Cuộc “gặp gỡ” kỳ lạ giữa Giáo sư Stephen Hawking và em bé Việt Nam

VOV.VN - Hai con người có vị thế khác nhau nhưng lại có nỗi lo chung đến số phận của trái đất đang bị huỷ diệt.

Em bé Việt Nam ấy là Cao Thanh Nga, hiện đang là học sinh lớp 7D trường trung học cơ sở Võ Thị Sáu thành phố Hải Dương. Tôi tin chắc rằng, cho đến giờ phút này, em vẫn không biết gì về Giáo sư Stephen Hawking, ngoài cái tên rất nổi tiếng của ông. Và con người khổng lồ cả thế giới phải ngưỡng mộ này lại càng không biết em bé Việt Nam hiện đang còn là học sinh phổ thông ở một miền quê giữa đồng bằng Bắc Bộ xa tít mù tắp. Vậy mà hai con người, có vị thế rất khác nhau, ở cách nhau nửa vòng trái đất lại “gặp nhau” trong một nỗi lo chung đến số phận của trái đất đang bị huỷ diệt.

Biến đổi khí hậu khiến số phận trái đất đang bị hụy diệt.

Cách đây không lâu, tôi đã giới thiệu và công bố bài viết của em Nguyễn Đỗ Hồng Vi, học sinh lớp 8 trường trung học cơ sở Tây Sơn, Đà Nẵng. Em đã đoạt giải nhất cuộc thi viết thư UPU ở Việt Nam. Đề thi năm nay rất thú vị: “Em hãy thử tưởng tượng mình là cố vấn của ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc. Vấn đề nào của toàn cầu mà em thấy cần phải xử lý trước tiên? Vì sao?”. Và thế là ngay lập tức, hơn một triệu em bé Việt Nam đã “xuống đường” giúp ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc giải quyết những vấn nạn của toàn cầu.

Trong bài đoạt giải nhất của Việt Nam, em Hồng Vi đặc biệt quan tâm đến những người tị nạn. Làm sao để họ có được một cuộc sống bình thường. Em cũng đã đưa ra nhiều giải pháp khá thú vị.

Em Cao Thanh Nga lại có cái nhìn hoàn toàn khác. Dù bài của em do trục trặc thủ tục mà không đưa vào xét giải, nhưng rất sâu sắc. Và với cái nhìn ấy, em đã gặp giáo sư S. Hawking. Vì thế, tôi không thể không bàn đến trong số báo này. Sự biến đổi khí hậu những năm gần đây thật khốc liệt. Ở Hà Nội, nắng nóng kỷ lục đến 50-60 độ. Người ta còn lấy nắng nóng để rán trứng ở giữa đường. Mặt đường nhựa sủi tăm nghi ngút hơi. Ở phía Nam, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã mất mùa nước nổi. Nhiều cánh đồng bị xâm ngập mặn. Vựa lúa Miền Nam có nguy cơ vị xoá sổ. Nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump với quan niệm thực dụng đã rút khỏi Hiẹp ước Paris. Rồi sẽ xuất hiện những hiểm hoạ khôn lường.  Ta hãy nghe em lý giải trong bức thư gửi ngài Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Gutemes

Ngài có hỏi tôi vấn đề toàn cầu nào mà ngài nên xử lý trước tiên sau khi nhậm chức? Thưa ngài, ngài hãy ưu tiên hàng đầu cho vấn đề biến đổi khí hậu toàn cầu. Không phải tôi không chú ý đến lời kêu gọi của ngài trong ngày làm việc đầu tiên trên cương vị Tổng thư ký Liên hợp quốc là “ưu tiên cho hòa bình” trong năm 2017. Tôi cũng thấm thía nỗi day dứt lớn của ngài khi nhậm chức trong bối cảnh cuộc xung đột đẫm máu ở Syria chưa hề có dấu hiệu “hạ nhiệt”. Tuy nhiên, vẫn có vấn đề còn lớn hơn cả chiến tranh. Bởi chiến tranh dẫu khốc liệt cũng chỉ trong từng khu vực. Còn biến đổi khí hậu tác động đến sự bình an của toàn trái đất

Có lẽ không cần nhắc nhiều đến thiên tai bất thường xảy ra những năm gần đây, bởi từ năm 1995 khi còn làm Thủ tướng Bồ Đào Nha, ngài đã quan tâm đến  vấn đề toàn cầu.

Trái đất xinh đẹp của chúng ta đang bị đe dọa khủng khiếp bởi hiệu ứng nhà kính. Với sự phát triển mạnh mẽ của nền sản xuất công nghiệp và sự sử dụng các nhiên liệu hóa thạch một cách quá đà đã tác động đến môi trường ngày một nghiêm trọng.

Trái đất nóng lên từng ngày, băng ở hai cực đang tan, nước biển dâng cao, hàng loạt hiện tượng bất thường như bão lũ, sóng thần, động đất, hạn hán…diễn ra liên miên ở khắp nơi trên trái đất, đã đẩy cuộc sống của con người đứng trước những thảm họa kinh hoàng.

Thiên tai đã cướp đi sinh mạng của bao người chỉ trong chớp mắt, nhiều thành phố, làng mạc trù phú đông đúc chôn vùi trong đống đổ nát. Thiên tai khiến bao người phải sống trong cảnh màn trời chiếu đất, biến những vùng đất phì nhiêu thành đất chết hay sa mạc cằn khô. Chưa khi nào con người phải đối mặt với những thảm họa khủng khiếp như bây giờ…

Thưa ngài, biến đổi khí hậu toàn cầu để lại hậu quả ghê gớm hơn cả chiến tranh, dù nó diễn ra rất lặng lẽ từng ngày. Theo dự đoán có khoảng 1,8 tỷ người sẽ gặp khó khăn về nước sạch, 600 triệu người suy dinh dưỡng vì thiếu lương thực trong một vài năm tới. Theo một nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), thềm băng Larsen B ở Nam Cực đang trôi nhanh và phân mảnh nhiều hơn, có thể sẽ tan rã hoàn toàn vào năm 2020. Năm 1912, chỉ một tảng băng trôi  đã khiến con tàu Titanic, niềm tự hào của ngành hàng hải Mỹ lúc bấy giờ chìm sâu xuống đáy đại dương. Vậy mà giờ đây, hàng triệu khối băng tan từ Nam Cực đang trôi phiêu du trên Đại dương, thì hậu quả của nó sẽ khủng khiếp đến nhường nào. Nếu băng tan và nước biển dâng thì hàng loạt quốc gia ven biển với nền văn minh vĩ đại của loài người có thể sẽ bị nhấn chìm, biến mất.

Nhiều quốc gia cứ mải mê chạy đua vũ trang, sản xuất vũ khí hạt nhân… tốn kém bao nhiêu tiền của, mà không biết rằng biến đổi khí hậu mới là kẻ thù nguy hiểm nhất. Đây là kẻ thù giấu mặt, tàng hình đang và sẽ hủy hoại loài người trên phạm vi toàn cầu. Tôi, ngài và toàn thể nhân loại có thể bình tâm làm việc, sáng tạo, cống hiến, nghĩ đến hòa bình, đến đủ thứ lớn lao trong hoàn cảnh đó được không? Chúng ta có thể thuyết phục, đàm phán với nhau để đi đến thống nhất trong mọi vấn đề lập lại hòa bình, chấm dứt xung đột vũ trang. Nhưng chúng ta làm sao có thể đàm phán, thuyết phục và hoà hoãn được với thiên nhiên,  nếu chúng ta không thay đổi cách đối xử với nó, thôi làm nó tổn thương và nổi giận.

Đứng trước những viễn cảnh không tươi sáng ấy, chỉ có ngài, với cương vị là Tổng thư kí Liên hợp quốc mới có thể can thiệp được. Ngài hãy huy động những bộ óc vĩ đại nhất thế giới, tập trung  trí tuệ toàn nhân loại cùng hợp tác giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.

Trước hết tìm ra giải pháp hoàn hảo thay thế nhiên liệu hóa thạch vì đây là nguồn gây hiệu ứng nhà kính. Các nhà khoa học thay vì sáng chế vũ khí giết người, hãy tập trung sáng chế loại nhà thân thiện với môi trường, giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm mức phát tán khí thải. Cùng với đó là nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ hiểu hơn về biến đổi khí hậu, giảm tỉ lệ sinh đẻ, tiết kiệm điện, không xả rác bừa bãi...  giảm tiêu thụ các nguồn tài nguyên.

Khi thảm họa thiên nhiên không còn rình rập, con người sẽ được yên ổn. Hòa bình và hạnh phúc chỉ được xây dựng trên một hành tinh xanh tươi chứ không thể xây dựng trong sóng thần, núi lửa, bão tố, hạn hán, lũ lụt hay động đất kinh hoàng.

Và như thế, vô tình, em Thanh Nga đã “gặp” giáo sư S. Hawking. Như giới truyền thông thế giới đã đưa, hồi cuối năm ngoái, giáo sư S. Hawking cho rằng con người chỉ còn có 1000 năm để tìm hành tinh khác trước khi bị diệt vong ở Trái Đất.

Bây giờ ông quyết định điều chỉnh con số ấy, trừ bớt 900 năm, nghĩa là con người chỉ còn có một trăm năm nữa để rời khỏi trái đất bởi những chuyển biến ngày càng tiêu cực của hành tinh từng một thời “xanh và xinh đẹp” này. Đó là một dự đoán chấn động thế giới. Với S. Hawking lại càng đáng sợ. Bởi ông không phải nhà chiêm tinh, không phải lời tiên đoán có thể đúng, có thể sai. Ông là nhà vật lý, nhà khoa học khổng lồ, với những tính toán rất chính xác. Những nhận định của ông đều rất chính xác. Và như thế, thảm hoạ đáng sợ ấy, đâu có xa. Ngay con em chúng ta đã phải hứng chịu rồi. Trong 100 năm vừa qua, nhân loại đã lần lượt đạt được vô số các phát kiến  khoa học kỹ thuật. Trong đó, con người đã học cách bay với sự trợ giúp của máy bay, chế tạo những cỗ máy khổng lồ, chữa được nhiều căn bệnh chết người, phát minh ra máy tính, internet, smartphone và nhiều thiết bị thông minh khác.

Song song với những điều tốt đẹp ấy, con người cũng gây ra những tổn thất vô cùng to lớn với Trái Đất: nổ ra các cuộc chiến với quy mô lớn, rồi thảm hoạ hạt nhân,… Tất cả những việc làm ấy dần dà tạo nên sự biến đổi khí hâu. Trước tính hình đó, giáo sư Hawking cho rằng con người chỉ còn 100 năm nữa là tới thời khắc tận thế và bởi thế, chúng ta phải rời khỏi trái đất xinh đẹp này để đến một hành tinh khác, trở thành loài sống liên hành tinh chứ không còn là “người Trái Đất” nữa. Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên giáo sư đưa ra những dự đoán đáng sợ về ngày tận thế. Trong những năm gần đây, ông liên tục cảnh báo về sự phát triển quá mức của trí thông minh nhân tạo (AI) có thể chấm dứt sự thống trị của con người. Thậm chí có lần ông còn cảnh báo việc cố gắng liên lạc với các sự sống ngoài Trái Đất cũng gây ra thảm cảnh tương tự.

Gần đây nhất là hồi tháng 11 năm ngoái, ông cảnh báo con người phải rời khỏi Trái Đất trong vòng 1000 năm tới. Bây giờ ông cắt thời gian xuống 10 lần, nghĩa là chúng ta chỉ còn khoảng 100 năm xoay sở tìm cách thoát khỏi sự diệt vong. Cảnh báo của ông đã được đưa vào chương trình mang tên Expedition New Earth do BBC thực hiện, trong đó miêu tả chi tiết lộ trình 100 năm của con người tìm cách thoát khỏi sự huỷ diệt.

Theo giáo sư Hawking, số ngày còn lại của con người trên Trái Đất không còn nhiều nữa do những chuyển biến ngày càng xấu đi của biến đổi khí hậu, nguy cơ va chạm từ các thiên thạch, các dịch bệnh và sự bùng nổ dân số. Và cách duy nhất để tồn tại theo ông là phải đổi hành tinh khác, càng nhanh càng tốt. Sẽ có rất nhiều thứ diễn ra trong vòng 100 năm tới và chắc chắn rằng, sẽ có thêm nhiều thứ được phát hiện và tạo ra nhằm không ngừng đưa trình độ khoa học kỹ thuật của loài người lên những cấp độ mới. Nhưng liệu tới đó con người có sẵn sàng để sống ở nhiều hành tinh khác Trái Đất?  

Theo Elon Musk, người sáng lập kiêm CEO SpaceX, đã có một lộ trình riêng nhằm đối mặt với thảm hoạ ấy. Theo ông thì điểm đến tiếp theo cho nhân loại không gì khác hơn chính là Sao Hỏa và ông hy vọng rằng sẽ bắt đầu đưa người lên vào 2025, tới 2033 thì chính thức định cư. Nếu kế hoạch của Musk được thực hiện thành công thì lộ trình của giáo sư Hawking sẽ được đảm bảo và con người sẽ có hy vọng tiếp tục được tồn tại. Và không chỉ có SpaceX mà NASA và thậm chí là Trung Quốc cũng đang có những dự án với Sao Hỏa.

Những câu chuyện tưởng cứ như hoang đường, nhưng lại là sự thật. Và điều ấy mới thật sự đáng sợ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Châu Âu tiếc nuối trước quyết định sai lầm của Mỹ về biến đổi khí hậu
Châu Âu tiếc nuối trước quyết định sai lầm của Mỹ về biến đổi khí hậu

VOV.VN - Quyết định rút lui khỏi Thoả thuận Paris về chống biến đổi khí hậu của Mỹ tạo nên một cú sốc và chuỗi phản ứng mạnh mẽ từ các nước châu Âu.

Châu Âu tiếc nuối trước quyết định sai lầm của Mỹ về biến đổi khí hậu

Châu Âu tiếc nuối trước quyết định sai lầm của Mỹ về biến đổi khí hậu

VOV.VN - Quyết định rút lui khỏi Thoả thuận Paris về chống biến đổi khí hậu của Mỹ tạo nên một cú sốc và chuỗi phản ứng mạnh mẽ từ các nước châu Âu.

Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp
Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp

VOV.VN - Tác động của biến đổi khí hậu với Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ

Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp

Ứng phó với biến đổi khí hậu - hành động của các nhà lập pháp

VOV.VN - Tác động của biến đổi khí hậu với Việt Nam rất nghiêm trọng, là nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ

Thủ tướng: Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là rất cấp bách
Thủ tướng: Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là rất cấp bách

VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, nghiên cứu giải pháp tổng thể đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất cấp bách, không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm. 

Thủ tướng: Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là rất cấp bách

Thủ tướng: Giải pháp ứng phó biến đổi khí hậu ở ĐBSCL là rất cấp bách

VOV.VN - Thủ tướng nhấn mạnh, nghiên cứu giải pháp tổng thể đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất cấp bách, không thể để tình trạng mạnh ai nấy làm. 

Khí methane tăng cao, đẩy nhanh hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu
Khí methane tăng cao, đẩy nhanh hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu

VOV.VN - Nồng độ methane trong không khí bắt đầu tăng từ năm 2007, đặc biệt cao trong năm 2014, 2015, làm cho tình trạng biến đổi khí hậu thêm trầm trọng.

Khí methane tăng cao, đẩy nhanh hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu

Khí methane tăng cao, đẩy nhanh hiện tượng biến đổi khí hậu toàn cầu

VOV.VN - Nồng độ methane trong không khí bắt đầu tăng từ năm 2007, đặc biệt cao trong năm 2014, 2015, làm cho tình trạng biến đổi khí hậu thêm trầm trọng.