Chuyện về những đảng viên thời chiến, nhớ lại ứa nước mắt!
VOV.VN - Tụi tôi may mắn, sống chết bên nhau cũng vì nhiều Đảng viên có một phẩm chất làm thứ hồ gắn kết nhau, mà tạo nên sức mạnh đồng đội, đồng chí...
Thực ra cho tận tới khi 17 tuổi, học ôn thi lớp 10 (12 bây giờ), tôi hiểu biết gần như bằng không về từ Đảng.
Sau sự kiện vịnh Bắc Bộ, chiến tranh bấy giờ loang ra trên miền Bắc. Bom Mỹ dội ùng oành ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh, Thanh Hóa. Ì oằm tiếng rền vang vọng về Hà Nội. Triển lãm máy bay rơi ở khu triển lãm Vân Hồ, xác những máy bay siêu thanh bay với tốc độ hơn 1000 cây số giờ. Những nòng súng 20 ly 6 nòng còn đen bóng, có khẩu ở cánh AD 6 thò ra nhây nhẫy cong queo. Trong xác máy bay siêu thanh Con Ma (F4 Phantom II), Thần Sấm (F-105 Thunderchief) tôi ngửi thấy mùi thử thách cận kề.
Tôi đã xác định, thi cấp III xong, sẽ tòng quân, bước vào quân đội.
Khi ấy, tôi không biết rõ, để định dạng sâu sắc rằng, Đảng viên là phải thế nào. Vì tôi đi học, lớn lên trong một gia đình cậu tôi (cha) là trí thức, mợ tôi là nội trợ, cả nhà chưa ai là Đảng viên. Học ở nhà trường Trưng Vương III B, cũng không biết thày nào, cô nào là Đảng viên. Không biết ai là Đảng viên, thì không biết, không tường rằng, chân dung Đảng viên cần có những nội hàm gì, như thế nào?
Đọc truyện hay nghe đài, cũng không quan tâm lắm về Đảng. Đảng viên thời bấy giờ với một học trò như tôi, vẫn là những giá trị mơ hồ.
Người Đảng viên đầu tiên tôi biết là cụ Điện. Cụ là bí thư chi bộ Tiểu khu Phố Huế (nay đơn vị hành chính này là Phường). Cụ rất già trong mắt tôi khi ấy. Râu dài cước đen lẫn bạc, tóc bạc, đi lại thong dong trong khu chợ Giời. Những dãy phố nghèo, ẩm thấp, đa phần là dân lao động.
Cụ Điện là cán bộ tập kết sau hiệp định Geneva, nói giọng miền Nam Trung bộ trọ trẹ rất khó nghe, cổ luôn có cái khăn rằn khi mùa Đông về. Mợ tôi là Trưởng ban phụ nữ tiểu khu. Cụ Điện thi thoảng sang bàn công việc. Biết cậu tôi là trí thức Tây học, tốt nghiệp Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương, nên sau khi trò chuyện công việc với mợ tôi, cụ sang phòng vẽ của cậu tôi đàm đạo.
Thi thoảng hai ông lại đệm cả Pháp văn trong các câu chuyện của họ. Có khi tôi nghe lỏm, thấy họ thích thú điều nào đó. Nghe sang, thấy có lúc, cụ cười rung cả hàm râu cước bạc. Chuyện với một trí thức Boda, có gì thú vị?! Thấy tôi treo cái bao cát tập quyền anh, lại nghe cậu tôi kể: “Cháu nó quyết đi bộ đội vì bom Mỹ ném quanh Hà Nội”.
Cụ Điện gọi tôi đến bên bàn hai ông già, ngỏ lời ngay trước mặt cậu tôi, mời tôi sang nhà để dạy võ. Tôi nhìn sang cậu tôi thăm dò. Cậu tôi cười, con nên sang cho cụ Điện chỉ bảo. “Sang ông, xem cháu đánh quyền Anh ra sao. Biết gì về võ Bình Định không?” “Dạ, thưa ông không!” - Tôi lễ phép nói. Cụ cười hiền. Tất nhiên là tôi nhận lời ngay. Tôi đã từng nhìn thấy hai ông tập kết quê Bình Định ra quyền uyển chuyển từ cao xuống rất thấp, ở vỉa hè phố Huế. Khâm phục vô cùng.
Thì ra thầy Điện quê ở Bình Định. Nhà giàu, theo kháng chiến. Học võ từ nhỏ, thày võ chính cống, hơn bẩy chục tuổi từng tay không quật ngã năm sáu tay du côn ở chợ Trời.
Đúng hẹn, tôi sang nhà thày học bài bản từng thế tay, đốc tay, cùi trỏ, bước chân, ra đòn cước thấp. Có những miếng rất hiểm, như móc hầu, giật quai xanh, bẻ gãy đối phương v.v...
Dạy tôi dăm chục đòn đối kháng thuần thục xong, thày khen tôi sáng dạ, lì, chịu đòn. Buổi cuối cùng, thày dặn: “Võ thuật để đánh giặc, chứ không phải đi bắt nạt người khác. Con nhanh nhẹn, lại chịu đòn, sáng dạ, có tư chất con nhà võ. Nhưng ra trận, trông thấy giặc to cao hơn thì đừng sợ. Con sợ là hao tán tinh thần, thua là chắc. Thua ở mặt trận là chết. Quyết chết bảo vệ mình là thắng 90%. Còn 10 phần là kĩ thuật tự vệ. Võ thuật phải mưu mẹo. Mưu mẹo trong cái đầu. Ông mong con trở về với cậu mợ con, với Hà Nội mình sau chiến thắng...”.
Đấy là người thứ Nhất tôi biết chắc chắn là Đảng viên.
Rồi nhập ngũ. Từ Vân Hồ đi bộ xuống Thường Tín. Tháng bẩy, nắng gay gắt, lại hành quân theo đội hình nên tụi vừa bỏ bút học trò đứa nào cũng mệt lắm. Đến Đuôi Cá nơi có cửa hàng mậu dịch, đội hình có lệnh nghỉ giải lao, nhiều người lính vào cửa hàng Mậu dịch giải khát Đuôi Cá mua xi rô uống. Tôi làm gì có xu nào nên ngồi tách ra. Lát sau thấy có một tay lớn tuổi cầm li nước ngọt tới ngồi bên, gã thấy tôi áo đầm đìa mồ hôi, nói, đường còn xa lắm, cậu mua cốc nước mà uống.
Tôi cười. Gã như chợt hiểu, đặt ly nước bên tôi, rồi quay lại cửa hàng mua thêm cốc nữa đưa cho tôi: “Em uống cùng anh cho vui”. Tôi uống một hơi cạn ly nước xi rô cam ngọt lịm. Mãi hơn tháng sau, đắp xong công sự pháo 100 li trận địa Thường Tín, tôi được biên chế chính thức vào đại đội pháo 37 li đóng ở Văn Điển, nhằm chặn máy bay bảo vệ Nhà máy pin Văn Điển. Tôi về đúng tiểu đội người mua nước hôm ấy cho tôi.
Anh tiểu đội trưởng ấy tên là Tửu, có cái sẹo nhỏ ở môi. Lính nghĩa vụ 63, trước khi tái ngũ làm công nhân Nhà máy rượu. Anh là Đảng viên. Hơn nửa năm ở với anh, người tiểu đội trưởng ấy chăm lính Hà Nội như chăm các em mình. Quan trọng nhất là anh luôn đầu tàu gương mẫu, nên tụi tôi yêu quý.
Chiến đấu liên miên, đa số Đảng viên dũng cảm tử tế, nhưng có Đảng viên bị quần chúng rất ghét như tay Trọng, nguyên là công nhân xưởng in cùng ở tiểu đội. Hắn lớn tuổi, đã có vợ. Ngày mùa hạ, tập tành 10 tiếng để chuẩn bị chiến đấu chọi lại máy bay Mỹ, mồ hôi ra rất nhiều, cơ thể thiếu muối nên tụi tôi thích ăn mặn. Chúng tôi hay mò xuống anh nuôi lấy trộm muối hay xin anh nuôi tốt bụng ít nước mắm về ăn thêm.
Lính ngày ấy có lệ, cứ thứ Bẩy là họp kiểm điểm trước khi đi ngủ. Lần nào lấy nước mắm về, Trọng cũng ăn như tụi tôi, nhưng luôn lôi việc lấy nước mắm ra phê bình thằng Đối. Tụi tôi ức lắm, vì Trọng cũng ăn như bổ củi mà hay lên giọng Đảng viên dạy dỗ quần chúng. Thằng Đối bèn lấy cái chai vẫn đựng nước mắm san ra chai khác, rồi mấy thằng đái vào để đúng góc cũ.
Đến bữa ăn, Trọng cầm chai nước mắm rót ngay hai thìa vào bát B52 ăn lấy ăn để. Chờ cho hắn ăn hết 1/3 bát, tụi tôi cười ầm lên. Thằng Đối bấy giờ mới lôi chai nước mắm thứ hai ở gầm Pháo ra cho anh em dùng. Nhẩn nha nói, anh Trọng nhầm rồi. Chai đó là chai nước đái, bận tập tành nên tụi tôi không rời pháo mà đái vào chai ấy. Trọng trợn mắt nhìn rồi cố nôn mà không được.
Vào chiến trường có Đảng viên thấy giặc đến, sợ quá không hô được lệnh bắn, tôi phải quật cán cờ vào tay mới giật mình hô lại lệnh của tôi...
Năm 1969, tôi đi B ngắn, đánh nhau ở Quảng Bình, Quảng Trị, rồi đi B dài xuống Nam Lào, vây Khung Se Đôn. Vây địch suốt cả mùa mưa, khiêng vác súng máy 12, 7 li đi vây hãm, phục kích, quần nhau với tụi trực thăng, bắn lén tụi C123 vận tải v.v... Đánh nhau liên miên, lại mùa mưa tiếp tế khó khăn, lắm khi đói rã họng, cực nhọc lắm.
Năm ấy mưa quá, đại đội lui ra tuyến II củng cố, lấy thêm quân bù vào số hy sinh, được lệnh rút ra rừng, đóng quân gần một bản Lào. Mưa lớn sầm sập đổ xuống ngập mênh mông cả rừng. Nước chảy như suối.
Tiểu đội tôi nghỉ trên một cái nhà sàn mục nát để hoang giữa rừng. Anh em dập lồ ô ra nẹp trên những khoảng trống ở sàn. Có thằng mắc võng, kệ mưa hắt. Nghỉ ngơi mà đói quắt ruột. Chỉ có gạo hẩm, muối và mắm kem. Một loại mắm từ xương cá vụn trộn với ngọn rau sắn phơi khô, do tụi binh trạm nghiền nhỏ, trộn hai thứ với nhau, làm mắm. Buổi chiều thấy con lợn đen con khoảng 20 cân bơi theo dòng nước rồi đến đứng thở dưới mảnh đất cao nhô lên ngay dưới nhà sàn.
- Lợn! Tụi tôi kêu lên.
- Lợn hoang tụi mày ơi!- Một thằng la lên rồi cả tiểu đội nhao xuống vây bắt, túm ngay con lợn nhỏ lại.
Cả lũ lính đang đói quắt ruột, lập tức mang nồi nhôm ra. Tôi cầm con dao găm Liên Xô nhăm nhăm chọc tiết. Vừa định thọc dao vào cổ con lợn thì chính trị viên Đàm từ đâu hiện ra, tay cầm khẩu K54. Nghe rõ tiếng ông lên đạn đến xoạch, vụt nhao tới bên tôi, dí ngay đầu súng vào mang tai tôi quát lớn:
- Lợn của dân. Định làm phỉ à? Tôi bắn chết đồng chí bây giờ.
Bình thường khẩu K54 tôi coi là loại đồ chơi trẻ con, nhưng không hiểu sao khi ấy tôi lạnh hết cả người. Nhìn vào mắt anh Đàm bấy giờ tôi nghĩ, hắn có thể bắn thật. Tôi vụt nắm đầu súng chính trị viên bẻ chéo đẩy ra khỏi mang tai, lại bèn bẻ ngược đầu súng lên. Thế võ ấy tôi thuộc lòng. Tước súng, quăng ngay khẩu K54 ra xa, rồi nhẩy qua đầu anh Đàm “té” luôn vào rừng. Con lợn cũng vùng ra khỏi tay tụi lính tiểu đội tôi, chạy biến.
Tôi trốn trong rừng bốn năm tiếng, rồi nghe tiếng đồng đội gọi, Thọ ơi về đi, ông Đảm tha cho mày rồi. Ơi ới tiếng tha thiết gọi, nghe rõ lắm. Tôi ra khỏi chỗ trú ẩn.
- Ông Đảm bảo, tụi tao ra gọi mày, sợ mày bị mưa cảm chết.- Một thằng nói với tôi.
Về tới nhà sàn, ông Đàm vẫn đang nằm trên võng, thấy tôi về mà không nói gì.
Buổi tối ăn cơm độn xong, chính trị viên Đàm họp cả trung đội lại, nói gọn lỏn:
- Ta sang đây giúp bạn mà lại thịt lợn của dân. Dân vùng này chiến tranh chạy lung tung trong rừng, họ cũng đói, bận sau các đồng chí không bao giờ được tái phạm. Đồng chí Thọ là đầu trò nên tôi cảnh cáo. Nói xong hô, giải tán.
Tôi thầm cám ơn anh Đàm, bởi nếu báo cáo lên trên, tôi sẽ rất phiền lụy, dù là lính trơn cũng ăn kỉ luật là cái chắc. Thực ra anh Đàm chính trị viên rất hiền, lại không bo bo một mình, điếu thuốc lào cho sĩ quan cũng chia cho lính, không hiểu sao hôm đó anh ấy lại tỏ ra “kinh” thế.
Mùa khô năm sau tụi tôi trú quân trong một cánh rừng le lẫn tre. Không biết đứa nào mắc tăng võng không cẩn thận bị thằng máy bay 0V 10 phát hiện ra, nên đang nằm thì bom ầm ầm nổ như ngô rang trong cánh rừng đơn vị trú quân. Địch thả cả bom bi nổ ngay lẫn bom bi nổ chậm. Tiếng nổ đanh, chát chúa quanh nơi tôi nằm. Rồi chợt nghe tiếng anh Đàm la lớn, Thọ ơi, cứu anh với. Anh Đàm mắc võng cách chốt tôi hai ba chục mét.
Tôi chần chừ, vẫn nằm ẹp xuống đất, vì bom bi vẫn nổ, các hạt bi bay rào rào quanh tôi. Tiếng anh Đàm yếu ớt:
- Có đồng chí nào quanh đây không? Cứu tớ với.
Rõ là tiếng chính trị viên Đàm.
Tôi quan sát quanh rồi chặt một cành le bò về hướng anh Đàm. Bò tới đâu tôi gạt những quả bom bi ra xa hai bên. Bom bi quả na nổ chậm chỉ sát thương trong vòng hơn mét, nằm xa ra, nếu bò sát đất thì an toàn. Bò tới bên anh Đàm thấy hai chân anh be bét máu. Cái võng đứt dây và cái tăng bị hơi bom bi hất trùm lên mặt đất. Tôi thấy chân cẳng anh máu ra nhiều, nhưng rõ là anh vẫn tỉnh táo, bèn hô lớn, gọi y tá đến đây.
Lật anh Đàm lên, lấy dao găm rạch quần áo anh, tôi lấy băng cá nhân của anh và tôi băng lại các nơi có máu đang phun ra. Xong việc sơ cứu, tôi kéo anh lên lưng bò ngược về phía suối cạn, nơi có y tá nghỉ.
Quanh chúng tôi bom bi vẫn ì oằm nổ, phải tới hơn nửa tiếng sau cậu y tá mới đến và chúng tôi giao anh cho tụi cấp cứu tiểu đoàn.
Ba tháng sau, anh Đàm từ bệnh viện tuyến phẫu sư đoàn về lại đơn vị. Gặp lại nhau, anh Đàm cứ ôm lấy hai vai tôi lắc lắc. Tôi trêu bảo, hôm ấy mà anh bắn em chết, thì lấy đâu thằng cứu anh? Anh Đàm gãi đầu bảo, tớ dọa cậu thôi. Ai lại bắn đồng chí mình?
Vâng. Lính có khi sai có khi đúng. Đồng chí của nhau thì phải biết răn dạy nhau, để khi giặc đến sẵn sàng chết sống cùng nhau. Còn để quần chúng ghét, đồng đội ghét thì ai bảo vệ mình lúc nan nguy?
Năm 1976 chiến tranh kết thúc. Tôi trở về Hà Nội, về ngôi nhà cũ ở chợ Giời. Hỏi, thày Điện bí thư chi bộ ngày ấy không còn nữa. Thày đã mất, mất trước khi đất nước thống nhất, yên hàn. Ông không được về thăm quê hương Bình Định của ông. Còn tôi toàn vẹn trở về với Hà Nội. Anh Đàm nghe nói sau đó cũng an toàn trở về quê hương.
Nghĩ lại, tụi tôi may mắn, sống chết bên nhau cũng vì nhiều Đảng viên có một phẩm chất làm thứ hồ gắn kết nhau, mà tạo nên sức mạnh đồng đội, đồng chí. Sức mạnh của một tình yêu với quê hương xứ sở./.
Nhà văn Nguyễn Anh Biên - Một người tử tế lại ra đi