Đảo nhân tạo không tạo quyền lực mới cho Trung Quốc ở Biển Đông

VOV.VN -Việc xây dựng đảo nhân tạo không thể tạo nên những quyền mới, sẽ vẫn phải coi đó là đảo nhân tạo theo quy định của pháp luật quốc tế.

Ngày 25/7, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Luật gia Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế “Xây dựng công trình nhân tạo trên biển Đông và tác động đối với hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại của khu vực”.

Tại hội thảo, tham luận của các học giả bàn luận sâu sắc các vấn đề pháp lý liên quan đến đảo và công trình, thiết bị nhân tạo như: Khái niệm, phân loại, quy chế pháp lý, quyền tài phán của quốc gia với đảo và công trình, vai trò của đảo nhân tạo trong việc hoạch định và phân định biển, thực tiễn xây dựng đảo của một số quốc gia trên thế giới.

Các đại biểu tham dự hội thảo.

Các diễn giả đã liên hệ đến thực trạng xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc trên các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam và cho rằng: Hành vi của Trung Quốc là trái với luật quốc tế, trái với Công ước Liên Hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) và trái với các cam kết chính trị giữa Việt Nam- Trung Quốc, ASEAN- Trung Quốc và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, an ninh, kinh tế, thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không, tàn phá, hủy hoai môi trường biển, làm gia tăng nguy cơ xung đột vũ trang…

TS Ngô Hữu Phước -trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, mục đích Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo có nghĩa là tiến hành một lộ trình bài bản 5 bước gồm: Tấn công, chiếm đóng, xây dựng đảo nhân tạo, yêu sách 12 hải lý, đưa người đến ở và sau đó yêu sách các vùng biển khác, liên kết các đảo tiền tiêu từ đảo Hải Nam đến quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để án ngữ toàn bộ, che chắn toàn bộ nhằm kiểm soát hoàn toàn biển Đông cả về hàng hải, kinh tế biển.

GS-TS Erick Frankx- Đại học VrijeUniversiteit Brussel - Trọng tài viên của Tòa trọng tài thường trực La Haye, Hà Lan cho rằng, luật quốc tế cũng khẳng định vấn đề gì còn tranh cãi thì chúng ta phải ngồi lại đàm phán để giải quyết.

Tham luận của các học giả cũng như ý kiến thảo luận đã đi sâu đánh giá những tác động tiêu cực do các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc đến hòa bình, an ninh khu vực và thế giới, đặc biệt là những tác động đến tự do thương mại, tự do hàng hải, tự do hàng không trên biển Đông.

TS Trần Thăng Long -Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Biển Đông là một tuyến đường biển quốc tế quan trọng. Chính vì điều đó mà luật pháp quốc tế không cho phép bất cứ một quốc gia nào có thể lợi dụng các căn cứ quân sự để mà tiến hành các hoạt động kiểm soát, giám sát các hoạt động hàng hải quốc tế, cũng như các hoạt động hàng không quốc tế trên khu vực này.

GS Erick Frankx khẳng định, những hành động của Trung Quốc là vi phạm các quy định của Luật Biển quốc tế năm 1982. Theo GS Erick Frankx, Luật Biển quốc tế 1982 quy định không được thay đổi hiện trạng ảnh hưởng đến môi trường.

Trong tự nhiên có những mỏm đá, những bãi cạn, những hòn đảo, chúng ta không thể cố tình thay đổi hiện trạng đó vì nó ảnh hưởng đến những quy định của pháp luật quốc tế về khai thác tự nhiên.

Ông Erick Frankx nhấn mạnh, việc xây dựng các đảo nhân tạo sẽ không thể tạo nên những quyền mới, sẽ vẫn phải coi đó là những đảo nhân tạo theo quy định của pháp luật quốc tế.

Tham dự hội thảo, Phó Đô đốc Anup Signh - nguyên Tổng tư lệnh Lực lượng Hải quân miền Đông Ấn Độ nhấn mạnh: Hành vi của Trung Quốc là vi phạm luật quốc tế và bản thân các tổ chức quốc tế như: ASEAN, APEC, hay như chính Liên Hợp quốc phải bàn về những vấn đề này.

Các tham luận tại hội thảo cũng đề cập tác động của việc Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông ảnh hưởng đến việc bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản và việc đánh bắt cá của ngư dân, cũng như tàn phá môi trường biển trong khu vực…

Hành động vi phạm luật pháp quốc tế về biển của phía Trung Quốc đã và đang bị dư luận trong nước và thế giới lên án mạnh mẽ.

Luật sư Đặng Văn Minh -Phó Chủ tịch Hội Luật gia Quận 11, Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm: Trung Quốc muốn các vấn đề không tranh chấp trở thành tranh chấp và Trung Quốc đã tôn tạo các đảo chìm trở thành các đảo. Để từ đó Trung Quốc nêu chủ quyền của mình trên các đảo này, để hiện thực hóa “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Không chỉ Việt Nam lên tiếng mà các nước G7, trong đó có Mỹ cũng đã lên tiếng phản đối về việc làm của Trung Quốc.

Việc Trung Quốc tôn tạo các đảo ấy là vi phạm chủ quyền của Việt Nam, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Và nhất định Trung Quốc cũng bị lên án bởi dư luận quốc tế.

Còn bà Tôn Nữ Thị Ninh - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội khẳng định, việc Trung Quốc tôn tạo các công trình đảo thuộc chủ quyền Việt Nam không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ Việt Nam - Trung Quốc mà là vấn đề của khu vực và quốc tế.

Theo bà Ninh thì chúng ta nêu được trách nhiệm của các nước trong khu vực, trước hết là của ASEAN, hoặc các nước ngay khu vực này là Đông Bắc Á.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng thống nhất quan điểm xử lý của Việt Nam là thiện chí. Chúng ta cần tiếp tục chuẩn bị những bằng chứng tích cực để đưa đến dư luận quốc tế trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển Đông hiện nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cần chấm dứt ngay việc thay đổi nguyên trạng Biển Đông
Cần chấm dứt ngay việc thay đổi nguyên trạng Biển Đông

VOV.VN - Tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông hiện nay.

Cần chấm dứt ngay việc thay đổi nguyên trạng Biển Đông

Cần chấm dứt ngay việc thay đổi nguyên trạng Biển Đông

VOV.VN - Tại Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông hiện nay.

Chủ tịch nước: "Luôn có chính sách bảo vệ ngư dân trên Biển Đông"
Chủ tịch nước: "Luôn có chính sách bảo vệ ngư dân trên Biển Đông"

VOV.VN -Đảng, Nhà nước luôn có chính sách bảo vệ, hỗ trợ chăm lo cho bà con ngư dân làm ăn bình thường trên biển.

Chủ tịch nước: "Luôn có chính sách bảo vệ ngư dân trên Biển Đông"

Chủ tịch nước: "Luôn có chính sách bảo vệ ngư dân trên Biển Đông"

VOV.VN -Đảng, Nhà nước luôn có chính sách bảo vệ, hỗ trợ chăm lo cho bà con ngư dân làm ăn bình thường trên biển.

Không làm phức tạp tình hình trên Biển Đông
Không làm phức tạp tình hình trên Biển Đông

VOV.VN - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông, không làm phức tạp tình hình trên biển...

Không làm phức tạp tình hình trên Biển Đông

Không làm phức tạp tình hình trên Biển Đông

VOV.VN - Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị Trung Quốc kiểm soát tốt bất đồng ở Biển Đông, không làm phức tạp tình hình trên biển...