Giáo dục học sinh cư xử đúng trên facebook là việc cần làm
(VOV) - Hiện nay, rất đông học sinh ở các thành phố đang sử dụng mạng xã hội facebook. Việc các em nói tục trên mạng, cũng phổ biến
Hai ngày nay, tên của trường THPT dân lập Lương Thế Vinh được nhắc đến ở khắp các diễn đàn trên mạng xã hội Facebook, bắt nguồn từ việc trường này vừa ra thông báo “Những điều “cấm kỵ” khi lên facebook” đối với học sinh của trường. Theo đó, học sinh tuyệt đối không được nói tục, văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt…; phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt.
Thông báo này cũng nhắc nhở học sinh chỉ like (nhấn biểu tượng "thích", biểu thị thái độ hưởng ứng) những điều đọc được khi xem kỹ nội dung của nó và nếu "like" những nội dung xấu, sẽ bị quy trách nhiệm...
Sau khi thông báo trên xuất hiện trên mạng, có rất nhiều ý kiến phản đối từ các bạn trẻ học sinh. Có những lời bình luận cho rằng quy định này là vô lý, là vi phạm quyền tự do cá nhân của học sinh, là không khả thi, là nhà trường sa vào lối "không quản được thì cấm".... Cách phản đối cũng muôn hình vạn trạng, có người phải đối một cách ôn hòa, có người thì lập tức văng tục hoặc dùng những lời lẽ thiếu văn hóa.
Hiện nay, rất đông học sinh ở các thành phố đang sử dụng mạng xã hội facebook. Việc các em nói tục trên facebook cũng phổ biến như một hiện tượng đáng lo ngại. Ví dụ, nhẹ nhất là từ "vãi", với ý nghĩa thông tục, nhưng có lẽ hiện là một trong những từ ta thường bắt gặp trên mạng và ra cả đời thường, được ghép với những danh từ hay tính từ để biểu lộ thái độ cảm thán, các em học sinh rất hay dùng (thậm chí từ này còn được ghép với tên sát thủ Lê Văn Luyện thành "vãi Luyện", chả hiểu với ý nghĩa gì ???). Các em bắt chước nhau, nói mà không ý thức được sự không hay, không đẹp của những ngôn từ ấy.
Những khi có chuyện bức xúc, các em lên mạng, bày tỏ thái độ về bạn bè, về thày cô một cách thoải mái, với những ngôn từ thô lỗ, thậm chí xúc phạm. Điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Thông tin trên mạng lan tỏa rất nhanh, rồi thậm chí bị thêm thắt, bóp méo, bàn tán... gây ảnh hưởng khó lường.
Tôi từng chứng kiến việc con gái của một đồng nghiệp bị xúc phạm trên facebook. Hồi đó cô bé đang học lớp 7, bỗng dưng bị chế nhạo nặng nề mà không biết nguyên nhân, và cũng không biết thủ phạm là ai ! Hàng tháng trời, cháu khóc lóc buồn bã, dằn vặt vì không biết mình đã làm điều gì sai khiến cho người khác phải lên facebook trả đũa như vậy. Rồi những lời bàn ra tán vào làm cháu xấu hổ với bạn bè. Ở tuổi mới lớn, mọi việc không dễ dàng gì. Cha mẹ có hỏi, cô bé cũng không nói. Mãi đến khi chuyện nguôi dần đi, cô mới kể lại với mẹ, mà vẫn bật khóc nức nở. Bạn tôi thương con, nhưng cũng không biết can thiệp cách nào, ngoài việc khuyên nhủ con mình phải vững vàng vì trong cuộc sống có những lúc khó khăn như vậy...
Thử hình dung, nếu con bạn cũng rơi vào tình huống đó, bạn sẽ làm gì ?
Đã có trường hợp con cái hư, lên mạng chửi bới cả cha mẹ, ông bà của mình, và bị cộng đồng mạng phản đối. Nhưng những lời nói, hành vi mà chưa thái quá đến như thế, thì mặc dù không tốt đẹp, hầu hết vẫn chẳng ai nói gì.
Rất nhiều người lớn cũng lên mạng hàng ngày, văng tục, nói bậy, chửi đổng... một cách thiếu văn hoá. Mâu thuẫn với chồng, vợ, cha mẹ chồng, vợ..., lên mạng kêu than. Mâu thuẫn với bạn bè, đồng nghiệp..., lên mạng chửi. Các bạn trẻ học sinh lên mạng, vô tình đọc được những thứ đó, rồi ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Chuyện chửi nhau trên mạng, chắc chắn là không tốt, từng có những vụ án hình sự xảy ra bắt đầu từ những mâu thuẫn trên mạng xã hội.
Ở nhiều nước, người ta có quy định rõ ràng và xử phạt nặng với những hành vi xúc phạm người khác, trong đó có cả việc nói xấu người khác trên mạng xã hội.
Những điều “cấm kỵ” mà trường THPT dân lập Lương Thế Vinh đặt ra, chính là một trong những cách giáo dục học sinh của nhà trường. Đó là thông điệp nhấn mạnh với các học sinh rằng, văng tục trên mạng xã hội, dù viết tắt, vẫn là hành vi xấu. Những quy định đưa ra có thể còn chưa chặt chẽ, nhưng có ý nghĩa nhất định vào thời điểm này, góp phần chấn chỉnh những hiện tượng thiếu lành mạnh khi học sinh sử dụng facebook tràn lan như hiện nay.
Ngoài 4 điểm “cấm kỵ”, trường THPT dân lập Lương Thế Vinh cũng lưu ý học sinh rằng "facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên facebook”.
Đây cũng là điều phổ biến trên mạng xã hội, nhất là khi Facebook đã trở thành thứ gây nghiện với nhiều người. Đã từng có câu chuyện hài hước lan truyền trên mạng thế này: cô giáo dạy cho học sinh về vệ sinh ăn uống, cô hỏi: trước khi ăn, chúng ta phải làm gì? câu trả lời mà cô mong đợi, có thể học sinh sẽ nói: trước khi ăn, chúng ta phải rửa tay sạch sẽ. Tuy nhiên, một học sinh giơ tay xin trả lời và nói: Thưa cô, trước khi ăn chúng ta phải chụp ảnh món ăn và "pốt" lên “phây-búc” ạ, mẹ con toàn làm thế!
Đưa món ăn lên mạng thì không sao, nhưng nhiều người có thói quen thông báo về mọi sinh hoạt riêng tư của mình lên mạng, có thể sẽ gây nguy hiểm nếu bị kẻ gian lợi dụng thông tin. Trong phần “Lưu ý” ở thông báo của trường Lương Thế Vinh, những lời khuyên học sinh về thể hiện văn hóa của mình khi lên mạng facebook cũng nhẹ nhàng và hợp lý.
Dạy, giải thích cho học sinh của mình về những mặt trái của mạng xã hội và cách ứng xử trên mạng xã hội là điều cần thiết mà các trường học nên làm. Vấn đề là cách thức tiến hành ra sao để thuyết phục và hiệu quả./.