Bao giờ trẻ sơ sinh mới thôi chết oan vì vaccine?
VOV.VN - Nỗi đau xé lòng này, gia đình các cháu bé phải gánh chịu. Nhưng trách nhiệm thuộc về ai thì vẫn còn để ngỏ?
Có những chuyện dù trôi qua đã rất lâu, nhưng nó vẫn luôn là nỗi ám ảnh đối với con người ta mỗi khi nhớ lại, thậm chí đeo đẳng họ đến hết cuộc đời. Tôi cũng là một người mẹ và câu chuyện của chính tôi xảy ra cách đây hơn 13 năm mà mỗi khi nhớ lại, tôi vẫn còn rùng mình. Ơn trời, con gái tôi đã được cứu chữa kịp thời sau sự cố bị hộ lý "quên" kẹp rốn trong khi tắm ở bệnh viện.
13 năm trước, để chuẩn bị đón con gái đầu lòng, chúng tôi đã tỉ mẩn đi sắm từng thứ cần thiết cho con và không quên chọn một bệnh viện công để đảm bảo an toàn khi sinh. Cảm giác được ôm đứa con bé bỏng vào lòng khi con chào đời, mới hạnh phúc và thiêng liêng nhường nào.
Đến ngày mẹ con tôi được xuất viện, cả hai bên gia đình nội, ngoại hân hoan chờ đón. Lúc đó, tôi cũng chung tâm trạng như mọi người nên chỉ mong nhanh chóng hoàn thành thủ tục xuất viện để đón con về nhà. Khi bác sỹ đưa cho chúng tôi ký một tờ giấy gọi là thủ tục xuất viện, tôi chẳng cần quan tâm đến nội dung mà chỉ đọc thấy cuối văn bản có ghi dòng chữ đại ý là sau khi xuất viện, bệnh viện không chịu trách nhiệm về những gì xảy ra đối với đứa trẻ.
Về nhà được một lúc, tự nhiên cháu cứ khóc mãi không thôi. Càng dỗ, con càng khóc to. Cũng may, đúng lúc đó có một chị dẫn con nhỏ đến chơi, đã mở tã lót của bé ra để kiểm tra. Chị hoảng hốt bởi ở rốn của con tôi đã bị rơi kẹp rốn- vật mà mọi trẻ con mới sinh lúc đó đều phải có để duy trì sự sống.
Khi vào Viện Nhi Trung ương cấp cứu, các bác sỹ tách riêng con tôi vào khu vực vô trùng để điều trị. Họ chẩn đoán là cháu bị nhiễm trùng máu do bị rơi kẹp rốn trong lúc tắm trước khi xuất viện. Sau này, khi con tôi xuất viện, gia đình mới kể lại rằng các bác sỹ rất lo ngại vì trẻ sơ sinh nhiễm trùng máu như vậy hết sức nguy hiểm đến tính mạng.
Lần đầu tiên làm mẹ, lại vừa mới sinh xong, cơ thể còn đau đớn, lại thêm chưa biết sức khỏe con mình như thế nào, tôi rơi vào trạng thái khủng hoảng.
Nhờ sự tận tình cứu của các bác sỹ, con tôi đã được xuất viện sau gần nửa tháng điều trị. Nhưng kể từ đó, tôi lúc nào cũng trong tâm trạng lo lắng, bất an khi chăm sóc một đứa trẻ, thậm chí còn bấn loạn mỗi khi bé đau ốm...
Cách đây 3 ngày, khi nhìn hình ảnh ông bố- người cha của một trong ba em bé sơ sinh bị tử vong sau khi tiêm vaccine ở Quảng Trị- thất thểu xách làn quần áo của đứa con rời bệnh viện, tôi đã không cầm được nước mắt. Cũng làn quần áo đó, vợ chồng họ đã dồn hết tình cảm, sự kỳ vọng sắm sửa đón con chào đời.
Không có nỗi đau nào lớn bằng nỗi đau mất con.
Chỉ trong chốc lát, 3 đứa trẻ vừa kịp nhìn ánh sáng đã vội lìa đời. Ba mạng người ra đi oan uổng cũng lại vì vaccine.
Những lùm xùm về vaccine đã được nhắc tới khá nhiều trong thời gian qua. Chuyện nhân viên y tế “ăn bớt” vaccine mới đây làm dư luận bức xúc. Rồi đến chuyện 5 đứa trẻ tử vong vì tiêm vaccine “5 trong 1” Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.
Nhiều người bắt đầu lo lắng, thậm chí khi sinh con, họ đã “trốn” không cho trẻ tiêm vaccine. Những lo lắng của các bậc làm cha, làm mẹ cũng không phải không có cơ sở khi họ phải tận mắt chứng kiến những việc đau lòng như vậy.
Và điều làm họ mất lòng tin hơn cả vẫn là sự xuống cấp của y đức thời gian vừa qua.
Câu chuyện tiêm vaccine cho 3 cháu bé ở Quảng Trị, cũng không thể ngăn dư luận đặt ra hàng loạt câu hỏi: Liệu 3 lọ thuốc tiêm cho các cháu có bị “ăn bớt” hay thay vào đó một loại thuốc khác hay không?; Qui trình quản lý, sử dụng thuốc có được tuân thủ đúng hay không? Đấy là vaccine thật hay giả?; Ngoài chuyện chất lượng, có chuyện “y đức” của bác sỹ, y tá, hộ lý khi phục vụ các cháu bé sơ sinh và gia đình họ hay không?
Chưa có bao giờ, việc đình chỉ, thu hồi các loại thuốc kém chất lượng lại “rầm rộ” như thời gian vừa qua. Việc “dừng”, đình chỉ”, “thu hồi” thuốc, mới nghe qua, mọi người tưởng đây là sự làm việc đầy trách nhiệm và lương tâm của các cơ quan quản lý kinh doanh. Nhưng sự thật lại ngược lại. Bởi khi những loại thuốc này, trước khi bị thu hồi, đình chỉ thì đã có rất nhiều người đã sử dụng.
Quản lý thế nào mà vẫn để những lỗ hổng chết người đó tồn tại?
Đã đến lúc cần phải quy rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân trong việc để xảy ra những chuyện đau lòng như thời gian vừa qua. Cấp quản lý nào của ngành y tế phải chịu trách nhiệm về việc này?./.