Đánh hội đồng, quay clip: Đừng “đẩy” hết trách nhiệm lên thầy cô!
VOV.VN -Thầy cô, nhà trường và xã hội có cố gắng đến đâu, nhưng nếu ngay trong gia đình, trẻ không được gieo yêu thương và mầm thiện, thì mọi nỗ lực cũng chỉ là vô nghĩa.
Theo có số thống kê, trung bình mỗi năm tại Việt Nam xảy ra 1.600 vụ học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học. So với 10 năm trước, số vụ bạo lực học đường đã tăng gấp 13 lần. Trung bình mỗi ngày ở Việt Nam có khoảng 5 vụ học sinh đánh nhau.
Các vụ bạo lực học đường xảy ra liên tiếp gần đây làm xã hội bức xúc và bất an. Đó cũng là lẽ thường tình vì khó có ai nghĩ rằng những học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường lại có hành động dã man với bạn học đến như vậy. Khi chứng kiến những clip bạo lực học đường với chất côn đồ, man rợ như đánh hội đồng nữ sinh ở Hưng Yên, Nghệ An, Quảng Ninh… nhiều ông bố, bà mẹ đã phải đau đớn thốt lên rằng “nếu nạn nhân là con tôi, có lẽ tôi đã gây án”.
Nữ sinh PTTH ở Quảng Ninh bị khoảng 10 bạn đấm đá, giẫm đạp đến nhập viện |
Trong các vụ bạo lực học đường, dư luận thường đổ dồn bức xúc về phía thầy cô và nhà trường. Và thực tế, không phải không có lý khi mà hiện nay, môi trường giáo dục đang có quá nhiều bất an cho cả học sinh, gia đình và xã hội.
Trong một môi trường mô phạm, là nơi gia đình gửi trọn sự tin tưởng, thầy cô đáng lẽ phải là tấm gương cho học sinh, nhưng thực tế môi trường này đang có quá nhiều bất an. Không hiếm những vụ thầy cô có hành động phi giáo dục là cho trẻ uống nước giặt giẻ lau bảng, cho bạn cùng lớp tát hàng chục cái vào mặt học sinh đến phải nhập viện, hay bắt học sinh phải quỳ khi mắc lỗi…
Thậm chí, trong môi trường “trồng người”, điểm số được đem ra mua bán, đổi chác. Đó là những vụ “gạ tình” lấy điểm, mua điểm, chạy điểm để biến con em mình từ những học sinh yếu kém hành những học sinh giỏi, những thủ khoa, chà đạp và cướp đi cơ hội của những em có năng lực thực sự.
Đã rất nhiều năm, nhiều lần chúng ta đưa ra những quy định, lệnh cấm đối với nạn học thêm, dạy thêm nhưng thực tế lại không diễn ra như vậy. Nạn học thêm, dạy thêm chỉ biến tướng từ công khai thành những hoạt động tinh vi và ngày càng phổ biến. Hiếm có phụ huynh nào dám khẳng định con mình chỉ học trên lớp không là đủ, mà không phải tham gia các lớp học thêm, dạy thêm...
Cùng với đó, diễn biến quá phức tạp của xã hội cũng ảnh hưởng sự phát triển nhân cách của trẻ. Nhan nhản các vụ bạo lực, các hành vi lệch chuẩn ngoài xã hội và trên mạng hàng ngày, hàng giờ đang diễn ra tác động rất lớn đến các em đang độ tuổi muốn khẳng định bản thân.
Không thể không lo lắng khi một bộ phận không nhỏ những người trẻ có suy nghĩ, hành động lệch lạc, thần tượng và làm theo các “hiện tượng mạng” là Khá “bảnh”, “thánh chửi” Dương Minh Tuyền… Thậm chí, có nhiều những vụ án mạng đau lòng, mà nguyên nhân chính do các em học và làm theo các hình tượng, trò chơi trên mạng.
Nhưng sau tất cả, gia đình vẫn là môi trường quan trọng nhất để các em phát triển, hình thành nhân cách. Nhiều bậc cha mẹ khi con con hư, con không được như mong muốn thường chặc lưỡi “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Nhưng thực tế, tính cách của một đứa trẻ chính là tấm gương phản chiếu môi trường sống của gia đình, đặc biệt là cách dạy dỗ của cha mẹ.
Trẻ em như tờ giấy trắng, chúng dễ dàng hấp thu và làm theo những hành động của người lớn. Đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong tình yêu thương, chia sẻ thì khó có thể có những hành động ích kỷ và bạo lực. Còn khi đứa trẻ sống trong một môi trường bạo lực, người lớn không gương mẫu thì khó có thể đòi hỏi các em phải hành động khác chúng ta, nhất là ở lứa tuổi các em đang hình thành nhân cách.
Nếu gia đình là nơi trẻ được quan tâm, chia sẻ, được bày tỏ những mong muốn của mình thì cha mẹ mới biết được các em đang gặp phải những khó khăn gì để hỗ trợ, hướng dẫn và kịp thời ngăn chặn những suy nghĩ, hành động lệch lạc của con em mình.
Có rất nhiều cha mẹ, vì mải lo cơm áo gạo tiền, phó mặc con em cho nhà trường, xã hội với suy nghĩ đơn giản, con được chăm lo đầy đủ về vật chất đã là đầy đủ. Nhiều vụ bạo lực học đường, thậm chí những vụ án mạng do trẻ vị thành niên gây ra thường rơi vào những gia đình mà ở đó trẻ thiếu sự quan tâm của bố mẹ.
Vì thế, thật không công bằng nếu sau tất cả những vụ bạo lực học đường và những cái xấu, cái ác do trẻ gây ra, chúng ta lại “đẩy” hết trách nhiệm về phía thầy cô, nhà trường hay xã hội.
Thầy cô, nhà trường và xã hội có cố gắng đến đâu nhưng nếu ngay trong gia đình, trẻ không được gieo yêu thương và mầm thiện, thì mọi nỗ lực cũng chỉ là vô nghĩa./.
Đừng “cướp” đi cơ hội của những tài năng trẻ!
Hãy trao cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ!