Góc nhìn khác về “người hùng cô đơn” Đoàn Ngọc Hải
VOV.VN - Nhiều người ở xa cho rằng, ông Hải xin từ chức là “bi kịch” nhưng theo chúng tôi lẽ ra cần giải quyết việc này sớm hơn.
Mấy ngày qua chuyện ông Hải xin từ chức Phó Chủ tịch UBND quận 1 được nhiều ý kiến ở xa quan tâm. Có người nói đó là một “bi kịch”, rằng ông là “người hùng cô đơn” hay “ngôi sao cô đơn”.
Chúng tôi là người ở quận 1, lại có tham gia công tác ở khu phố, hơn 1 năm qua hiểu rõ việc ông Hải làm trên địa bàn. Ai cũng thấy việc chấn chỉnh trật tự vệ sinh lòng lề đường, đặc biệt ở những khu trung tâm các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là rất cần thiết.
Thực ra chuyện này không phải bây giờ mới làm. Trong bối cảnh công tác này chưa làm được quyết liệt rốt ráo, có chỗ còn ỉu ỉu, xìu xìu, thậm chí có chỗ còn tiêu cực, bất chợt có một nhân vật hành động đến mức cứng rắn, bấp chấp tự nhiên, nhân vật đó được chú ý và trở nên nổi tiếng.
Ông Đoàn Ngọc Hải trong một lần đi dẹp vỉa hè |
Ông Hải chọn cho mình con đường khác
Vậy trong quá trình “xuống đường” ông Hải đã hành xử như thế nào? Đã có hẳn một báo cáo về các sự vụ ông Hải và đoàn liên ngành xuống đường xử lý xe đậu trái phép, buôn bán lấn chiếm lòng lề dường với số tiền phạt hàng tỷ đồng và số tiền chi cho các phương tiện vào hoạt động đó hơn 400 triệu đồng, chưa kể tiền lương của cán bộ công chức nhân viên dành cho công việc này.
Ông tuyên bố “Đòi lại được vỉa hè”, rằng “Vỉa hè chỉ dành cho người đi bộ”, nghe thật sướng tai, nhất là khi xe ngược chiều đi tràn trên vỉa hè. Hoặc xe đậu ngổn ngang, người buôn bán ngang nhiên chiến dụng.
Nhưng bình tâm lại có người đặt câu hỏi: sao lại đặt vấn đề phải đòi lại, khi mà các đối tượng vi phạm đó chính là bà con nhân dân ngay trên địa phương, hoặc địa phương bạn đến. Đương nhiên, vi phạm thì xử lý nhưng có cần thiết phải đẩy vấn đề lên cao như vậy để biến việc chấn chỉnh trật tự lòng lề đường như một đấu tranh đòi công lý giữa những kẻ đối lập nhau hay không.
Có lẽ xuất phát từ nhận thức đó ông Hải mới “lỡ lời” phán rằng: Không muốn như vậy thì “Về U Minh mà ở….”. Nghe thông tin này một cán bộ về hưu quê ở Tây Nam bộ ở khu phố chúng tôi bình luận rằng: Đó là phát ngôn của một người nom kém về tư tưởng và văn hóa.
Ông Hải còn quyết liệt đến mức cho cẩu hai bốt gác trước Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở bến Chương Dương. May mà cảnh vệ tại đó kiềm chế, nếu không thành to chuyện. Nhưng ngay trong đêm đó ông Hải phải cho cẩu ngay 2 bốt gác trở về chỗ cũ.
Hay chuyện ông cầm đầu nhóm người đến trước Đài Tiếng nói Nhân dân TP Hồ Chí Minh đập 2 logo của Đài lập trong dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Đài, có đại diện của Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tuyên giáo Thành ủy và đại diện của Thành ủy, UBND thành phố cùng đến cắt băng khánh thành. Hai logo này gắn lên trên tường cạnh hai cổng Đài. Đập hôm trước hôm sau UBND quận 1 mang tiền và cho người đến tái lập lại. Lần này hai logo còn to hơn trước.
Ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo đập bậc tam cấp một khách sạn lấn chiếm vỉa hè |
Ông Hải lớn giọng đòi xử lý các bãi giữ xe. Thông tin qua các báo dường như ở quận 1 nhan nhản các bãi giữ xe vô phép. Và tại quản lý yếu kém của các phường mà ra. Hàm ý là có các lợi ích nhóm ở đây. Nhưng qua kiểm tra, tất cả các bãi giữ xe đều có phép, nhiều bãi do chính Phó Chủ tịch phụ trách quản lý đô thị Đoàn Ngọc Hải ký.
Việc xử lý rút giấy phép thẩm quyền cũng ở cấp quận. Ngay cả bãi xe sau nhà hát thành phố mà báo chí cho rằng bị ông Hải “trảm” cũng được cấp phép. Nay địa điểm này đang được nghiên cứu làm công viên. Công tích này được quy cho ông Hải. Nói thêm rằng, khi ký cấp phép, quận hoàn toàn không bàn bạc với Phường, khu phố về điều kiện hoạt động và quản lý.
Ông Hải bên cạnh phát ngôn gây sốc như nay đe nẹt sẽ cho cách chức cán bộ phường này, mai cho cách chức phường khác một cách "vô phép vô năng" còn có những hành động phản cảm khác.
Đó là việc ông cho lực lượng và trực tiếp đứng ra giật xập, cưỡng chế các chốt dân phòng rồi dục lên xe như đồ bỏ đi. Hành động này đã gây bức xúc cho nhiều cán bộ cao tuổi ở cơ sở và họ đã lên quận ủy chất vấn. Đồng chí Bí thư Quận ủy đã phải xin lỗi. Sau đó ông cũng phải lên báo xin lỗi về vụ việc “Về U Minh mà ở”.
Chốt dân phòng khi lập ra có phép tắc. Tổ chức dân phòng là tổ chức tự quản của nhân dân do UBND các phường chuẩn y. Lực lượng bảo vệ dân phố thành lập theo Nghị định của Chính phủ. Nếu cần dẹp sao không yêu cầu họ tự tháo dỡ? Đó là chưa kể có những chốt dân phòng không làm ảnh hưởng đến việc “Đòi lại vỉa hè” ông Hải cũng bắt tháo dỡ. Và tình hình đề phòng, ngăn chặn tội phạm ở những chỗ này trở nên phức tạp nhất là những đêm mưa lạnh.
Ông Hải cũng rất tự hào khi cho cẩu xe 80B, và cẩu cả xe biển số ngoại giao nữa. Xe 80B thì không sao, xe có thân phận ngoại giao họ được quyền miễn trừ đụng vào chính quyền thành phố phải xin lỗi. Sao đã làm ở cương vị ấy mà ông không hiểu. Hay vì quá nhiệt tình với các biện pháp cứng rắn, tự khẳng định mình mà ông không nhận thức ra được?
Có người nói ông Hải là người nhiệt tình, năng nổ, mục đích của ông là nhằm chấn chỉnh lại trật tự lòng lề đường ở quận 1. Vâng, cứ cho là mục đích rất tốt đẹp. Nhưng mục đích không biện hộ được cho phương tiện. Ở đây là cách thức ông tiến hành. Lấy một ví dụ mà ai ở gần dân sẽ biết: những người buôn gánh bán bưng. Họ ở tứ xứ tụ tập về. Bỏ ra 500.000, 1 triệu làm xe bánh mì, gánh cháo, nồi bún.
Sáng ra bị ông Hải đánh úp. Mớ bị gom, mớ bị đưa về trụ sở. Ngày hôm đó họ không những mất thu nhập mà còn mất vốn. Tại sao không gặp họ nói rõ các quy định, yêu cầu chấn chỉnh lòng lề đường rồi hãy cưỡng chế có phải tâm phục, khẩu phục không?
Rất may là trước những hành động cực đoan của ông Hài, Ban thường vụ Thành ủy có chỉ thị số 11, Chủ tịch UBND Thành phố ban hành kết luận, Ban thường vụ Quận ủy quận 1 ra thông tri số 14 uốn nắn và chỉ đạo công tác này. Tinh thần các văn bản này khẳng định sự cần thiết phải chấn chỉnh trật tự vệ sinh lòng lề đường.
Công tác này phải làm thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm và phải gắn với an sinh xã hội, sắp xếp chuyển đổi công ăn việc làm cho các hộ buôn gánh bán bưng. Phải tạo sự đồng thuận của xã hội, công tác này phải có sự lãnh đạo thống nhất và toàn hệ thống chính trị tham gia vận động nhân dân cùng thực hiện.
Sau các văn bản này, ông Hải nói với báo chí rằng, ông không được “toàn quyền”, rằng ông bị trói tay. Xin hỏi nếu để ông toàn quyền ông sẽ còn đập những gì nữa đây? Và người ta có quyền đặt câu hỏi rằng sau tất cả những hành động cực đoan ấy ông Hải mưu cầu điều gì? Vì dân quận 1 ư? Khó tin quá, vì nếu vì họ thì ông cần lắng nghe họ, tìm hiểu nguyện vọng xử lý vụ việc có lý có tình, không cần cứng rắn đến mức như trấn áp họ.
Cần nói thêm, với nhiều cuộc ra quân vận động kết hợp xử lý sai phạm, nhiều tuyến đường trong hàng trăm tuyến đường của quận 1 đã thông thoáng thấy rõ. Không ai phủ nhận kết quả kiên quyết cẩu xe, tháo dỡ lấn chiếm sai phạm của ông Hải trong một số các vụ vi phạm lòng lề đường. Nhưng nếu chỉ có thế, nếu như không có sự tham gia đông đảo của các lực lượng kể cả cô bác ở các khu phố trên cả địa bàn thì đường phố quận 1 không thể thông thoáng như ngày hôm nay.
Lấy những hình ảnh cũ, hoặc những vi phạm cục bộ hiện nay để làm bằng chứng cho suy diễn rằng nếu không có ông Hải xuống đường thì tình hình “đâu lại vào đó” là không công bằng, nếu như không muốn nói rằng xúc phạm đến nhiều cô bác tự nguyện tham gia hằng ngày công tác vận động giữ vững đường thông hè thoáng.
Bởi vậy, khi nghe có người ở xa cho rằng ông Hải xin từ chức là “bi kịch” còn chúng tôi những người tại chỗ lại cho rằng lẽ ra cần giải quyết vấn đề sớm hơn mới phải./.
Ông Đoàn Ngọc Hải là “người hùng cô đơn“