!”. Bèn kiếm một góc biển nằm dài nghe sóng biển vỗ chơi. Bãi biển mà nhìn gần thì như vầy. Cho nên nhìn biển thì nhìn xa thôi. Chị đang và sẽ làm gì, nếu thực sự chị chỉ còn... hai năm rưỡi nữa?
Tôi thực sự đã lập một thời gian biểu từng tháng, từng ngày trong hai năm rưỡi nữa: một năm để viết một cuốn tiểu thuyết, 9 tháng để dịch sách, 9 tháng để viết truyện ngắn, thơ, ghi chép... Đó là ước lượng thời gian, còn công việc thì đan xen nhau, thí dụ buổi sáng viết tiểu thuyết, chiều thứ hai viết tản mạn cho Tuần san SGGP thứ bảy. Nhiều người bảo tôi sao không dành thời giờ để làm những việc quan trọng, hoàn thành những tác phẩm nghiêm túc, tâm huyết chẳng hạn. Tôi bảo những gì tôi đã và đang viết ra đều nghiêm túc và tâm huyết cả đấy chứ!
Những khi cao hứng tôi làm thơ, cuối tuần, lễ lạt thì đi chơi hay cà phê với bạn bè. Viết và dịch là công việc tôi chủ yếu làm ở nhà nên thuận lợi cho việc gần gũi chăm sóc người thân.
Lắm lúc tôi viết dưới sự đe doạ của đột quỵ, phải ngừng lại nghỉ ngơi đúng lúc cảm xúc dâng trào, trong khi thời gian đang ngắn lại bằng một tốc độ đáng sợ. Sống và viết là cách tôi tự cân bằng mình. Thỉnh thoảng tôi dừng lại tự hỏi, mình đang làm gì đây, rồi ngồi xuống bàn viết mà tìm câu trả lời cho câu hỏi đó. Tôi viết nghiêm túc và chuyên cần. Không phải cái gì viết ra cũng hay, nhưng có những cái đăng báo rồi về sau in thành sách cũng còn... đọc được!
* Lý Lan có thể “tự hoạ” chân dung mình, trong khoảng... 200 - 500 chữ?
Chân dung đúng, và tạm đủ của tôi đã được thể hiện trong các tác phẩm của tôi, nhất là trong thơ và tuỳ bút, hai thể loại tôi thường để cảm xúc và suy nghĩ tự do bộc lộ. Bây giờ phải “tự hoạ” mình theo yêu cầu một cuộc phỏng vấn, thì tôi tự soi gương và thấy mình là một người viết văn bình thường, đứng tuổi, tham vọng lớn nhứt là sống cuộc đời mình thanh thản, công việc hàng ngày là đọc, nghe, nhìn và viết, mối quan tâm hiện nay là giữ gìn sức khoẻ. Tôi cũng quan tâm đến những người trẻ, kết bạn, chia sẻ, tìm hiểu họ và hướng công việc của mình sao cho có ích cho họ, những người sẽ cần sự hỗ trợ và kinh nghiệm thực tiễn của người đi trước hơn là sự vuốt ve, theo đuôi, hay trì níu, phê phán. Mối quan tâm này xuất phát từ 17 năm tôi dạy trung học và đại học, duy trì tình thầy trò cho đến bây giờ. Từ ấu thơ tôi đã mơ làm cô giáo và thực hiện giấc mơ đó cho đến cách đây 10 năm, khi không còn điều kiện tiếp tục đứng lớp nữa, tôi viết và dịch vẫn bằng mối quan tâm đó.
* Chị làm thơ rất nhiều, ngang ngửa viết blog và viết văn, có phải với thơ, chị dễ trải lòng mình hơn văn chương, cụ thể là truyện ngắn và tiểu thuyết?
Tôi dám nói chắc là không có thể loại nào dễ hơn thể loại nào, nhưng do đặc trưng từng thể loại mình sẽ chọn cách nào thích hợp để “trải lòng” khi có nhu cầu đó. Truyện và tiểu thuyết cần thời gian để hình thành cốt chuyện, tích luỹ chi tiết, dàn dựng tình tiết, đến khi viết ra cũng cần nhiều thời gian để viết từ vài ngàn cho đến cả trăm ngàn chữ. Thơ có thể... bùng nổ trong chốc lát, chỉ cần chừng vài phút để vài giờ để ghi lại, nếu ghi kịp. Tuỳ bút cũng cho phép người ta tuỳ hứng mà viết, không mất công dàn dựng nhiều như truyện và tiểu thuyết.
* Một ngày của chị được bắt đầu và kết thúc ra sao?
Tôi dậy sớm, trao đổi email hay trò chuyện với chồng, tập thể dục, đọc tin tức, ăn sáng, làm việc (gồm đọc, suy nghĩ, tưởng tượng tra cứu tư liệu, và viết). Khi đang theo đuổi một đề tài, một câu chuyện, tôi không muốn đi đâu, làm việc gì khác, hay gặp gỡ thù tạc với ai. Khi xong một công việc, tôi thích đi lòng vòng, gặp người này người kia nói chuyện, mua sắm lặt vặt. Buổi tối tôi đi ngủ sớm, nếu không có tiệc tùng, ca nhạc, hay những giao tế xã hội khác (ít thôi).
* Sống ở hai nơi, Bellingham (Mỹ) và Sài Gòn, thật lòng chị thích nơi nào nhất?
Tôi đã tưởng mình có thể chia cuộc sống ở hai nơi, nhưng sau sáu năm đi về mười mấy lần, sức khoẻ và tài chính khiến tôi phải tính lại. Hiện giờ thì tôi thích ở Sài Gòn hơn, nhưng vài năm nữa có thể tôi sẽ thích ở Bellingham hơn vì môi trường nơi đó thích hợp cho nghỉ ngơi, tu tịnh. Tôi tưởng tượng hai năm rưỡi nữa, các vì sao của tôi... tắt, tôi xong nợ văn chương, chỉ còn ngày ngày trồng rau, lên núi, ngắm biển.
* Sao Lý Lan “ngoài đời” thẳng đuột, khô khan và dễ “mích lòng” hơn Lý Lan trong văn chương, thơ phú?
- Vậy sao? Nếu tôi lỡ làm mích lòng ai thì cho tôi xin lỗi. Tôi đâu có muốn mích lòng ai. Chẳng qua tôi cũng là một người không hoàn hảo như mọi người.
* Chị đã từng phải chọn giữa nhà giáo – nhà văn, giữa... lấy chồng - ở vậy, giữa đi - ở, và có phải bây giờ là giữa Sài Gòn (và cha) – Bellingham (và ông xã)? Nếu phải chọn lại, chị sẽ chọn thế nào?
- Tôi chọn việc làm vườn để tránh cái lao tâm khổ tứ của nhà giáo và nhà văn, do vậy nếu có duyên nợ thì lấy một nông dân, không thì sống với cây cỏ là vui nhứt. Và nếu có một khu vườn của mình để làm, thì khỏi cần đi đâu, khỏi xa quê, xa gia đình.
* Cho đến giờ, điều gì làm chị hài lòng nhất và điều gì làm chị hối tiếc nhất?
- Điều tôi hài lòng nhứt là tâm không còn (hay ít) vọng động. Điều hối tiếc nhứt là có một lần, khi tôi còn trẻ, tôi có thể cứu được một mạng người, mà tôi đã không cứu.
* Nữ nhà văn Pháp – Simone de Beauvoir có vị trí thế nào trong cuộc sống, suy nghĩ, tình cảm và cả văn chương Lý Lan?
- Tôi ngưỡng mộ sự nghiệp của bà, tác phẩm của bà có ảnh hưởng đáng kể đến nhân sinh quan của tôi, do vậy cũng có thể tìm thấy ảnh hưởng đó trong những gì tôi viết.
* Nhận định của riêng chị về văn học trẻ Việt Nam hiện nay? Về văn chương Việt Nam trong năm qua? Những cây bút nào thực sự gây được ấn tượng đối với chị?
- Môi trường hiện nay không thực sự thuận lợi cho tài năng văn học trẻ phát triển. Ảnh hưởng của văn hoá thị trường, văn hoá phổ thông toàn cầu, đối với người viết trẻ khiến cho họ bị nhiều áp lực và có thể bị méo mó hay thui chột tài năng. Tuy nhiên, vẫn có một số tác phẩm đã phát tín hiệu của những tài năng có nội lực. Tôi chú ý đến Nguyệt Phạm, Trần Lê Sơn Ý, Yến Linh, Thanh Xuân, Nguyễn Ngọc Thuần, Phan Hồn Nhiên, Vũ Đình Giang... Còn nữa, và tôi có cảm giác một lứa viết trẻ đang trỗi lên.
* Có thể tiết lộ các dự định của chị trong năm 2009?
- Quý I xuất bản cuốn Văn chương nữ quyền, quý II xuất bản một tập truyện ngắn, quý III xuất bản một tập thơ, quý IV xuất bản một tập tuỳ bút.
* Xin cảm ơn chị!./.