Chính nghĩa không thuộc về chế độ “Việt Nam Cộng hòa”
VOV.VN - 30/4 là đại thắng vinh quang và đường hoàng của cả dân tộc. Thế nhưng một số người ở hải ngoại vẫn chưa thấu hiểu điều này.
Cứ đến dịp lễ 30/4 hàng năm, người dân Việt Nam lại phấn khởi kỷ niệm chiến thắng chung của toàn dân tộc trước các thế lực ngoại xâm – chiến thắng vĩ đại đã giúp non sông thu về một mối. Chiến thắng này đã nối tiếp chiến thắng Điện Biên Phủ cũng như các chiến thắng hào hùng khác của cha ông ta thời Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền,…
Mặc dầu vậy, một bộ phận nhỏ người gốc Việt sống ở nước ngoài lại hậm hực coi dịp 30/4 là “ngày hận, tháng đen” và tổ chức kỷ niệm sự kiện này theo cách riêng của họ. Có lẽ do chưa thấm hết lịch sử Việt Nam hoặc bị các thế lực hắc ám nào đó lừa phỉnh nên họ vẫn coi cuộc kháng chiến chống Mỹ như một cuộc nội chiến. Theo họ, cái chính thể mang tên “Việt Nam Cộng hòa” là hoàn toàn hợp pháp và sự sụp đổ của chế độ đó là do sự “cưỡng chiếm” từ miền Bắc.
Trước các luận điệu hoặc ngộ nhận này, chúng ta cần nhìn lại lịch sử và làm một cuộc “giải phẫu” chế độ Việt Nam Cộng hòa cùng hai công cụ bạo lực của nó là Quân lực Việt Nam Cộng hòa và Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa để thấy rõ bản chất của nó và những sự thật mười mươi.
Chính quyền bất hợp pháp
Có thể nói, ngay từ đầu, chính thể “Việt Nam Cộng hòa” đã không có một cơ sở pháp lý vững vàng nào. Mãi tới tận năm 1955 nó mới ra đời và ra đời một cách bất hợp pháp trên nửa lãnh thổ phía nam của Việt Nam như một “sáng tạo” thuần túy của người Mỹ nhằm theo đuổi các mục tiêu phản ánh lợi ích riêng của họ (thị trường Đông Nam Á, gia tăng ảnh hưởng ở vị trí chiến lược, ngăn chặn làn sóng xã hội chủ nghĩa…).
Trong khi đó Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập một cách chính danh trên toàn lãnh thổ Việt Nam vào năm 1945 sau cuộc Cách mạng tháng Tám của muôn triệu con dân đất Việt trước khi bất kỳ một lực lượng quân Đồng minh nào vào giải giáp quân Nhật. Ngay trong năm 1946, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tiến hành tổng tuyển cử bầu Quốc hội theo chế độ phổ thông đầu phiếu trên toàn quốc với sự tham gia của đông đảo đồng bào và đã có bản Hiến pháp đầu tiên được thông qua – hai sự kiện này đặt cơ sở pháp lý vững chắc cho nhà nước dân chủ mới khai sinh. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ban hành những sắc lệnh, những văn bản pháp lý đầu tiên khẳng định nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ từ Bắc chí Nam.
Không những vậy, sau năm 1954 nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, dù đang trên thế thắng về mặt quân sự (với trận Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu) vẫn chấp nhận một cuộc tổng tuyển cử sòng phẳng trên tinh thần hòa hợp để thống nhất đất nước đang tạm thời bị chia cắt. Tuy nhiên cả phía Mỹ và cái gọi là Việt Nam Cộng hòa đều kiên quyết từ chối thiện chí đó!
Theo Hiệp định Geneva, Việt Nam chỉ tạm thời bị chia cắt làm 2 miền, giới tuyến quân sự chỉ là tạm thời và không phải là biên giới quốc gia. Theo Hiệp định này, hai bên sẽ tiến hành hiệp thương để thống nhất đất nước trong năm 1956.
Tuy nhiên ông Ngô Đình Diệm - do CIA (Mỹ) “tìm thấy” và đưa về Việt Nam làm Thủ tướng của chính phủ bù nhìn Bảo Đại - đã tuyên bố không có tổng tuyển cử gì hết, trắng trợn vi phạm Hiệp định Geneva, và đi ngược lại nguyện vọng thống nhất của dân tộc.
Thời đó, người Mỹ và phe cánh của ông Diệm lo sợ uy tín to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Việt Minh và Đảng Lao động Việt Nam và tin rằng nếu tiến hành bầu cử tự do, Hồ Chí Minh sẽ giành được tới 80% số phiếu. Do vậy ông Diệm với sự giúp đỡ của người Mỹ đã phải sử dụng nhiều “mưu hèn kế bẩn” để củng cố quyền lực của mình (với tư cách là Thủ tướng), rồi gian lận trong cuộc “trưng cầu dân ý” để hạ bệ luôn Quốc trưởng Bảo Đại, dựng lên “Việt Nam Cộng hòa” với Diệm làm Quốc trưởng và sau đó là Tổng thống. Tiếp đó, ông Diệm áp dụng nhiều chiêu thức man rợ để tàn sát những người kháng chiến cũ và những người yêu nước chân chính, khủng bố tinh thần của nhân dân, củng cố chính quyền phản động của mình, công khai phá hoại Hiệp định Geneva, mưu đồ chia cắt lâu dài đất nước.
Sau khi đã củng cố vững chắc chính quyền, Ngô Đình Diệm đã cho tiến hành “cải cách điền địa” với nội dung ngược với “cải cách ruộng đất” (mục tiêu dân cày có ruộng) mà cách mạng đã tiến hành trước đó. Với “cải cách điền địa”, ông Diệm đã tước đoạt đất đai của nông dân và khôi phục lại giai cấp địa chủ, tạo thêm chỗ dựa xã hội cho chế độ. Cho nên, sau này dù có mị dân đến mấy, chính quyền này cũng không giành được sự ủng hộ ở nông thôn.
Về bản chất chính trị, “Việt Nam Cộng hòa” đại diện cho các tầng lớp tư sản mại bản và phong kiến thân Mỹ.
Nền tảng trực tiếp cho sự ra đời của Việt Nam Cộng hòa là chính thể “Quốc gia Việt Nam” (1949-1955) – đây là một chế độ bù nhìn do Pháp lập nên trong thời kỳ kháng Pháp và do cựu hoàng Bảo Đại (mất ngôi hoàng đế sau Cách mạng tháng Tám) làm quốc trưởng. Quốc kỳ “ba que” của Việt Nam Cộng hòa cũng chính là quốc kỳ của “Quốc gia Việt Nam” được Pháp “trao trả độc lập”.
Như vậy, ngay từ đầu, chính thể này đã phạm nhiều tội ác và mang “gene” Việt gian rất rõ nét, từ “từng lỗ chân lông” của mình. Bước chuyển từ “Quốc gia Việt Nam” sang “Việt Nam Cộng hòa” là bước chuyển từ làm tay sai cho thực dân Pháp sang làm tay sai cho đế quốc Mỹ.
Theo thời gian, chính thể Việt Nam Cộng hòa ngày càng thối nát với tệ nạn tham nhũng, các cuộc đấu đá nội bộ và các cuộc đảo chính quân sự. Chế độ này không đại diện cho dân tộc và trên thực tế đã bị nhân dân và lịch sử quay lưng lại.
Còn tính chính danh của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là rất cao, nên Mỹ không thể lấy cớ để lôi kéo quân của Liên Hợp Quốc vào lãnh thổ Việt Nam tham chiến như đã từng xảy ra trên bán đảo Triều Tiên.
Quân đội, cảnh sát mang gốc gác thực dân
Chính thể Việt Nam Cộng hòa là phi pháp nên các công cụ bạo lực của nó cũng chỉ là lực lượng phản dân hại nước, đang tâm làm tay sai cho các thế lực ngoại bang.
Quân lực Việt Nam Cộng hòa thường khoe là chiến đấu cho tự do. Tuy nhiên quân đội này lại phát xuất từ chính lực lượng ngụy quân đã sát cánh bên quân đội viễn chinh Pháp dưới lá cờ tam tài! Đa phần các tướng lĩnh cao cấp của quân đội Sài Gòn đều đã từng phục vụ trong quân đội Pháp hoặc quân đội “Quốc gia Việt Nam” của Bảo Đại để bảo vệ nền thống trị của người Pháp ở Đông Dương. Viên tướng tư lệnh Phạm Văn Phú, kẻ đã bại trận thảm hại tại chiến trường Tây Nguyên năm 1975, cũng từng là lính Việt chiến đấu hăng hái bên các chiến hữu Pháp tại Điện Biên Phủ năm 1954. Tại Điện Biên, ông Phạm Văn Phú khi đó si mê hát Quốc ca Pháp, hô hào các binh sĩ ngụy khác đánh trả quân Việt Minh của tướng Võ Nguyên Giáp.
Cái gọi là “Cảnh sát Quốc gia” của chế độ ngụy cũng không hơn. Nó bắt nguồn từ lực lượng cảnh sát và mật thám của Pháp tại Đông Dương từ năm 1946. Tướng Nguyễn Ngọc Loan - Tổng Giám đốc Cảnh sát Quốc gia ngụy, kẻ đã dùng súng lục bắn thẳng vào đầu một tù binh cộng sản ngay trước ống kính máy ảnh và máy quay phim của phóng viên ngoại quốc trên đường phố Sài Gòn năm 1968 - xuất thân là quân nhân trong quân đội Liên hiệp Pháp.
Đến khi đổi chủ, hai lực lượng này lại hết lòng với các quan thầy Mỹ. Dù người ta có ngụy biện đến thế nào cũng không thể phủ nhận bản chất tay sai của quân đội và cảnh sát ngụy.
Cả quân lực và cảnh lực ngụy đã tham gia vào những chiến dịch “diệt cộng” rất dã man, trên tinh thần “thà giết nhầm còn hơn bỏ sót”. Thời Diệm, với luật 10/59, máy chém được lê khắp miền Nam để chặt đầu người cộng sản và làm họ lung lạc ý chí.
Trong “cuộc chiến vì tự do”, quân lực Việt Nam Cộng hòa đã sát cánh và tiếp tay cho “ông chủ” của mình là quân viễn chinh Mỹ - những kẻ đã phạm nhiều tội ác phi nhân tính như hãm hiếp phụ nữ Việt Nam, thảm sát dân thường (tiêu biểu có trường hợp Mỹ Lai), sử dụng chất độc da cam, sử dụng bom napalm và các loại bom chùm có sức sát thương tàn bạo…
Với những đòn nhục hình gần như chỉ để triệt hạ các tù binh cộng sản (đóng đinh vào đầu, đục răng, đục xương bánh chè, luộc sôi người, đốt cơ quan sinh dục…), nhà tù Phú Quốc - địa ngục trần gian do quân đội Sài Gòn tạo ra (sau khi học hỏi kinh nghiệm của chuyên gia Mỹ) - là minh chứng hùng hồn cho những vi phạm nhân quyền và những tội ác kiểu trung cổ trời không dung đất không tha của chế độ ngụy.
Quân đội ngụy hoàn toàn được đào tạo theo lối Mỹ, được trang bị cực tốt và đầy đủ, có hỏa lực mạnh và sức cơ động cao, hoạt động cực kỳ tốn kém theo kiểu Mỹ và bằng ngân sách Mỹ. Đã vậy, khi tác chiến quân đội Sài Gòn còn nhận được sự cố vấn của chuyên gia quân sự Mỹ và sự hỗ trợ tối đa về hỏa lực và hậu cần từ phía quân đội Mỹ. Nói cách khác, quân đội Sài Gòn là một đội quân đánh thuê cho đế quốc Mỹ và được Mỹ ưu ái đầu tư bài bản.
Tuy nhiên, có một thứ mà chính người Mỹ cũng thừa nhận là họ không thể mang đến cho Quân lực Việt Nam Cộng hòa được – đó là tinh thần chiến đấu quả cảm và sự mưu trí sáng tạo.
Với bản chất đánh thuê (và cả chết thuê nữa), quân đội Sài Gòn hoàn toàn phụ thuộc vào Mỹ, thiếu lý tưởng, không thể đại diện cho dân tộc Việt Nam và cũng không thể kế thừa truyền thống quân sự của dân tộc. Đến khi Mỹ rút viện trợ và ngưng yểm trợ thì quân đội này (cùng với chính thể Việt Nam Cộng hòa) suy sụp nhanh chóng, không còn biết “đánh đấm gì nữa”, chẳng khác nào “bệnh nhân bị rút ống thở”.
>> Xem thêm: Chủ nghĩa dân tộc Việt Nam
Trong đợt tổng công kích của quân giải phóng năm 1972, quân ngụy Sài Gòn trụ vững được phần lớn là nhờ Hoa Kỳ đã yểm hộ tối đa cho họ bằng phi pháo và oanh tạc cơ chiến lược B-52. Đến năm 1975, khi bị người Mỹ bỏ rơi thì họ đã không thể chống đỡ nổi các đòn tiến công dũng mãnh của quân giải phóng. Sau khi trúng đòn điểm huyệt ở Buôn Ma Thuột, dù lực lượng vẫn đông và vũ khí còn nhiều (hơn hẳn quân giải phóng) nhưng quân đội ngụy ở Tây Nguyên đã nhanh chóng rã đám do thiếu mưu lược và do sĩ quan của họ chỉ mải lo cho gia đình mình và di tản một cách hỗn loạn, khiến thế trận của ngụy quyền ở toàn bộ Tây Nguyên sụp đổ.
Một số kẻ cố bào chữa cho ngụy quyền Sài Gòn, cho rằng nếu quân đội Sài Gòn đánh thuê cho Mỹ thì quân đội nhân dân Việt Nam hoạt động theo chỉ đạo của Liên Xô.
Vế thứ 2 của luận điệu trên là hoàn toàn không đúng. Vì Đảng Cộng sản Việt Nam luôn giương cao và kết hợp nhuần nhuyễn hai ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Quân đội Nhân dân Việt Nam trân trọng sự giúp đỡ quý báu của nhân dân các nước XHCN nhưng không bao giờ ỷ lại vào đó. Trong tác chiến, quân đội nhân dân Việt Nam có tham khảo kinh nghiệm và lý luận quân sự của nước khác nhưng là trên tinh thần độc lập tự chủ, tự lực cánh sinh, xuất phát từ thực tiễn dân tộc và đất nước (trường hợp thay đổi phương châm tác chiến tại Điện Biên Phủ là một ví dụ điển hình). Và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng không để cho quân đội nước bạn nào vào lãnh thổ để tham chiến bên cạnh mình. Trong khi đó, Việt Nam Cộng hòa đã để cho nửa triệu quân Mỹ và nhiều quân chư hầu của Mỹ vào giày xéo đất nước.
Nếu xét về viện trợ thì những gì mà Liên Xô và Trung Quốc cung cấp cho Quân đội Nhân dân tuy lớn nhưng đâu thấm tháp so với khối lượng khổng lồ tiền bạc, vũ khí và quân cụ mà Mỹ đổ vào quân đội Sài Gòn. Nên nhớ, trong hoàn cảnh thời đó, mức lương của một sĩ quan ngụy rất cao, đủ nuôi sống cả gia đình họ.
Tất nhiên, Quân lực Việt Nam Cộng hòa bao gồm những người con đất Việt máu đỏ da vàng, mang trong mình các nét văn hóa Việt. Tuy nhiên họ đã không phát huy được sức mạnh của văn hóa và truyền thống tổ tiên, vì họ đã sống trong môi trường tha hóa và thiếu chính danh của Việt Nam Cộng hòa, đã lầm đường lạc lối, đã bị lừa dối, bị ép buộc, hoặc đơn giản là hành động chỉ vì miếng cơm manh áo.
Lòng dân
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lòng dân luôn hướng về Đảng Cộng sản Việt Nam, cả ở miền Bắc lẫn miền Nam.
Trong suốt thời gian tồn tại của mình, dù nhiều lần hô hào Bắc tiến nhưng quân đội Sài Gòn chưa bao giờ có khả năng đưa lục quân ra miền Bắc XHCN, ngược lại họ luôn trong thế phòng ngự.
Trong thời kỳ 1955-1975, không có một quân đội thứ 2, một chính quyền thứ 2 ở miền Bắc, cũng không có biểu tình và các lực lượng chống đối ở miền Bắc. Nếu có thì đó chỉ là các toán gián điệp-biệt kích do Mỹ-ngụy tung ra Bắc nhưng các nhóm này đều nhanh chóng bị cơ quan an ninh cách mạng bắt gần như toàn bộ với sự trợ giúp của quần chúng. Điều duy nhất Mỹ-ngụy có thể làm là đưa máy bay vượt vĩ tuyến 17 ném bom phá hoại miền Bắc XHCN, giết hại dân thường.
Trong khi đó, ở miền Nam dưới ách Mỹ-ngụy, liên tục diễn ra các cuộc biểu tình của dân chúng, của Phật giáo, sinh viên, trí thức, ký giả…, các hoạt động đấu tranh vũ trang rộng khắp của quần chúng phá thế kìm kẹp ở nông thôn (như phong trào đồng khởi ở Bến Tre và toàn Nam bộ).
Nằm ngay cửa ngõ Sài Gòn là khu “đất thép” Củ Chi của các du kích và quân giải phóng miền Nam, tồn tại bao năm như cái gai thách thức chế độ Mỹ-ngụy, những kẻ đã trút xuống đó vô số bom đạn và mở nhiều cuộc càn quét sử dụng các loại vũ khí tối tân nhưng không tài nào khuất phục được ý chí của quân dân Củ Chi.
Cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968 đã giáng một đòn mạnh vào Mỹ-ngụy, làm cho Mỹ nhận ra rằng họ không thể thắng ở miền Nam Việt Nam, đồng thời chỉ cho thế giới thấy chính thể Việt Nam Cộng hòa mất lòng dân đến mức nào.
Vì rõ ràng, những người cộng sản không thể tiến hành một cuộc tấn công đồng loạt, rộng khắp và mãnh liệt trong thời gian dài như vậy (trên toàn đô thị miền Nam, trong điều kiện hết sức khó khăn) nếu thiếu sự che chở bao bọc của đông đảo nhân dân.
Nếu cái gọi là Việt Nam Cộng hòa thực sự hợp lòng dân, được nhân dân ủng hộ thì có lẽ sẽ không xuất hiện Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam (vào năm 1960), cùng với lực lượng Quân Giải phóng miền Nam (năm 1961), rồi sau đó là chính phủ Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (vào năm 1969) ngay trên phần đất của miền Nam Việt Nam, với nhân lực chính là người miền Nam, nói giọng miền Nam. Như vậy ở phía nam vĩ tuyến 17 đã hình thành 2 vùng kiểm soát với 2 quân đội tương ứng, khiến cho tính hợp pháp và chính danh của chế độ Việt Nam Cộng hòa vốn đã kém lại càng bị thách thức nghiêm trọng.
Thậm chí ngay cả ở những vùng Mỹ-ngụy chiếm giữ, vẫn tồn tại song song hai hệ thống chính quyền, hai lực lượng. Một bên là chế độ ngụy công khai, một bên là các đảng bộ cộng sản cùng các đơn vị công an và bộ đội địa phương hoạt động ngầm tương ứng với các đơn vị hành chính. Ý Đảng luôn thống nhất với lòng dân, các đảng viên kiên định bám sát quần chúng như cá với nước. Địch phải liên tục đối phó với chiến tranh nhân dân và thế trận an ninh nhân dân ở khắp nơi. Ngay giữa Sài Gòn, kẻ địch thường xuyên phải căng thẳng vì những trận đánh xuất quỷ nhập thần của biệt động Sài Gòn (thuộc quân đội nhân dân) và lực lượng an ninh T4 (thuộc công an nhân dân).
Hệ thống cảnh sát ngụy dù dày đặc và rất hung hãn nhưng không thể cản ngăn phong trào đấu tranh của quần chúng, không thể bắt hết cán bộ cách mạng được nhân dân bảo vệ. Ngược lại, chính lực lượng tình báo cách mạng đã xâm nhập hết sức hiệu quả vào bộ máy an ninh tình báo ngụy và hệ thống chính quyền ngụy, kể cả ở cấp cao nhất.
Trước giờ cáo chung, ngụy quyền còn tuyên truyền quân giải phóng sẽ dìm Sài Gòn trong biển máu. Nhưng cuối cùng thì không có cuộc tắm máu nào như thế cả. Ngược lại, những người hạ vũ khí về với nhân dân đã nhận được sự khoan hồng của cách mạng. Các hình ảnh do chính phóng viên ảnh và quay phim nước ngoài ghi lại đã cho thấy quần chúng hồ hởi đón chào quân giải phóng đến nhường nào trong trưa 30/4/1975 tại Sài Gòn.
Như vậy, có thể khẳng định một cách chắc chắn rằng cuộc Chiến tranh Việt Nam 1955-1975 không phải là nội chiến mà là cuộc kháng chiến chính nghĩa do toàn dân tiến hành chống lại ngoại xâm và tay sai của ngoại bang./.
Xem thêm: