Biển Đông: Đường lưỡi bò - một yêu sách mập mờ
VOV.VN-Việc duy trì hoà bình và ổn định ở Biển Đông là một yêu cầu khách quan, tất yếu, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích chung.
LTS: “Đường đứt khúc 9 đoạn” hay còn gọi là “Đường lưỡi bò” mà Trung Quốc yêu sách chạy sát bờ biển của nhiều nước ven bờ Biển Đông, bao lấy một phạm vi biển chiếm khoảng 80% diện tích Biển Đông.
Đáng chú ý, kể từ khi xuất hiện đến nay, chưa bao giờ, Trung Quốc đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức về “đường lưỡi bò” này. Nhưng bằng nhiều thủ thuật quảng bá, tuyên truyền, Trung Quốc đã và đang cố làm cho người dân Trung Quốc và một số người, tổ chức trên thế giới nhầm tưởng, hầu hết Biển Đông và 4 quần đảo trong đó là của Trung Quốc.
Vậy “đường lưỡi bò” đó được hình thành như thế nào và bản chất của nó là gì? Loạt bài “BIỂN ĐÔNG: PHI LÝ YÊU SÁCH “ĐƯỜNG LƯỠI BÒ” của nhóm tác giả VOV sẽ làm sáng tỏ vấn đề này.
Bài 1: “Đường lưỡi bò”-một yêu sách mập mờ
“Đường lưỡi bò” đã xuất hiện như thế nào, vào lúc nào và bản chất của nó là gì? Điều này đã được nhiều học giả đề cập đến với những thông tin khác nhau. Tuy nhiên, để tiếp cận vấn đề một cách khách quan, đa chiều có lẽ nên tiếp nhận thông tin từ chính những học giả Trung Quốc qua các công trình nghiên cứu khoa học của họ.
Theo học giả Lý Lệnh Hoa, nghiên cứu viên Trung tâm Thông tin Hải Dương Trung Quốc thì “năm 1946, Lâm Tuân dẫn hạm đội đi thu phục các đảo. Nói là thu phục nhưng theo tôi, đúng ra là tiếp thu tài sản của kẻ thất bại. Có một số đảo thực ra không biết là của ai. Nhật Bản chiếm, rồi thua trận, đem dâng cho ta, dĩ nhiên ta vui vẻ nhận (…). Đi cùng hạm đội có một ông ở Bộ Địa chất và Khoáng sản vung bút vẽ đại một đường đứt khúc hư ảo thành một cái túi to tướng. Sau khi quay về, in vào bản đồ của Chính phủ Dân quốc, đem công bố, thế là ra đời một đường biên giới (…)”.
Theo đó, bản đồ đầu tiên thể hiện “đường lưỡi bò” có từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2. Bản đồ này được Vụ Biên giới và Lãnh thổ, Bộ Nội vụ Cộng Hoà Trung Hoa xuất bản tháng 2/1948, với tên gọi Nam hải chư đảo vị trí đồ. Gọi là “đường lưỡi bò” bởi nó giống cái lưỡi bò liếm xuống Biển Đông, được thể hiện bằng đường đứt khúc 11 đoạn.
Bản đồ “Nam Hải chư đảo vị trí đồ” do Sở Phương vực (Trung Hoa dân quốc) biên soạn năm 1947 sau chuyến đi của Lâm Tuân. Bản đồ được vẽ và viết bằng tay. Đây là tiền thân của cái gọi là “đường chữ U” hiện nay - Ảnh: hudong.cn |
Năm 1949, chính quyền Tưởng Giới Thạch thất bại trước Bắc Kinh, rút ra đảo Đài Loan, và cũng từ đó, nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa (hay còn gọi là Trung Quốc) ra đời. Năm 1949, Trung Quốc cho ấn hành một bản đồ, trong đó, “đường lưỡi bò” được thể hiện giống như bản đồ trước đó của Cộng hoà Trung Hoa xuất bản tháng 2 năm 1948. Đến năm 1953, bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc xuất bản chỉ còn 9 đoạn. Hai nét ở Vịnh Bắc Bộ đã bị xoá.
Như vậy, “đường lưỡi bò” bắt nguồn từ một bản đồ tư nhân, do ông Bạch Mi Sơ, người đi theo hạm đội của Lâm Tuân ra quần đảo Trường Sa, phóng tác năm 1946 và sau đó được đưa vào bản đồ của Chính phủ Cộng hòa Trung Hoa, rồi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Các học giả Trung Quốc cũng khách quan thừa nhận: “không rõ khi vẽ đường này, tác giả của nó có đủ hiểu biết và kiến thức về luật biển quốc tế đương đại hay không?” Có thông tin cho biết, chính tác giả của “đường lưỡi bò” này, ông Bạch Mi Sơ, đã được mời đến Bắc Kinh năm 1990 để lý giải tại sao lại thể hiện đường yêu sách như bản đồ mà ông đã phóng tác năm 1946. Tuy nhiên, ông này đã không thể đưa ra được lý do xác đáng cho yêu sách kỳ lạ này.
Tuy vậy, để biện hộ cho “con đường hư ảo” này, có không ít học giả Trung Quốc đã cố tìm cách đưa ra một số lập luận.
Giáo sư Cao Chí Quốc, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển biển, Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc cho rằng: “Nghiên cứu kỹ các tài liệu Trung Quốc cho thấy, Trung Quốc chưa bao giờ yêu sách toàn bộ cột nước của biển Nam Trung Hoa (Biển Đông) mà chỉ có các đảo và vùng nước xung quanh các đảo nằm trong đường này.”
Còn theo học giả Phan Thạch Anh, đường này đã tồn tại một nửa thể kỷ nay, không quốc gia nào phản đối, vì vậy, đã tạo ra một danh nghĩa lịch sử cho Trung Quốc, là đường biên giới quốc gia. Trung Quốc yêu sách chủ quyền không chỉ các đảo, đá của bốn quần đảo Đông Sa (Pratas), Tây Sa (Hoàng Sa), Trung Sa (bãi ngầm Macclesfield) và Nam Sa (Trường Sa) mà còn toàn bộ vùng nước trong đường chữ U đó.
Một học giả khác là Chu Khắc Nguyên lại cho rằng, yêu sách của Trung Quốc không nên xem như yêu sách vùng nước lịch sử theo nghĩa truyền thống mà giống như một dạng yêu sách các quyền chủ quyền và quyền tài phán lịch sử chứ không phải là yêu sách chủ quyền hoàn toàn và tuyệt đối.
Tuy nhiên, cũng có không ít các học giả Trung Quốc đã chính thức lên tiếng bác bỏ yêu sách này. Tháng 6 vừa qua, tại Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc và báo điện tử Sina.com đã tổ chức Hội thảo mang tên “Tranh chấp Biển Đông, chủ quyền quốc gia và quy tắc quốc tế”. Tại Hội thảo này, ông Lý Lệnh Hoa, Trung tâm Thông tin Hải dương Trung Quốc nêu rõ: “Từ xưa đến nay, trên thế giới, không hề có đường biên giới trên bộ hay trên biển hư ảo. Đường 9 đoạn trên Nam Hải là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta đã vạch ra đường 9 đoạn không hề có kinh độ, vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp lý.”
Còn ông Trương Thử Quảng, Chủ tịch Hội đồng Học thuật, Viện Nghiên cứu Kinh tế Thiên Tắc, Giáo sư Viện Khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng: “Đường 9 đoạn không hề có chỗ dựa về pháp luật. Trong nước có các nhà luật học, cả các đồng nghiệp ở Đài Loan cũng có chung nhận thức như thế. Nó chỉ do Trung Quốc đơn phương tuyên bố mà thôi.”
Trên đây là những ý kiến khác nhau của các học giả Trung Quốc.
Còn quan điểm chính thức của Trung Quốc thì như thế nào?
Công hàm của Trung Quốc đệ trình lên Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc ngày 7/5/2009 là văn bản đầu tiên trong hơn 60 năm qua, thể hiện quan điểm chính thức của Trung Quốc về vấn đề này. Đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc chính thức công bố bản đồ đường yêu sách này với thế giới.
Công hàm này viết: “Trung Quốc có chủ quyền không thể chối cãi với các đảo ở Biển Đông và các vùng biển liền kề và được hưởng các quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng nước liên quan cũng như đáy biển và tầng đất dưới đáy của vùng biển đó.”
TS. Marco Benatar, Trung tâm Luật Quốc tế, Đại học Brussel, Bỉ nhận xét: “tiêu chí để xét ý định rõ ràng về phía Trung Quốc không được đáp ứng đầy đủ. Các cách giải thích khác nhau về “đường lưỡi bò” do các học giả đưa ra cũng như Công hàm mập mờ của Trung Quốc ngày 7/5/2009 là minh chứng cho kết luận này. Bên cạch cấu trúc câu phức tạp, các thuật ngữ được sử dụng trong Công hàm như “các vùng biển liên quan” hay “các vùng biển lân cận”, gây khó hiểu. Các thuật ngữ này không hề có trong Công ước của Liên Hợp Quốc về luật Biển năm 1982.”
GS. Erik Franckx, Trưởng Khoa Luật Quốc tế và châu Âu, Đại học Brussel, Bỉ còn chỉ ra rằng: “Các bản đồ thể hiện đường 9 đoạn vẽ một bức tranh khác về Biển Đông so với các bản đồ cũng như các tài liệu khác của các quốc gia ven biển trong khu vực.
Hơn nữa, các bản đồ vẽ “đường lưỡi bò” không nhất quán. “Đường lưỡi bò” trên bản vẽ của Trung Quốc trước năm 1953 bao gồm 11 nét đứt, trong khi những phiên bản sau đó chỉ bao gồm 9 nét. Không có lý do chính thức nào được đưa ra để giải thích cho việc xoá đi 2 nét đứt này.
Khi các bản đồ không thống nhất, mâu thuẫn với nhau thì các tài liệu đó không đáng tin cậy.”
Án lệ cũng nhắc đến yêu cầu về tính chính xác về mặt kỹ thuật đối với các bản đồ. Trong vụ đảo Palmas, trọng tài Max Huber đã viết: “Điều kiện đầu tiên mà các bản đồ cần phải đáp ứng để có thể làm bằng chứng cho các lập luận pháp lý đó là tính chính xác về mặt địa lý.”
Bản đồ “đường lưỡi bò” của Trung Quốc không đáp ứng được tiêu chuẩn này.
Yêu sách dựa trên những lập luận mơ hồ đó của Trung Quốc không thuyết phục được chính các học giả Trung Quốc.
Giáo sư Thời Đoạn Hoằng thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc cho rằng: “Toàn bộ Biển Đông thuộc về Trung Quốc ư? Gần đây, báo chí chúng ta cũng lập lờ về vấn đề này. Nếu nói toàn bộ Biển Đông là của Trung Quốc thì cả thế giới sẽ không chấp nhận đâu!”.
Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này trong bài 2: Yêu sách dựa trên lịch sử hay theo kiểu tự hành xử?