Gian lận thi cử ở Hà Giang: Sao chỉ “chĩa súng” vào 1 người?
VOV.VN - Người ta muốn biết, người đứng đầu đã nêu cao tinh thần “tự phê bình”, tinh thần “nêu gương” như thế nào?
Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang vừa thông báo danh sách các đảng viên bị kỷ luật có liên quan đến tiêu cực trong kỳ thi Quốc gia năm 2018. Trong số hơn 150 đảng viên bị kỷ luật có em gái ông Triệu Tài Vinh, nguyên Bí Thư Tỉnh ủy và hiện là Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Em gái ông Vinh đã nhờ người khác tác động để cháu ruột được nâng điểm thi, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Cháu ruột chính là con gái ông Triệu Tài Vinh. Nhiều người tin rằng, trong phi vụ nâng điểm này, có lẽ ông Vinh đứng từ xa thật, và có lẽ, cũng chẳng cần dùng đến tiền.
Gian lận thi cử: Sao dư luận chỉ chĩa búa rìu vào một người?Ảnh minh họa: Tuổi Trẻ |
Lâu nay, các quan chức, bằng sự ảnh hưởng của mình, bằng “quyền và thế” của mình, họ được phục vụ rất nhiều thứ mà không cần dùng đến tiền. Nhà đất của họ được doanh nghiệp “tạo điều kiện” để mua giá rẻ, có thể đứng tên mình hoặc vợ con. Công việc, học hành của con em mình, của họ hàng mình được “ngầm” ưu tiên vào những vị trí, những ngôi trường “thơm tho”. Thậm chí, con em họ muốn đi du học, sẽ có “ nhà tài trợ” lo liệu.
Có những thứ phải bỏ tiền ra mua nhưng với quan chức, nhiều khi, họ không cần phải bỏ tiền mà vẫn mua được. Đổi lại, đối tác phải được gì.
Cũng bởi vậy, việc con ông Bí thư (tại thời điểm 2018) bỗng dưng “được nâng điểm” cũng không phải chuyện lạ. Chỉ cần đánh tiếng từ xa qua cô em gái, thế là cấp dưới sẽ biết “trách nhiệm” của mình là gì. Nghiễm nhiên “cháu nó” có “điểm đẹp”, vào một trường Đại học danh giá và khi ra trường, đương nhiên, “người tài” phải được địa phương trải thảm đỏ, ưu tiên những vị trí tốt.
Công thức này phổ biến ở nhiều địa phương. Làm một vài năm rồi tính chuyện “nâng cao trình độ” bằng cách gửi đi học tập ở nước nọ, nước kia bằng tiền ngân sách. Rồi họ quay trở lại địa phương công tác, vừa có trình độ, vừa có ngoại ngữ. Không phải nhân dân không biết, không phải dư luận không hay. Nhưng họ biết vậy thôi, biết để mà buồn.
Vài năm trước, khi trả lời phỏng vấn phóng viên VOV về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, người đứng đầu tỉnh Hà Giang khi đó còn rất trẻ. Ông từng nói: “Cán bộ tốt thì lo gì dư luận xấu”. Rất nhiều thính giả, độc giả đồng tình và cảm kích vì sự tự tin, bản lĩnh của vị cán bộ.
Nhưng rồi, thời gian trôi qua, kỳ vọng lại không tỷ lệ thuận với thực tế. Tỉnh địa đầu Tổ quốc được dư luận nhắc đến với những lùm xùm về tình trạng “cả họ làm quan” hay ông Bí thư bị “gắp điểm bỏ tay người”. Chẳng biết ông ấy “oan mức độ nào” nhưng cái cách ông ấy trả lời báo chí và công luận thì thấy, ứng xử của người đứng đầu như vậy là không ổn khi ông ấy nói rằng “phần tôi thì dư luận phán xét xong rồi”, rằng ông ấy "phải đối mặt với thực tế và vượt qua nó”…
Chẳng cần soi chiếu đâu xa, cứ dựa vào những quy định gần đây của Đảng thì thấy, nó na ná thậm chí giống hệt những thứ mà lẽ ra đảng viên không được làm, nhất là cán bộ có quyền, có chức. Chẳng hạn, trong 27 biểu hiện suy thoái, có biểu hiện “trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật”.
Hay Quy định nêu gương ban hành ngày 25/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương nói rõ: Trong tự phê bình còn giấu giếm, không dám nhận khuyết điểm; khi có khuyết điểm thì thiếu thành khẩn, không tự giác nhận kỷ luật. Quy định nêu gương cũng không chấp nhận việc để vợ (chồng), bố mẹ, con, anh chị lợi dụng chức vụ, quyền hạn, uy tín của mình để vụ lợi. Trong trường hợp này, cô em gái ông Triệu Tài Vinh đã lợi dụng quyền của anh mình để mang lại “lợi lộc” cho “vợ chồng anh chị” – Quả thật, đó là điều đáng tiếc.
Lần lượt các vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hà Giang được đưa ra xét xử. Lần lượt các cán bộ tham gia vào đường dây “nâng điểm” ở 3 tỉnh miền núi bị xử lý kỷ luật, bị truy tố và chắc chắn, vụ gian lận điểm thi đặc biệt nghiêm trọng này không chỉ dừng lại ở đó.
Nhưng sao, trong số hàng trăm cán bộ vi phạm bị kỷ luật, bị truy tố, người ta lại chĩa "búa rìu" dư luận vào một vài người, mà cụ thể là những người họ hàng liên quan nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh?. Xin thưa, cũng chẳng có gì khó hiểu cả khi người ra muốn biết, người đứng đầu đã nêu cao tinh thần “tự phê bình”, tinh thần “nêu gương” như thế nào. Và người ta cũng muốn biết, các cơ quan chức năng xử lý cán bộ ra sao để “làm gương” cho người khác, để dư luận có niềm tin vào chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước./.
Hà Giang công bố 151 cán bộ, đảng viên liên quan vụ gian lận thi cử