Thêm một lý do để yêu Việt Nam

Trong ngôi nhà của Len Reynolds- một công dân Australia- ở Hà Nội trên các vật dụng thân thiết đều có ảnh Bác Hồ

Len Reynolds là một công dân Australia. Quê hương anh là thành phố Melbourne cổ kính và xinh đẹp. Nhưng hơn một năm nay, anh đã tới, sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Len là một người vô cùng yêu kính Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong ngôi nhà của vợ chồng anh tại Hà Nội, trên các vật dụng thân thiết đều có ảnh Bác Hồ. Câu chuyện về một người khách nước ngoài lặng lẽ nghiên cứu, lặng lẽ thể hiện tấm lòng yêu kính vị Cha già của dân tộc Việt Nam từ Len Reynolds đã khiến chúng tôi thực sự cảm động.

Trò chuyện với Len Reynolds một buổi chiều bên bờ sông Hồng lộng gió, anh bộc bạch: Ở Australia có rất nhiều sách về Hồ Chí Minh. Len đã nghiền ngẫm những cuốn sách ấy từ nhiều năm trước. Len đọc rất nhiều về lịch sử các nước và thực sự thích thú với lịch sử cũng như văn hoá của châu Á, và tất nhiên là anh đã không thể bỏ qua lịch sử về Hồ Chí Minh.

Thế rồi Len bị cuốn hút bởi tích cách và tài năng của Người. Người đã học tập và sử dụng được nhiều ngôn ngữ. Len khẳng định: “Sau khi nghiên cứu về Bác Hồ, người ta không thể không yêu kính tính cách và vẻ đẹp tâm hồn của một trong những con người vĩ đại nhất. Kể cả lúc Người còn sống và đến khi Người đã mất, tình yêu thương đối với Người đã không bao giờ bị lãng quên. Người đã sống cả cuộc đời trong chiến tranh, chứng kiến mảnh đất quý giá của mình dưới làn bom đạn, thậm chí trong thời khắc như thế, Người vẫn dành vòng tay và cả trái tim của mình cho trẻ em - những đứa trẻ luôn quây quần bên Người. Người quả là một nhà lãnh đạo tài ba. Dù Người đã không được chứng kiến đất nước thống nhất, nhưng chắc chắn Người vẫn là một phần của chiến thắng vĩnh cửu. Làm sao tôi lại có thể không yêu kính một người như thế được”.

Trong suốt cuộc trò chuyện với chúng tôi, Len thường xuyên gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hai tiếng “Bác Hồ”, đầy yêu kính mà gần gũi như mọi người Việt Nam yêu kính Bác.

Len nói, anh càng đọc nhiều về Bác thì Bác càng trở thành anh hùng của anh. Anh hiểu được sự bao dung trong suốt cuộc đời là một phần trong con người Bác, sự bao dung này thực sự hấp dẫn tâm hồn Bác, sự bao dung này thực sự hấp dẫn tâm hồn anh. Đây là một người đã dành tất cả cho nhân dân của mình, cùng chịu đựng gian khổ cũng như chia sẻ yêu thương. Người là một tài sản quý giá, tài sản ấy đã đi vào lịch sử của Việt Nam. “Hình ảnh ấy của Hồ Chí Minh đã mở rộng trái tim và suy nghĩ của cuộc đời tôi” – Len xúc động nói.

Tôi hỏi Len:

- Nghiên cứu về Bác Hồ, hiểu về Bác, anh có suy nghĩ gì? Điều gì ở Bác cuốn hút anh? Điều gì về Bác khiến anh nhớ nhất, ấn tượng nhất?

Len Reynolds đã bộc bạch với tôi những điều thực sự tâm huyết trong anh:

- Vâng, tôi đã nghiên cứu và hiểu về Bác, và tôi nghĩ gì? Thật khó có từ ngữ nào có thể diễn tả một cách đúng đắn một con người toàn mỹ như vậy, nhưng theo góc nhìn của tôi, sẽ không bao giờ có một người nào khác được như Bác Hồ, Người Cha đích thực của dân tộc Việt Nam.

Những chân dung về Bác Hồ được đặt trang trọng ở nhiều nơi trong nhà của Len Reynolds tại Hà Nội

Điều thu hút tôi nhất đó là việc Người đã cống hiến và lao động cho Đảng và nhân dân như thế nào. Người đã dành cả cuộc đời để chiến đấu với những thế lực xâm lăng và thù địch ra sao. Người không bao giờ do dự, dù có được hay không, việc làm cho Đảng vững mạnh hơn, hay bảo vệ giá trị cho những người dân của mình.

Bác Hồ là một người gánh vác sứ mệnh cho cả đất nước. Vì thế, điều cuốn hút tôi nhất là sự tận tuỵ và cống hiến của Người. Tôi đã đến thăm Lăng Bác ở Hà Nội. Tôi tiếc là không được gặp Người khi Người còn sống. Không ai có thể phủ nhận sự ngưỡng mộ của toàn thể nhân dân dành cho Người, kể cả về sau này. Tôi cho rằng đó cũng là một phần khiến tôi ấn tượng.

Từ bao năm nay, hình ảnh Bác Hồ luôn hiện hữu trong tình cảm của Len. Len luôn treo ảnh Bác ở những nơi anh cảm thấy gần gũi, thiêng liêng nhất. Bức ảnh Bác lớn nhất đã được anh treo ở nơi trang trọng nhất. “Mỗi sáng và mỗi tối, vợ chồng chúng tôi có thể được chiêm ngưỡng hình ảnh của con người vĩ đại này. Và Bác như thường xuyên mỉm cười với chúng tôi. Tôi luôn coi Người như một người cha nên trong phòng khách của gia đình tôi cũng có một bức ảnh chân dung khá lớn của Bác” – Len cho biết.

Trong màn hình điện thoại di động của chị Thanh, vợ Len cũng có bức ảnh của Bác, bởi vì cả hai vợ chồng Len đều muốn mỗi khi mở máy ra lại có thể thấy hình Bác.

Ngồi ngắm sông Hồng đỏ nặng phù sa, Len kể cho chúng tôi về thành phố Melbourne của Australia, nơi anh sinh ra và lớn lên. Đó là một thành phố rất sạch đẹp, vừa cổ kính vừa hiện đại và lãng mạn với rất nhiều công viên rất đẹp, có dòng sông Yarra thơ mộng chảy trong lòng thành phố và có nhiều nhà thờ cổ kính, có nhiều toà nhà cổ kính chứa nhiều vẻ đẹp huyền bí, xen lẫn là những toà nhà rất cao, là các ngân hàng, trung tâm tài chính, các văn phòng công ty và các căn hộ cao cấp…

Thành phố Melbourne có nhiều trường học nổi tiếng và nhất là các trường học có rất nhiều sinh viên châu Á đang du học… Len rất tự hào về thành phố quê hương anh: “Melbourne của tôi có cả trăm nhà hàng đầy đủ các món ăn Âu, Á. Đầu bếp ở Australia nấu ăn rất ngon. Có thể nói Melbourne là thành phố có tất cả mọi thứ mà bạn cần”.

Tôi hỏi Len về công việc của anh và việc anh đang từ một đất nước nhiều người mơ ước, khi anh chọn Việt Nam để làm việc và sinh sống có ý nghĩa như thế nào. Len cho biết: Nghề nghiệp của anh là một người quản lý về công tác xã hội (trợ cấp, sức khoẻ, nơi ăn chỗ ở…) cho cộng đồng và làm cố vấn về tâm lý cho họ khi họ cần giúp đỡ. Len làm việc lâu năm cho một tổ chức phi chính phủ, chịu trách nhiệm cho các chương trình của Chính phủ Australia đề ra về việc phục hồi nhân cách của người phạm tội hình sự đã được ra khỏi tù mà cần chỗ ở và việc làm. Theo Len, điều tốt nhất mà anh đã làm trong tổ chức này là biến nhiều người từ chỗ làm những việc xấu trở thành công dân có ích. Hiện Len đã nghỉ hưu và cùng vợ đến sinh sống tại Việt Nam.

Len nói: “Khi chúng tôi còn ở Australia, mơ ước của vợ chồng tôi là một ngày nào đó sẽ trở về Việt Nam. Bây giờ thì tôi đã về hưu và đã có thể chuyển đến sống ở Việt Nam như mơ ước. Australia là một điểm đến trong mơ, nhưng Việt Nam mới thật sự là niềm mong ước của tôi. Tôi phải sống theo ước mơ của mình. Việt Nam có rất nhiều điều để chúng tôi cống hiến. Tôi yêu Việt Nam như vợ tôi vậy. Bác Hồ là một lý do để tôi thêm yêu đất nước này… Nếu tôi có thể bước theo bước chân của Bác, tôi nguyện theo Người trên mỗi dặm đường”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên