Anh công an ơi, đừng núp
VOV.VN - Đã có hướng dẫn yêu cầu “công an giao thông phải đứng công khai”, không được núp. Nhưng như thế nào là “đứng công khai”, kể cũng khó!
Cuối tuần mình bị một phen hú vía! Lúc đi qua ngã tư Quang Trung – Hai Bà Trưng (Hà Nội) bất chợt một anh công an giao thông lao vụt ra giữa đường dừng một xe máy rẽ phải khi đèn đỏ (từ Hai Bà Trưng vào Quang Trung). Mình tim đập chân run, thở không ra hơi vì chiếc xe vi phạm chạy sát bên. Đã vậy cái gậy của anh công an chỉ vào người vi phạm mà cứ như chỉ thẳng vào mình; mặt anh công an thì nghiêm trọng lắm khiến mình càng hãi. Cũng may huyết áp ổn định chứ không bất chợt lên máu, đột quỵ như chơi.
Cảnh sát giao thông xử phạt người vi phạm giao thông.
Đã có hướng dẫn yêu cầu “công an giao thông phải đứng công khai”, không được núp. Nhưng như thế nào là “đứng công khai”, kể cũng khó.
Nếu là người Việt Nam, lại thường xuyên tham gia giao thông, chắc các bạn ít nhất một lần thấy các anh công an vụt lao ra từ một góc khuất nào đó để dừng xe vi phạm. Từ khi có chỉ lệnh của cấp trên thì hành vi này giảm đáng kể, nhưng đây đó vẫn còn, chứng tỏ có gì đó đằng sau chưa giải quyết dứt điểm.
Trong bối cảnh nhiều người vi phạm an toàn giao thông như hiện nay thì cũng có ý kiến phải bằng mọi giá xử lý hết những đối tượng này. Mà nếu không “sử dụng các biện pháp nghiệp vụ” như thế thì rất khó phát hiện những hành vi vi phạm, vì các phương tiện đều ngoan ngoãn chấp hành khi thấy bóng công an thấp thoáng phía trước.
Cũng có người lý luận: Vi phạm các quy tắc giao thông cũng là một tội. Một số trường hợp phải xử hình sự. Vậy tại sao lại cấm công an giao thông áp dụng biện pháp trinh sát (núp) như thường làm đối với các loại tội phạm khác?
Tôi nghĩ các anh công an, từ mới vào nghề cho tới đã có thâm niên, phải thật thông tỏ vụ này mới mong không còn cảnh đứng trong góc khuất.
Phân tích căn kẽ hành vi đứng khuất bóng này, như tôi đã nói, chắc phải nhờ tới các nhà làm luật. Riêng tôi, với tư cách người tham gia giao thông, gặp những trường hợp như vừa nêu là tôi thấy bất an. Tôi không vi phạm nhưng hành vi của anh công an khiến tôi hoảng hốt.
Xin kể một câu chuyện mà tôi được một người Việt sống lâu năm ở Đức kể lại. Anh có giấy chứng nhận thông dịch viên, nhiều dịp đi dịch cho toà án khi xử những phiên có bị can là người Việt.
Anh kể: Có vụ một người Đức dừng xe trước đèn đỏ, khi đèn chuyển xanh, ông ta nghe tiếng còi hối thúc từ xe phía sau. Xe đó của một người Việt. Sau vài lần còi, ông người Đức xuống xe và gọi cảnh sát. Sự việc ra toà. Lái xe người Việt bị xử thua và phải bồi thường một số tiền cho ông người Đức kia vì hành vi cố tình làm ông ta bấn loạn tinh thần, ảnh hưởng đến sức khoẻ.
Cách đây mấy năm tôi có sang Philippines. Lúc bấy giờ Phillippines không đì đùng tiếng súng như hôm nay. Tôi thấy cảnh sát giao thông ở thủ đô Manila thay vì cầm gậy ba trắc vằn vện như ở ta thì họ sử dụng một găng tay rất to, có sơn phản quang màu trắng. Cảnh sát đút tay vào găng tay lớn đó làm hiệu lệnh điều khiển giao thông. Bên hông đeo túi cứu thương. Rõ ràng khi nhìn thấy những trang bị thân thiện như thế thì người dân cảm thấy đỡ sợ hơn.
Mục đích cuối cùng của nhà nước ở bất kỳ thể chế nào cũng đều bảo vệ quyền con người. Trong quyền con người, luật pháp nước ta nghiêm cấm “các hành vi đe doạ sức khoẻ của người khác”.
Để các anh công an giao thông không phải núp, để không làm cho những người dân như tôi bị hoảng hốt thì phạt nguội là cách làm hay. Vẫn biết phạt nguội với người điều khiển xe máy ở nước ta rất khó, nhưng quyết tâm vẫn làm được, nhất là trong thời đại số hoá. Phạt nguội chắc chắn không gây nguy hiểm, không làm cho những người tham gia giao thông khác phải giật mình./.
Vì sao Thứ trưởng Bộ VHTT&DL lại dễ dàng ký 1 văn bản như vậy?