Blog Thóc: Đôi điều về bà Ba Sương
Tôi cảm thấy bà đại diện cho một thế hệ những người đã dấn thân là đi hết mình, chấp nhận mọi khó khăn, thách thức, thậm chí là sự hy sinh cho những điều mà họ đã tin.
Tôi đã đắn đo mãi, định sẽ viết một cái gì đó về bà Ba Sương, ngay sau lần đầu tiên gặp bà, hay ngay sau lần ngồi cùng ô tô với bà từ Sài Gòn về Cần Thơ… Sở dĩ tôi không viết vì không dám chắc sẽ khắc họa đúng và đủ về người phụ nữ đặc biệt này. Về bà, có quá nhiều điều để viết và để nghĩ suy.
Những ngày cận Tết Nhâm Thìn, khi tin (tạm gọi là vui) đến với bà, vụ án được đình chỉ, thì tôi cũng đã định viết đôi dòng nhưng rồi lại không viết nữa, vẫn bởi những lý do trên. Nhưng bắt đầu từ hôm qua, khi đọc bản thảo thiên phóng sự của nhà báo Hoàng Anh Sướng (Nhà tù Phú quốc- "Địa ngục trần gian” với những người cộng sản), tôi lại bị rung động mạnh bởi những người cộng sản các thế hệ trước. Bất giác, tôi lại nghĩ đến anh hùng Trần Ngọc Sương, và cha bà, anh hùng Trần Ngọc Hoằng, và nông trường sông Hậu ngày xưa, một đơn vị cũng là anh hùng.
Lần đầu tôi biết bà là năm 2003, khi đó Nông trường Sông Hậu cũng “dính” vào một vụ thanh tra. Theo kết luận thanh tra, chiếu với pháp luật hiện hành, nông trường này đã mất khả năng thanh toán, có thể phá sản bất kỳ lúc nào. Nguy cơ bà Ba Sương rơi vào vòng lao lý đã hiển hiện. Lúc ấy báo Nhân dân và Đài TNVN vào cuộc. Tôi được giao nhiệm vụ tìm hiểu để viết bài về vụ việc này. Sau đó, nhờ sự can thiệp của rất nhiều người đức cao vọng trọng, cùng công luận, trong đó có một bài của nhà báo Nguyễn Kiến Phước trên báo Nhân dân, và chắc cũng có một phần nhỏ từ loạt bài trên VOV, nông trường này đã qua được sóng gió.
Cùng thời điểm đó, cả nước có khoảng 1.000 nông - lâm trường quốc doanh, nhưng hầu hết làm ăn chật vật, thậm chí chỉ còn tồn tại trên giấy tờ. Chỉ có hai đơn vị trụ vững và phát triển được, đó là Nông trường sông Hậu (TP. Cần Thơ) và Nông trường mía đường Lam Sơn (Thanh Hóa - đến lúc đó đã chuyển đổi mô hình kinh doanh thành Công ty cổ phần).
Tôi đã đọc rất nhiều bài báo, công trình nghiên cứu, nghe nhiều chuyên gia và cán bộ địa phương nói về mô hình này, nhưng khi đến nơi, gặp bà Ba Sương và những người đang làm việc ở nông trường, tôi vẫn không khỏi ngạc nhiên bởi sự giản dị, sức sống và sức hấp dẫn của mô hình doanh nghiệp giàu tính cộng đồng này.
Đến nhiều nông lâm trường, nhưng ít thấy ở đâu mọi người làm việc chuyên cần, mẫn cán, thái độ hồn hậu, chân tình ấm áp như ở đây. Cũng chưa thấy ở đâu phong cách làm việc và đặc biệt là tiếp khách giản dị, tiết kiệm như ở nông trường này. Cơ ngơi của trụ sở nông trường là những dãy nhà cấp 4 sạch sẽ, nối liền nhau chạy dọc bờ kênh có vẻ không phù hợp với một đơn vị mà doanh số kinh doanh hàng năm đạt trên cả ngàn tỷ đồng. Đặc biệt đấy lại là một doanh nghiệp thuần túy nông nghiệp. Đây là một văn hóa kinh doanh không dễ tạo dựng được nếu chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận lên trên hết.
Sẽ không có nông trường sông Hậu như chúng ta đã biết nếu không có tính cách quyết liệt, dám nghĩ dám làm, vượt lên lối tư duy đương thời của Anh hùng Trần Ngọc Hoằng và Anh hùng Trần Ngọc Sương. Nhiều gia đình nông dân vốn tứ cố vô thân, không tấc đất cắm dùi sẽ không có một cuộc sống ổn định và khá giàu nếu không có sự bao chứa đầy tình người của Nông trường sông Hậu. Ở khắp nơi trong nông trường và ở đồng bằng sông Cửu Long, người ta ngưỡng mộ, yêu quí, vị nể và cả ganh ghét với bà. Điều này bà Ba Sương biết rõ.
Lúc ấy khi chiếc áo nông trường đã quá chật với đơn vị này, bà vẫn say mê nói về dự định xây dựng một doanh nghiệp đậm chất xã hội chủ nghĩa, ở nơi mà người lao động được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển.
Tôi đã từng đi cùng bà trên một chuyến xe xuyên đêm từ Cần Thơ lên Sài Gòn rồi ngược lại. Ăn bụi dọc đường, ngủ trên xe là nếp sinh hoạt thường xuyên của bà. Bà vừa nằm ôm gối trên ghế sau, vừa kể lể, tranh luận đủ thứ chuyện xoay quanh cái mô hình kinh doanh mà bà mơ ước. Có những khi xúc động vì bị dồn ép, bất lực, cô đơn...bà khóc nấc lên... Cái chất giọng manh mảnh, yếu ớt của bà bị chìm đi trong những âm thanh về đêm của vùng châu thổ.
Tôi đã từng đến ngôi nhà của nông trường mua ở TP.HCM mà bà bị yêu cầu dọn đi khi nghỉ hưu và bị khởi tố, ở đấy bà chia sẻ dự định khi về hưu sẽ tìm cách mở một xưởng làm kẹo nhỏ lấy tiền sống qua ngày.
Cách tính toán và cách sống đạm bạc của bà rõ ràng là không ổn và cũng có điều gì đó không hợp thời.
Từ đầu năm 2000, đã có nhiều dự định lấy một phần đất của nông trường để làm khu đô thị và khu công nghiệp. Hơn 7.000 ha đất của nông trường, trong đó có một phần nằm dọc quốc lộ, rõ ràng là đất vàng khiến nhiều người thèm muốn. Đã có người khuyên bà nhân cơ hội này tìm cách cơ cấu lại nợ, chuyển đổi nhanh mô hình kinh doanh cho hợp thời nhưng bà nhất định không nghe. Bà cứ cố giữ lại cho nông trường để xây dựng một tổ hợp nông nghiệp - thủy sản cho chính những cư dân ở đây. Dự định đó cho đến bây giỡ, rõ ràng là còn dang dở...
Hồi tôi đến nông trường sông Hậu, trong dãy nhà làm việc của nông trường, có một phòng tập thể dành để đặt bàn thờ anh hùng Trần Ngọc Hoằng, cha bà, một cựu binh đã một tay cùng bà con, anh em khai phá và tạo dựng nên nông trường này. Liệu lúc đó, bà Ba Sương có tính chuyện sau này, khi đã về nghỉ hưu, bà sẽ thờ cha mình ở đâu?
Sự đúng – sai, tốt-xấu… suy cho cùng là do quan niệm của con người. Kể cả pháp luật cũng do con người làm ra và áp dụng. Có khi đúng, có khi sai, có khi là phù hợp hoặc có khi đã qúa cũ kỹ so với cuộc sống tươi xanh. Như thế, chúng ta sẽ còn phải bàn bạc, tranh luận nhiều về bà Trần Ngọc Sương và mô hình doanh nghiệp XHCN mà cha, con bà đã ôm mộng tìm cách hiện thực hóa.
Riêng tôi, tôi cảm thấy bà đại diện cho một thế hệ những người đã dấn thân là đi hết mình, chấp nhận mọi khó khăn, thách thức, thậm chí là sự hy sinh cho những điều mà họ đã tin. Có lắm khi, những con người như thế, những việc làm và hành động của họ, ngay đến cả đồng chí, đồng đội, thậm chí là người ruột thịt, cũng không hiểu và không thông cảm được.
Chẳng ai, ngoài bà, có thể thấu được những mất mát, đau đớn, đổ vỡ mà bà đã nếm trải. Để vượt lên được, người ta phải có niềm tin ghê gớm lắm.
Đúng hôm bà nhận quyết định đình chỉ vụ án, tôi đắn đo mãi mới bấm máy gọi bà, định bụng sẽ chia sẻ với bà một điều gì đó. Nhưng bà đã tắt máy. Một người như thế, đã đi một chặng đường thậm xa và khó khăn đến thế, đâu cần nghe thêm một câu gì vào những thời điểm như thế nữa./.