Cần thái độ đúng đối với dịch virus corona chủng mới khôn lường
VOV.VN - Dịch viêm hô hấp do virus corona đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu, đòi hỏi mỗi quốc gia, mỗi con người phải xác định thái độ đúng đắn, hợp lý.
Dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona tiếp tục hoành hành ở Trung Quốc và trên thế giới. Theo số liệu thống kê công bố vào sáng 3/2/2020, đã có 361 người tử vong vì bệnh này trên toàn thế giới (gồm 360 người ở Trung Quốc đại lục). Số ca nhiễm virus này cũng tăng vọt lên mức 17.200 trên toàn cầu (Trung Quốc chiếm 16.577 trường hợp). Bệnh dịch do virus corona từ thành phố Vũ Hán đã truyền nhiễm ra nhiều địa phương của Trung Quốc và hàng chục nước trên thế giới.
Việt Nam chủ động ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới gây ra và bùng phát mạnh trên thế giới vào đầu năm 2020. Ảnh: VOV. |
Dịch tân corona lần này nguy hiểm ở chỗ nó có khả năng lây từ người sang người, thời gian ủ bệnh dài và có thể lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh, lây qua đường thở (rất nhanh và ai thì cũng cần thở, không thể nhịn thở lâu). Đã vậy trong thời gian đầu, Trung Quốc phản ứng có phần chậm chạp khiến bệnh lây nhanh và phát tán rộng. Lãnh thổ rộng lớn và dân số đông của Trung Quốc (về dân số và diện tích, đất nước này có thể coi như tương đương một châu lục) khiến cho Trung Quốc gặp khó khăn hơn trong việc ngăn chặn dịch bệnh một khi nó bùng phát.
Trước tình hình đó, tâm lý hoang mang sợ hãi đã xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Cuộc chiến chống dịch corona chủng mới đã trở thành trận chiến chung cấp bách hiện nay của toàn nhân loại.
Để đối phó hiệu quả với đại dịch này, mỗi nước và mỗi công dân đều nên xác định thái độ đúng đắn và hợp lý. Chúng ta phải hết sức cảnh giác nhưng cũng đồng thời phải thật bình tĩnh, tránh những thái cực có thể ảnh hưởng đến cuộc chiến chung này.
Trước tiên, mỗi người nên có thái độ cảnh giác cần thiết đối với dịch bệnh corona. Dịch corona mới (nCoV) đã thực sự thành con quái vật cướp đi sinh mạng của hàng trăm người chỉ trong một thời gian ngắn. (Ban đầu ở Trung Quốc sau mỗi đêm có thêm khoảng 20 người tử vong vì tân virus corona, đến nay sau mỗi đêm là thêm khoảng 50 người chết. Con số tổng 360 là đã vượt số người thiệt mạng ở đại lục Trung Quốc do dịch bệnh SARS vào các năm 2002-2003.) Mỗi người phải phát huy tinh thần trách nhiệm vừa với bản thân vừa với xã hội. Bắt đầu từ những việc đơn giản nhất như đeo khẩu trang khi ra đường hay tới nơi công cộng có đông người – điều này hạn chế lây nhiễm cho chính mình và cho cả người khác. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đừng ngại xấu hay bất tiện khi phải đeo thêm khẩu trang.
Nhưng cảnh giác phải đi đôi với bình tĩnh. Có bình tĩnh mới tỉnh táo ở cả cấp vĩ mô (quản lý, chỉ đạo) lẫn vi mô (người dân thực hiện). Nếu hoảng loạn, có thể dẫn đến những hậu quả khó lường như người dân đổ xô tới bệnh viện chỉ vì những dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, nhức đầu... nhẹ nhất, khiến bệnh viện bị quá tải. Mà một khi bệnh viện quá tải, sẽ có những ca nhiễm thật không được điều trị và có những bệnh nhân khác tử vong vì những bệnh chết người khác do mọi người lo tập trung vào corona. Đấy là chưa kể bản thân môi trường bệnh viện cũng có sẵn nhiều virus, vi khuẩn.
Trong tình hình khẩn cấp như hiện nay, vấn đề minh bạch là rất quan trọng. Thông báo khách quan, trung thực về tình hình dịch bệnh để người dân biết và thực hiện biện pháp phòng ngừa đúng đắn và kịp thời. Việc ỉm các thông tin hữu ích sẽ chỉ làm dịch bệnh diễn biến thêm phức tạp.
Nhưng mặt khác, cả chính quyền và người dân phải phối hợp tích cực đấu tranh chống các tin giả (fake news) lan tràn trên mạng xã hội, đồng thời lên án những kẻ đứng sau các tin giả đó. Tung tin giả không phải là minh bạch hóa hay dân chủ hóa. Tin giả về dịch bệnh vừa gây hoang mang vừa gây hiểu lầm về dịch bệnh. Vừa rồi tin giả về dịch corona xuất hiện ở cả Việt Nam và trên thế giới. Tựu trung lại, tin giả đó trên mạng xã hội có mấy mục đích sau: 1- Bán hàng; 2- câu view (lượt truy cập), câu like (lượng thích); 3- đùa giỡn bệnh hoạn; và 4- phá hoại, gây bất ổn chính trị và xã hội.
Một hiện tượng tiêu cực nữa là sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người đến từ vùng dịch. Thái độ cảnh giác và hoạt động cách ly là cần thiết nhưng kỳ thị là điều không tốt, thậm chí nguy hiểm. Việc kỳ thị vừa trái với nguyên tắc nhân văn, vừa dẫn tới những hậu quả xấu khó lường như người nhiễm (hoặc có nguy cơ nhiễm) virus corona sẽ tránh thăm khám để giấu bệnh hoặc thậm chí thực hiện các biện pháp cực đoan để “trả thù đời”, khiến dịch bệnh càng thêm trầm trọng.
Hiện tượng đầu cơ đẩy giá đối với mặt hàng khẩu trang trong thời gian qua cũng cần sự nghiêm trị của nhà nước và sự tẩy chay của đông đảo người dân.
Việt Nam chúng ta nằm sát Trung Quốc - ổ dịch tân virus corona, lại có đường biên dài với nước này và có quan hệ sâu rộng với họ trên nhiều lĩnh vực nên nguy cơ lây dịch từ Trung Quốc là khá cao. Tuy nhiên chúng ta đã có nhiều kinh nghiệm quý giá từ ứng phó đại dịch SARS trước đây. Diện tích và dân số nước ta ở mức tối ưu, không quá nhỏ như Singapore, lại không quá lớn như Trung Quốc, nên nước ta sẽ có khả năng ứng phó vừa linh hoạt vừa chắc chắn trước dịch corona mới.
Hơn nữa, Việt Nam có kinh nghiệm nhiều năm trong việc huy động nguồn lực mọi mặt để đối phó với các biến cố lớn.
Vì vậy mỗi người dân Việt Nam chúng ta có thể tin tưởng vào sự chỉ đạo của chính quyền khi ứng phó với dịch bệnh. Điều quan trọng là mỗi công dân phải phát huy tinh thần trách nhiệm và ý thức kỷ luật trong tuân thủ các hướng dẫn của chính quyền và cơ quan chức năng về phòng chống dịch bệnh viêm đường hô cấp do chủng mới của virus corona, góp phần hạn chế tối đa tác hại của dịch bệnh, nhanh chóng tiến tới khống chế và xóa bỏ dịch này./.
Cùng một tác giả: