Côn đồ hành hung bác sĩ: Không chỉ lên án là xong!
VOV.VN -Côn đồ hành hung bác sĩ cần bị xử lý nghiêm bằng những bản án, hình phạt cụ thể để có tính răn đe trong xã hội.
Quá nhiều vụ việc côn đồ hành hung bác sĩ khi đang cứu người trong bệnh viện xảy ra thời gian qua khiến người dân lo lắng cho sự an toàn của chính mình, còn bác sĩ thì không thể toàn tâm, toàn ý cho việc khám chữa bệnh. Gần đây nhất, vụ việc xảy ra ở Bệnh viện Xanh Pôn Hà Nội, khi một kẻ mình mẩy xăm trổ, tóc để đuôi ngựa lao vào tát, nhục mạ một bác sĩ trẻ. Thế nhưng, đến giờ mọi việc lại đang dần bị chìm vào quên lãng.
Ngày hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cần phải khởi tố đúng pháp luật các vụ hành hung bác sĩ và cần đưa ra xét xử lưu động để có tính giáo dục.
Xã hội đang trông vào sự quyết tâm, sự vào cuộc của hệ thống hành pháp, cụ thể là lực lượng công an, tòa án, để đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho các bác sĩ, người bệnh cũng yên tâm điều trị. Còn như hiện nay, báo chí lên tiếng, công luận lên tiếng, mạng xã hội phản ứng, nhưng vẫn chưa đủ mà cần một hành động mạnh tay từ những lực lượng thực thi công lý, đó phải là những bản án, hình phạt cụ thể, chứ không thể nhắc nhở, xử phạt hành chính là xong. Nếu chỉ lên án rồi mọi việc lại “chìm xuồng” thì các bác bác sĩ sẽ mãi đơn độc chiến đấu tại chính nơi làm việc của mình.
Ai cũng thừa nhận, chỉ vì luật pháp không nghiêm nên những kẻ côn đồi mới ngang nhiên hành hung, làm nhục bác sĩ ở giữa bệnh viện như vậy. Nhiều người đề xuất lập chốt công an ở các bệnh viện để ngăn chặn côn đồ, bạo lực. Nhưng đó là chuyện không tưởng và không thể làm được bởi rất tốn kém và không cần thiết. Việc cần làm bây giờ là phải nâng cao nhận thức xã hội, xử lý nghiêm các hành động côn đồ. Cùng với đó, ngành y cũng phải tăng cường việc giáo dục, nâng cao y đức, tác phong của người thầy thuốc. Đó là những kỹ năng mềm trong giao tiếp, ứng xử với bệnh nhân. Bởi, hãy đặt mình vào vị trí người bệnh, trong lúc rất hoang mang, lo lắng, nếu nhận được sự chăm sóc, hỏi han ân cần của bác sĩ, y tá chắc chắn họ sẽ vững tâm hơn và rất biết ơn nữa.
Chắc chắn gia đình ai cũng đã từng có người thân, bạn bè phải nằm viện hoặc đến bệnh viện để khám, chữa bệnh. Trước khi đến viện, ai cũng phải tìm hiểm xem ở đó y, bác sĩ có chuyên môn ra sao, thái độ ứng xử thế nào để còn biết đường mà “lựa”. Nhiều người có ấn tượng không tốt về bệnh viện, ngoài sự quá tải còn có sự quá đáng của y, bác sĩ. “Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ cũng đồn xa” nên trong đầu nhiều người hằn một suy nghĩ tiêu cực về bác sĩ. Để xóa đi những định kiến này, không ai khác, chỉ bác sĩ mới làm được. Hãy cư xử đúng chuẩn mực, có tình, có lý với các bệnh nhân, thì tình cảm của cộng đồng với bác sĩ sẽ ngày một tốt lên.
Chắc hẳn những người làm nghề y và cả công chúng vẫn nhớ hình ảnh GS, BS Nguyễn Anh Trí – Nguyên Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương với cuộc chia tay đầy cảm xúc khi ông nghỉ hưu phải chia tay tập thể cán bộ bệnh viện và cả những bệnh nhân điều trị ở đây. Khi câu chuyện của ông được truyền thông đưa tin đã nhận được rất nhiều bình luận, phản hồi từ xã hội. Đa phần là những lời tốt đẹp dành cho cá nhân ông, thế nhưng cũng không ít những lời bình luận sâu cay, mong muốn những người mặc áo blouse hãy nhìn đó là tấm gương để noi theo và học tập nếu muốn có được tình cảm của nhân dân. Ngành y cần cảm ơn những người như thế và cần có nhiều hơn nữa những người như thế.
Xã hội này luôn biết ơn những người thầy thuốc đã từng ngày, từng giờ, nhiều khi quên cả hạnh phúc của bản thân để phục vụ xã hội. Chính vì thế, xã hội cần có sự tôn trọng, tạo môi trường an toàn để bác sĩ yên tâm công tác. Những hành động côn đồ với bác sĩ cần bị lên án và trừng trị nghiêm khắc./.