Lý do Quốc lộ 13 đoạn qua Bình Dương đang thi công thì chững lại
VOV.VN - Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 được khởi công vào tháng 4/2022, đoạn từ Cổng chào Bình Dương với chiều dài khoảng 12,7km, tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng theo hình thức BOT, do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.
Hiện nay, Quốc lộ 13 đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương đang được nâng cấp, mở rộng từ 6 làn xe lên 8 làn xe nhằm giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông, ngập úng, tạo điều kiện thông thương hàng hóa. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, tỉnh Bình Dương gặp vướng trong việc di dời lưới điện nên việc thi công đang bị chững lại. Địa phương này đang thực hiện các giải pháp gỡ khó để đẩy nhanh tiến độ dự án.
Mong giải tỏa đến đâu thi công đến đấy
Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 được khởi công vào tháng 4/2022, đoạn từ Cổng chào Bình Dương (phường Vĩnh Phú, thành phố Thuận An) đến ngã tư Lê Hồng Phong (thành phố Thủ Dầu Một) với chiều dài khoảng 12,7km, tổng mức đầu tư 1.367 tỷ đồng theo hình thức BOT, do Tổng công ty Becamex IDC làm chủ đầu tư.
Sau khi dự án hoàn thành, nền đường sẽ được mở rộng thành 40,5m, nâng từ 6 làn xe lên 8 làn xe và có thêm 2 cầu vượt.
Dự án có 552 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó nhiều nhất là thành phố Thuận An với 470 hộ, 58 tổ chức, còn lại là ở thành phố Thủ Dầu Một. Các hộ dân đều ủng hộ việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 và mong muốn chính quyền nhanh chóng giải ngân tiền bồi thường để ổn định cuộc sống.
Bà Võ Thị Hồng Nga, người dân ở thành phố Thuận An cho biết, gia đình bị giải tỏa khoảng 600m2. Cuối tháng 3/2022, gia đình bà đã dọn dẹp ki ốt bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công, thế nhưng đến nay chỉ mới được tạm ứng ít tiền bồi thường.
“Ngày 1/11/2022 đến nay, gia đình chỉ mới được tạm ứng 12,5 tỷ đồng để sửa nhà. Giờ đã sửa xong các ki ốt nên phá bỏ, dọn dẹp phía trước để cho thuê. Mong rằng, chính quyền giải ngân sớm số tiền bồi thường, chứ hẹn một tháng nữa nhưng không biết được nhận không", Bà Võ Thị Hồng Nga nói
Các hộ dân đã nhận bồi thường, bàn giao mặt bằng thì mong muốn chính quyền đẩy nhanh tiến độ thi công. Theo các hộ dân, tuyến đường này được nâng cấp sẽ tạo đà phát triển mới cho Bình Dương, khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm cũng như ngập úng tại một số điểm trong mùa mưa.
Ông Bồ Văn Bông (65 tuổi), người dân ở thành phố Thủ Dầu Một nói: “Giải tỏa nay lâu lắm rồi, cả năm mà chưa làm. Giờ chỗ xong, chỗ chưa xong, chỗ chưa lấy tiền bồi thường. Giờ đây, đường hố hang nên muốn buôn bán gì cũng không được. Giờ nếu đơn vị thi công đặt cống, lót hành lang thì còn buôn bán nhỏ cũng được, chứ giờ đâu làm gì được vì không ai vào trong này mua đồ”.
Gỡ khó giải phóng mặt bằng và lưới điện
Để thuận tiện trong công tác giải phóng mặt bằng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết giảm ùn tắc giao thông, cơ quan chức năng phân Dự án mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 13 thành ba đoạn. Cụ thể, đoạn nút giao đại lộ Tự Do đến ngã tư Lê Hồng Phong (đã bàn giao mặt bằng đạt khoảng 80% so với số hộ được duyệt và đang được thi công); đoạn cầu Ông Bố đến nút giao Hữu Nghị (bàn giao khoảng 25% mặt bằng); đoạn từ cổng chào Vĩnh Phú đến cầu Ông Bố, đang hoàn thiện các thủ tục bồi thường.
Hiện nay, thành phố Thủ Dầu Một và thành phố Thuận An đang đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Chủ tịch UBND thành phố Thuận An cho biết: “Đảng bộ và chính quyền nhân dân thành phố Thuận An sẽ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ quan trọng là vận động nhân dân nhận tiền bồi thường và bàn giao mặt bằng. Địa phương phối hợp với đơn vị thi công tháo gỡ những vướng mắc trên từng đoạn, từng tuyến để công trình triển khai thi công đúng tiến độ”.
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, đơn vị thi công chỉ thực hiện giải tỏa, thi công một bên, sau đó điều chỉnh con lươn vào giữa để chia mỗi bên 4 làn xe. Song song đó, việc thi công cũng được thực hiện kiểu “cuốn chiếu”, tức là giải tỏa đến đâu làm đến đó. Trước mắt, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thành đoạn từ ngã tư Lê Hồng Phong đến đại lộ Tự Do.
Ông Võ Anh Tuấn, Chánh văn phòng UBND tỉnh Bình Dương thừa nhận, thời gian qua, việc thi công tuyến Quốc lộ 13 có chững lại một phần do vướng lưới điện. Theo Nghị định 11/2010, việc di dời lưới điện do ngành điện thực hiện nhưng chờ mãi vẫn chưa tiến hành. Bình Dương liên tục báo cáo, kiến nghị nhưng vẫn chưa được bộ ngành, trung ương hướng dẫn.
Mới đây, UBND tỉnh đã họp thống nhất tạm ứng ngân sách di dời. Nếu sau này trung ương quyết định đây là trách nhiệm của ngành điện thì ngành điện phải trả lại tiền cho địa phương.
Ông Võ Anh Tuấn cho biết thêm: “Công trình đang khởi động lại đẩy nhanh tiến độ đền bù, tập trung thi công. Cuối năm nay, cơ bản hoàn thành việc thi công nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Về vấn đề thu phí ở Quốc lộ 13, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch-Đầu tư, Sở Tài chính và các sở, ngành có liên quan căn cứ quy định pháp luật để làm việc với đơn vị đối tác, cụ thể là Becamex tính toán lại tổng mức đầu tư, thời gian khai thác, mức thu phí để báo cáo xin ý kiến trình HĐND tỉnh”.
Quốc lộ 13 qua địa bàn tỉnh Bình Dương dài hơn 62km là tuyến đường huyết mạch của hai tỉnh Bình Dương và Bình Phước, đồng thời kết nối các tỉnh Tây Nguyên với TP.HCM. Những năm gần đây lưu lượng xe qua lại đông nên đoạn đường từ Bình Dương đi TP.HCM thường xuyên bị ùn tắc. Để tuyến quốc lộ này thông thoáng, Bình Dương cũng đề nghị TP.HCM mở rộng, nâng cấp đoạn qua địa bàn Thành phố.