Blog Ngô: Lại không tuyển tại chức

Nếu như đơn vị nào cũng có quyền thải loại nguồn nhân lực yếu kém thì đó mới là công cụ điều chỉnh chất lượng một cách bền vững cho cung cách đào tạo

Sau Đà Nẵng có lẽ Quảng Nam là địa phương thứ 2 không tuyển ứng viên có bằng tại chức vào vị trí công chức hành chính. 

Năm ngoái, sự kiện Đà Nẵng không tuyển sinh viên tốt nghiệp hệ tại chức vào làm việc trong cơ quan nhà nước đã dấy lên một cuộc tranh luận không hồi kết. Hình như có quan chức ngành giáo dục hay tư pháp gì đó nói như thế là phạm luật? Ý kiến dư luận cũng chia thành hai phe, bên nào cũng có lý, rốt cuộc sự việc cũng qua đi. 

Để đến hôm nay, tỉnh láng giềng - Quảng Nam, tiếp tục nổ thêm một phát súng nữa vào tại chức. Mặc dù không còn chấn động như “sự kiện” Đà Nẵng nhưng chắc chắn nó củng cố thêm cho việc làm của Đà Nẵng và gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ. 

Cách tuyển dụng là công cụ điều chỉnh chất lượng đào tạo (ảnh minh hoạ)

Học suốt đời là chủ trương của cả thế giới trong thế kỷ 21. Do đó, đa dạng hóa các loại hình đào tạo là quan điểm đúng. Sống trong một thế giới thay đổi từng ngày như hôm nay, thử hỏi con người có thể làm gì hơn ngoài việc học để đáp ứng sự thay đổi ấy? Ngay từ thế kỷ trước, người ta đã dạy sinh viên phải biết chấp nhận sự đa dạng thay vì khư khư tôn thờ cái đơn nhất.

Nói như học giả Nguyễn Trần Bạt thì không ai thành đạt được nếu người đó vươn lên để trở thành một người khác mình. Giá trị cống hiến của một cá nhân cho xã hội là cái riêng của cá nhân đó chứ không phải ở cái phần bắt chước. Bây giờ, họa có điên mới đi chế tạo ổ đĩa mềm to bằng bao Dunhill, chỉ 1.44MB, trong khi thế giới đã ra lò USB bằng mẩu chocolate nhưng dung lượng 128GB. 

Nói vậy để thấy tại chức không có tội, mà suy cho cùng, lỗi ở chính những công cụ điều chỉnh chất lượng của loại hình này nói riêng và đào tạo, bồi dưỡng nói chung. 

Chúng ta mong muốn, hy vọng vào sự kiểm soát chất lượng đào tạo của nhà cung cấp dịch vụ. Điều đó là mơ ước chính đáng nhưng e rằng khó trong nền kinh tế thị trường sơ khai như ở Việt Nam. Đến ngay như ở Mỹ mà cơ quan kiểm định chất lượng đào tạo cũng lên tới con số hàng chục với nhiều cấp độ và hình thức khác nhau. Trong khi đó ở ta, kiểm định vẫn còn cảnh “mẹ hát con khen”, dốc sức tổ chức hai cuộc thi quốc gia xong là hụt hơi. 

Tìm kiếm chuẩn mực chung và có tính ổn định là điều không tưởng. Chuẩn chỉ là sự tương đối và có thời gian sống càng ngày càng hữu hạn. Bạn chụp X quang ở Bệnh viện Bạch Mai buổi sáng và buổi chiều bạn đem kết quả ấy đến Viện 108 người ta không bao giờ chấp nhận; bạn mua vàng 9999 ở Bảo Tín rồi tạt sang bên đường bán cho PNJ thì họ vẫn cứ thử và cân lại như thường. 

Theo tôi, cách tiếp cận chung nên như vậy, và điều tôi thực sự mong muốn là phải có công cụ điều chỉnh chất lượng đào tạo. 

Chúng ta thường nói “giáo dục là công việc của toàn xã hội” hoặc coi  giám sát đầu ra như một giải pháp hữu hiệu cho an toàn vệ sinh thực phẩm với khẩu hiệu bất hủ là “người tiêu dùng thông thái”. Vậy hà cớ gì một đơn vị sử dụng lao động không có quyền đòi hỏi chất lượng theo đúng nhu cầu? 

Nếu như bất kỳ một đơn vị nào cũng có quyền thải loại nguồn nhân lực yếu kém thì đó mới là công cụ điều chỉnh chất lượng một cách bền vững cho cung cách đào tạo hiện nay. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận biện pháp kiểm soát tự thân của ngành giáo dục.

Về lý thuyết, chúng ta có đầy đủ chế tài để thanh lọc cán bộ, nhân viên yếu kém, nhưng trên thực tế, công việc này chưa tiến triển bao nhiêu, thậm chí có “tác dụng phụ”.

Bạn tôi, một cán bộ có chuyên môn, năng nổ với tràn trề hy vọng  được sủng ái và tín nhiệm. Thế nhưng sau khi lấy phiếu tín nhiệm thì anh vỡ mộng, hy vọng thành tuyệt vọng. Vì sao? Vì anh là cái gai trong mắt những người đồng nhiệm năng lực yếu, anh nghiêm khắc, khắt khe với đám nhân viên vốn dĩ lười nhác, kém cỏi, được dung túng nhiều năm dưới “triều đại” của người tiền nhiệm. Do đó, anh mất phiếu và bỗng dưng trở thành phần tử bị thải loại một cách oan ức và phi lý. 

Hiện tượng trên cá biệt nhưng rất đáng quan ngại. Nó vô hiệu hóa công cụ điều chỉnh chất lượng nguồn nhân lực của xã hội.  Trong bối cảnh ấy, tôi tin tưởng những nỗ lực riêng của Đà Nẵng, Quảng Nam; kính trọng sự “dấn thân”, quyết đoán của lãnh đạo hai tỉnh, những người biết trước là sẽ đối mặt với phản biện gay gắt từ nhiều phía khi chủ trương được ban hành./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên