Bắt ông Nguyễn Thanh Hóa và suy nghĩ của xã hội về cảnh sát, công an
VOV.VN -Việc một cựu tướng của ngành công an bị khởi tố, bắt tạm giam dù rất đau đớn nhưng phải làm để giúp bộ máy trong sạch hơn… và dân tin pháp luật đang được thượng tôn.
Khi còn trẻ con, có lẽ ai cũng đã từng chơi trò trận giả, công an bắt gián điệp hay công an bắt cướp. Trong những cuộc chơi như vậy, công an lúc nào cũng là người thắng cuộc. Vì làm công an là đại diện cho công lý chuyên xử những cái ác, cái xấu và được nhiều người ủng hộ nên đứa trẻ nào cũng muốn làm công an.
Công an cũng vì thế mà có sức ảnh hưởng ghê gớm. Thấy có đám đánh nhau, chỉ cần hô “Công an đến” là ngay lập tức những kẻ hùng hổ nhất cũng phải bỏ chạy tán loạn. Khi gặp bất cứ chuyện gì chướng tai, gai mắt ngoài xã hội chẳng ai dám xông vào giải quyết thì người đầu tiên họ gọi chính là công an. Làm gì, ở đâu, những người lương thiện thấy bóng dáng công an đều cảm thấy yên tâm.
Những trò chơi thủơ bé và những gì được chứng kiến ngoài xã hội cứ thế trở thành ước mơ của bao đứa trẻ, ước mơ sau này trở thành công an. Thế nhưng, vì điều kiện sức khỏe, vóc dáng, vì các điều kiện thi tuyển khắt khe nên trong trang lứa ấy chỉ có một, hai người thực hiện được ước mơ của mình.
Rõ ràng, đứng trong hàng ngũ công an là những người rất ưu tú về năng lực và phẩm chất. Thế nhưng, thực tế thời gian qua đã có quá nhiều sự việc khiến hình ảnh những chiến sĩ công an bị mất thiện cảm.
Cựu tướng Công an Nguyễn Thanh Hóa vừa bị khởi tố, bắt tạm giam |
Khi chính thức có quyết định bắt tạm giam cựu tướng công an Nguyễn Thanh Hóa - (nguyên Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50, Bộ Công an), niềm tin của người dân đối với lực lượng thực thi và bảo vệ công lý bị ảnh hưởng. Bởi trong suy nghĩ, thâm tâm của nhiều người, đáng lẽ, những vị Tướng lĩnh cấp cao phải là những tấm gương sáng trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm nhưng ở đây họ lại bảo kê cho tội phạm hoạt động để kiếm lời, thu vén cho lợi ích của cá nhân. Việc làm của họ khiến người dân hoang mang không biết tin vào đâu để thực thi công lý, pháp luật?
Chưa hết, hàng ngày nhan nhản những câu chuyện của cánh tài xế, người tham gia giao thông nói với nhau về những việc làm sai trái của cảnh sát giao thông, tình trạng vòi vĩnh, mãi lộ, “bẫy” người đi đường để xử phạt… khiến tình cảm của nhân dân dành cho hai từ “công an” lại thêm hao hụt.
Đáng lẽ xã hội phát triển, cuộc sống văn minh thì người dân và cảnh sát phải rất thân thiện và gần gũi. Đừng để người dân không kính trọng mà là né tránh những lực lượng thực thi pháp luật để khỏi phiền hà, rắc rối cho bản thân.
Trên thực tế, trong lực lượng công an có rất nhiều người tốt, nhiều người xả thân vì cuộc sống bình yên của người dân, thế nhưng, những hình ảnh xấu xí đã lấn át đi. Mỗi lần xuất hiện hình ảnh đẹp về người công an, nhiều người lại đặt dấu hỏi hoặc cho rằng đó chỉ là một màn biểu diễn, thậm chí có những lời bình ác ý. Nói ra những điều này, có thể rất khó nghe nhưng đó là sự thật mà những người được dân tin, dân yêu cần phải biết để được tin hơn, yêu hơn.
Việc khởi tố, bắt tạm giam một cựu tướng của ngành công an, dù rất đau đớn nhưng phải làm; việc xử lý nghiêm khắc, đưa ra khỏi ngành những cán bộ, chiến sĩ nhũng nhiễu, vòi vĩnh người dân là cần thiết để giúp bộ máy trong sạch hơn… Người vi phạm, dù có ở cương vị nào, lực lượng nào cũng phải bị xử lý nghiêm, công bằng trước pháp luật thì mới tạo được một niềm tin công lý, trật tự xã hội, để dân thấy rằng, pháp luật đang được thượng tôn. Để lấy lại niềm tin, hình ảnh đáng mến của người chiến sĩ công an, cảnh sát… không cần phải học tập, rèn luyện ở đâu xa, chỉ cần làm tốt 6 điều Bác Hồ dạy công an nhân dân là đủ để xây dựng lực lượng vững mạnh, trong sạch./.