Có một chiều 30 Tết không thể nào quên...

VOV.VN - Đó là một buổi chiều 30 Tết nhớ nhất trong quãng đời tuổi thơ của mình.

Sáng hôm ấy, khi luộc giò xong, anh Sáu vừa lấy bánh pháo ra định “rang” cho nỏ để đêm nay đốt “động thổ” thì thày bảo: Bây giờ hai anh em vác khau (gầu sòng) ra Đồng Giao tát nước cho thày nhé. Hôm nọ bận ngô khoai nên chưa kịp tát, nghỉ Tết 3 ngày ruộng khô chết hết lúa. Có 3 thửa ruộng cạnh nhà chú Thục, hai đứa tát mỗi ruộng “khắp lượt” thì về”.

 

Anh Sáu nghe xong quày quả cầm bánh pháo đi ngược vào nhà, mình thì đứng im “như trời trồng”, bởi từ lúc bé đến lúc đó…, chưa bao giờ trưa phải đi làm đồng vào ngày Ba mươi Tết cả, nghĩ vừa tủi vừa bực, giận thày lắm lắm trong lòng, nhưng chả dám cãi. Còn đang ấm ức trong bụng thì u cầm ra hai cái bánh nhợm (bánh rợm), bảo, hai đứa ăn lót dạ vì chắc phải qua trưa sang chiều tối mới tát xong. Ôi, nghe u nói câu đấy ù tai luôn. Trong lòng trào sôi giận dữ (trời ơi, tát đến chiều tối hả, cái gì vậy, sao tôi khổ quá vậy, cả làng cả nước có ai khổ như tôi không - mình đã gào thầm lên trong bụng như thế).

Rồi thì hai anh em cũng ăn nhồm nhoàm cái bánh, được cái bánh ngon lắm (cả năm mới được ăn một lần sao chả ngon) thế nên cũng bớt giận dữ trong lòng. Mình còn đang nhón nhén nhan từng miếng cảm nhận cái vị ngọt béo của nhân bánh, thơm lừng của vỏ nếp thì anh Sáu đã vác cái khau lên vai, móc cái cuốc đằng trước, quay mặt lại hất hàm, ê Lục, mày có đi không! Thế là mình cho nốt miếng bánh vào mồm, vừa nhệu nhạo nhai vừa chạy vào “nhà ngang” vác cái khau lên vai, hớt hải chạy theo anh Sáu.

Đồng Giao là một cái gò rất rộng, nó thuộc đất của xã khác, giáp ranh xã mình, thày mình cùng nhà chú Thục, nhà cô Thịnh (đều là em ruột của thày) thuê của xã bên để tăng gia sản xuất, cuối vụ lại chở thóc sang “nộp khoán” cho họ. Từ cánh đồng Giữa (là đồng chiêm trũng) đi ra Đồng Giao là phải lội bùn sâu đến tận bẹn, dài cỡ 200 mét. Từ trên bờ nhìn sang Đồng Giao là muốn khóc luôn rồi, nước nổi mênh mông, xa tít tắp.

Anh Sáu bỏ khau xuống bờ ruộng, cúi xuống cổi (cởi) cái quần dài quấn lên cổ rồi vác khau nhảy xùm xuống ruộng, đất bùn thụt sâu nước tràn tận bẹn anh ấy. Mình rón rén ngồi bẳn (sắn) quần. Anh Sáu quay lại mắng, mày bẳn đến bao giờ, mà bẳn thế nào được vì nước sâu lắm, cổi ra không ướt hết. Mình cãi, cổi ra lạnh lắm, kệ em. Anh Sáu bèn hất hàm: kệ mày, rồi xùm xùm lội đi trước. Mình bẳn quần xong thẽ thọt thò cái chân xuống, ôi chao là lạnh, cứ gọi là lạnh buốt tâm hồn.

Nhưng mà vẫn phải lội, anh Sáu đã đi được một đoạn khá xa, kệ, mình cứ nhẹ nhàng lội, chỉ được tầm chục thước, cái quần dài của mình đã bị ướt, điên hết cả cái thằng người. Ì oạp một hồi cũng sang đến Đồng Giao, bước được lên đến bờ mệt đứt hơi, mình vứt “xoành” một phát, cái khau rơi chỏng queo xuống bờ, ngồi thở như con chó ốm. Anh Sáu đã bắc khau xong, vì cái Đồng Giao này có 3 bậc ruộng, anh Sáu tát ở dồn (vũng tát nước) thấp nhất hất nước lên cái máng nhỏ ở tầng ruộng thứ 2, nước sẽ chảy vào cái dồn tát, mình sẽ bắc khau ở cái dồn tát này, tát nước lên cái máng ở tầng ruộng thứ 3, từ đó nước sẽ chảy lần lượt vào từng cái ruộng nhà mình.


À, “dồn tát” là một cái hố, sâu và rộng để chứa nước, đủ vục khau vào đó hất nước lên. Mình tát dồn trên, anh Sáu tát dồn dưới.

Hai anh em hì hục tát, thỉnh thoảng anh Sáu lại ngồi giải lao, rút cái điếu cày buộc đằng sau lưng ra, bật xoè cái diêm, châm lửa rít sòng sọc, rồi “phịt” một phát, bật tung cái tàn thuốc bắn ra xa, anh chổng điếu cày lên ngang mồm, rít thật sâu, mạnh muốn tụt cái nõ điếu (nõ là cái chỗ nhét thuốc lào vào), rồi há mồm nhả một cuộn khói trắng đặc ra không gian xung quanh, tỏ ra sảng khoái lắm. Rồi anh nói với lên: Lục ơi, mày đi xem xem đã “khắp lượt” chửa? Mình dừng tay, bước lên bờ đi ra chỗ cái ruộng đang xả nước vào, đi được nửa ruộng thì quay lại, nói vọng xuống: Mới được một nửa ruộng thôi! Anh Sáu không nói gì, lại nhảy xùm xuống tát. 

Hì hục mãi thì thấy bụng đói meo, hôm đó trời mây mỏng, nhìn thấy dấu đỏ mờ mờ của mặt trời, lúc đó đã ngả xiên thấp về phía Tây. Nhìn xung quanh cánh động rộng mênh mông, tịnh không một bóng người. Nhìn về phía làng, thấy khói trắng cuộn lên len lỏi vào những rặng cây, nhìn về phía xã khác, cũng những rặng trẻ quyện khói lam chiều, chắc nhà người ta đang nấu cỗ tất niên, tự nhiên mình chảy nước mắt, tủi thân vô cùng. Bỗng tạch tạch, đùng, đoàng, tạch tạch, tạch, đùng, đoàng,…ôi tiếng pháo, chắc nhà nào đã chuẩn bị xong xuôi, đốt pháo cúng mâm cơm Tất niên, mời các cụ về ăn Tết. Người ta thì thế, còn mình thì vẫn đang hì hục tát nước giữa cánh đồng, mà vẫn còn một cái ruộng nữa mới xong.


Đang hì hục vừa tát vừa nước mắt ướt nhòa vì nghĩ sao cuộc đời mình khổ thế, thì bỗng thấy tiếng anh Sáu gọi với lên, giọng rất gắt: Lục ơi! Mình dừng tay quay xuống nhìn, anh Sáu nói tiếp: Thôi, nhổ khau đi về đi, không tát nữa! Vừa nói anh vừa săm săm bước lên bờ nhổ vèo cái khau. Mình thấy thế cũng nhảy tót lên bờ nhổ khau, vừa đói vừa rét nên lóng ngóng mãi không buộc được khau, anh Sáu chạy đến gạt mình ra cúi xuống buộc khau, vừa thoăn thoắt buộc, miệng anh vừa lẩm bẩm “người ta đốt pháo đón các cụ rồi mà còn tát tủng cái gì nữa, đi về. Nhưng về nhà thày hỏi thì mày phải bảo là bọn con tát “khắp lượt” rồi nhé”. Mình gật đầu như bổ củi, tỉnh cả người. Hai anh em nhảy xùm xuống đồng Giữa, vai vác khau, chân bước xùm xùm, thoắt cái đã sang đến bờ bên kia.

Tranh: Bản quyền Truyền thông Trăng Đen 
 

Về đến đầu làng, pháo đã bắt đầu râm ran, rất nhiều nhà đang cúng mâm cỗ Tất niên. Hai anh em rảo bước về nhà, bước vào sân thấy gọn gàng sạch sẽ, u thì đang sắp lại mâm cỗ bàn thờ, thày đang ngồi góc sân thịt gà để đêm đi lễ đền, mọi thứ đã xong xuôi. Thấy hai anh em về, thày cười rất tươi hỏi: Tát “khắp lượt” chưa? Mình đáp “rồi thày ạ”. Thày cười hinh hích, cái răng bọc đồng màu vàng lấp lóa, mắt thày nhìn kiểu rất “bí hiểm”, chắc thày biết thừa là chúng nó chưa tát xong đâu, nhìn cái kiểu lấm lét của mình thày “đọc vị” được ngay, nhưng thày không mắng, chỉ cười, trong lòng chắc cũng thương hai thằng con lắm.

Đến bây giờ ngồi kể lại chuyện này, trong tâm trí mình ký ức đó hiện hữu rõ nét như một cuốn phim quay chậm. Đó có lẽ là buổi chiều Ba mươi Tết sâu đậm nhất trong ký ức của mình. Một kỷ niệm mà nó nhắc nhớ về một thời nghèo khó mà chan chứa tình yêu thương của gia đình, anh em ruột thịt, để mình thêm quý trọng những gì đã qua, những thứ đã làm nên tâm hồn chất chứa đồng quê của mình như ngày hôm nay./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên