Hành trình “phượt” bằng xe máy xuyên Việt của chàng trai Canada
VOV.VN -“Từ sâu trong con người mình, tôi biết rằng: Tôi muốn đi, tôi muốn thử thách chính mình và cuối cùng tôi đã làm theo lý lẽ của con tim”.
Tôi tên là Jesse Peterson đến từ Canada. Tôi sống ở Việt Nam được hơn 5 năm rồi. Tôi đã từng tham gia chiến đấu ở Afghanistan, từng leo núi ở năm quốc gia khác nhau trên thế giới, và từng có trải nghiệm năm tuần ở Bắc Cực. Ở đó thời tiết vô cùng khắc nghiệt, nhưng tất cả điều đó không hứng thú bằng đi Phượt từ Hà Nội vào TP.HCM trong kì nghỉ Tết ở Việt Nam.
Có nhiều cách để ‘xê dịch’ từ Hà Nội đến Sài Gòn như máy bay, tàu hỏa, nhưng tôi đã chọn cách ‘xê dịch’ bằng xe máy. Tại sao ư ? Tôi muốn cảm nhận mọi vùng miền của Việt Nam một cách chân thật nhất.Mười một ngày sau khi rời Hà Nội, tôi đã về TP.HCM. Tôi đã khác đi nhiều lắm, gầy đi vì suy dinh dưỡng. Cái nắng, cái gió của một nước nhiệt đới đã khiến tôi mệt mỏi ít nhiều. Nhưng tôi rất vui, khi được trở về ngôi nhà quen thuộc ở TP.HCM, nơi mà sẽ tiếp tục ghi lại những kỉ niệm vui buồn, những cung bật cảm xúc khác nhau của tôi trong cuộc đời. Tôi sẽ mãi gắn bó nơi đây, nơi tôi thuộc về.
Trước khi rời Hà Nội để bắt đầu cuộc hành trình này tôi đã nhận được rất nhiều những lời khuyên và đa số trong đó là không tán thành bởi vì nó quá nguy hiểm. Nhưng từ sâu trong con người mình, tôi biết rằng: Tôi muốn đi, tôi muốn thử thách chính mình và cuối cùng tôi đã làm theo lý lẽ của con tim. Tôi nói lời tạm biệt với các bạn ở Hà Nội. Một vài buổi tiệc chia tay được diễn ra, chúng tôi uống rượu Táo Mèo cùng nhau, ôn lại những kỉ niệm mà tôi đã có khi gắn bó ở mảnh đất Thủ đô kèm với đó là những lời chúc sức khỏe và thành công. Hai ngày trước Tết, tôi mặc quần áo ấm và bắt đầu cuộc hành trình của mình.
Tôi rùng mình nhớ lại cái khoảnh khắc khi tôi đang lái xe 60km/h trên đường cao tốc thì bị người đàn ông say rượu đang điều khiển xe máy đâm vào, tôi nghĩ mình đã chết. Tôi đã bay lên trên tay lái, trượt xuống đường, và tôi đứng lên, không một vết trầy xước (không bị gì cả) một cách kỳ diệu mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn không sao lý giải được. Sau khi, mất khoảng một giờ để sửa xe tôi lại tiếp tục cuộc hành trình của mình đến Hà Tĩnh. Sau này, tôi đọc được thông tin trên báo rằng đã có 66 người chết vì tai nạn giao thông vào ngày mồng 2 tết. May mắn thay tôi không phải là một trong số đó.
Tôi đã trải qua ba ngày ẩm ướt và lạnh lẽo trên đường cho đến khi tôi đặt chân đến Hồ Xá, gần Quảng Trị. Đi trong những ngày quang còn đỡ vất vả, còn những ngày sương mù, người cách người vài mét còn không thấy rõ mặt nhau. Vậy mà, trong đêm hàng dài những chiếc xe tải thường xuất hiện bất ngờ sau những khúc cua gấp, nó giống như những cái bẫy đang chờ đợi và luôn luôn sẵn sàng nuốt chửng bạn nếu bạn mắc phải sai lầm. Mà đôi khi bạn phải trả giá cho những sai lầm đó bằng tính mạng của mình. Cảm giác được làm chủ bản thân mình, cảm giác trải qua gian khổ để đến thành công này làm tôi vô cùng phấn khích khi đối diện và vượt qua nó.
Ở Hồ Xá thời tiết mát mẻ hơn, không giống như ở Hà Nội với những đám mây lúc nào cũng vần vũ trên bầu trời. Tôi đã may mắn thoát khỏi tai nạn, giờ đây chỉ còn tôi với cuộc hành trình tuy vất vả nhưng đầy bất ngờ và thú vị. Hành trang của tôi trong chuyến đi còn nặng thêm, phong phú thêm bởi những cuộc trò chuyện với người dân địa phương, những người chủ cửa hàng nhỏ bên đường nơi tôi đã ghé qua. Hầu hết các cửa hàng đều đóng cửa trong những ngày này, nhưng tôi đã chuẩn bị sẵn bếp mini và một số thực phẩm trong ba lô của mình.
Tôi đến Hồ Xá và đã ở lại đó hai ngày, tôi mất hai ngày để có thể hiểu được giọng miền Trung. Sau tất cả những cuộc gặp gỡ, tiệc tùng, uống “rượu thuốc” và bia Huda, thưởng thức những món ăn đặc sản cũng như gặp gỡ bạn bè, tôi lại phải ra đi vì thức ăn và đồ uống tuyệt vời ở đây đã làm cho tôi quá béo. Nếu tôi không đi ngay, có lẽ tôi sẽ khó lòng cưỡng lại sự hấp dẫn nơi đây.
Thời tiết đột ngột thay đổi khi tôi đến Huế. Đáng lẽ tôi cần phải có sự chuẩn bị tốt hơn khi tôi thấy những cây dừa. Có lẽ tôi đã bị phân tâm khi đến Huế, bởi Huế hoàn toàn khác biệt tất cả mọi thứ tôi đã nhìn thấy trước đây ở Việt Nam.Với mong muốn cảm nhận hết sự khác biệt đó một cách chân thật và gần gũi hơn nên tôi đã không dùng khẩu trang bảo vệ khuôn mặt mình khỏi ánh nắng mặt trời. Khi tôi đặt chân đến Đà Nẵng và thăm bạn bè của mình thì mặt tôi đã đỏ như tôm luộc. Tôi đã có một bữa tối tuyệt vời cùng với ẩm thực Huế trước khi đi vào Hội An để ngủ qua đêm. Hội An thực sự đẹp, đẹp hơn những gì mà tôi đã tưởng tượng trước đó, nhưng trong vẻ đẹp ấy có thoáng một chút buồn, nó khiến tôi bắt đầu cảm thấy cô đơn khi tôi ở khách sạn.Tôi thầm nghĩ nơi này sẽ đẹp hơn, ấm cúng hơn và thích hợp hơn cho các cặp vợ chồng hay tình nhân. Vì vậy, trong buổi sáng tôi đã tiếp tục cuộc hành trình của mình đến Quy Nhơn.
Tôi đã nhớ che mặt của mình khi tôi lái xe dọc theo đường đèo. Tôi vô cùng sửng sốt bởi vẻ đẹp của biển, của núi rừng cùng với vẻ mộc mạc của làng quê trên quảng đường từ Hội An đến Quy Nhơn. Ở Quy Nhơn, tôi bắt đầu nhận thấy có sự khác biệt trong giọng nói và ngữ điệu, nó khác so với giọng Hà Nội, khác với những gì mà tôi đã thân thuộc trước đó. Khi tôi hỏi làm thế nào đi đến nhà hàng Đức, cô gái trong khách sạn nói "dể đi đó" mà không phải “dễ đi đấy" giống tôi đã nghe quen ở miền Bắc.
Trong một lần trò chuyện cùng một cô chủ quán ăn trên đường, cô tầm khoảng 50, giọng nói khác nhiều so với giọng Hà Nội, lúc nào cô cũng cười rất thân thiện. Nơi đây chắc hiếm khi có người nước ngoài đến nên cô vô cùng ngạc nhiên khi thấy sự xuất hiện của tôi. Và cô càng bất ngờ hơn nữa khi biết thông tin tôi đi phượt bằng xe máy từ Hà Nội đến Sài Gòn. Cô đã mời tôi ở lại nhà cô một đêm để nghỉ chân. Tối đó tôi nghe cô tâm sự về cuộc sống vất vả nơi đây, nhưng cô không buồn khi kể về nó. Tôi cảm nhận được sự lạc quan và tràn đầy niềm tin qua ánh mắt và nụ cười của cô. Trò chuyên cùng cô, tôi thấy mình cần phải có một tinh thần vững chắc để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống này một cách dễ dàng và thanh thản. À, cô còn giới thiệu con gái của cô với tôi nữa. Cô trêu tôi trước khi chia tay ‘Khi nào muốn làm rễ của cô thì quay về nhé’. Tôi chạy đi một đoạn nhưng vẫn mỉm cười, tôi trân quý tình cảm mà cô dành cho tôi, tuy mộc mạc, giản đơn nhưng vô cùng ấm áp.
Hành trình đi từ Quy Nhơn là khá xa. Tôi không lái xe nhanh kể từ khi tôi gặp tai nạn vào ngày thứ hai. Đất bắt đầu thay đổi. Khô hơn, cằn cỗi hơn. Đường thì thênh thang, người thì thưa thớt. Khi tôi rẽ vào con đường nhỏ để đến Đà Lạt, và đó chính là lần đầu tiên trong hàng nghìn km tôi đã trải qua tôi không thấy bất kì ngôi nhà nào trong mấy chục phút lái xe. Tôi chạy theo sự chỉ dẫn của Google Maps, hướng về con đường nhỏ đến con đường mang tên Đà Lạt. Trời bắt đầu sụp tối, mọi thứ mờ ảo hơn và tôi đang ở một nơi hoang vu, không một bóng người. May mắn thay, tôi có mang theo lều và một ít thức ăn. Những thứ này vô cùng hữu ích khi tôi không thể đi tiếp nữa, tôi đã quyết định qua đêm trong rừng.
Sau khi trải qua một đêm đáng nhớ trong rừng, tôi đã đi uống cà phê vào buổi sáng hôm sau. Người dân thân thiện hơn, nhiệt tình và hiếu khách nữa. Họ có rất nhiều điều muốn hỏi tôi, muốn tôi chia sẻ nhiều thêm. Nghe cách sử dụng từ ngữ, âm điệu của họ, tôi đoán cuối cùng tôi đã đặt chân đến miền Nam, nhưng họ cứ khăng khăng bảo rằng họ là người miền Trung. (Mặc dù họ nói “chớ” không phải “chứ”. Lần đầu tiên tôi nghe nói từ đó.)
Vào buổi sáng, hành trình tôi được nối dài thêm hơn một trăm cây số để đến Đà Lạt. Nhiệt độ trở nên ấm áp, tuy nhiên vẫn còn một chút gió, một chút lạnh lẽo. Nhưng cái lạnh ở đây không thể sánh với cái lạnh ở Hà Nội. Tôi không cần phải dùng găng tay và khăn choàng cổ để giữ ấm. Thông qua sự giúp đỡ của một người bạn,tôi tìm thấy một khách sạn rẻ và đẹp. Chủ khách sạn là một người phụ nữ tuyệt vời và thú vị. Cô ấy nhắc với tôi cẩn thận kẻo gặp rắn khi tôi đi dạo xung quanh vào ban đêm, cô nói rằng rắn thường leo từ trên cây xuống và cắn người.
Ngày cuối cùng cũng đã đến và đó cũng chính là ngày dài nhất trong cuộc hành trình, đường xá rộng rãi, thoải mái và rất ít người so với miền Bắc hay miền Trung. Tôi lái xe an toàn và tự tin hơn, tinh thần tôi cũng thoải mái và phấn chấn hơn rất nhiều.
Tôi đã mất thêm khoảng 40 km khi theo bản đồ Google, tìm đường vào quận 7 từ ngoại ô TP.HCM. Tôi được dẫn đến đường cao tốc và buộc phải quay lại vì nó chỉ dành cho xe hơi, điều này khiến tôi lo lắng và có một ít xáo trộn trong lòng. Tôi chán ghét những chiếc xe hơi, đăc biệt là xe buýt. Bởi vì xe bus là “ông hoàng” trên đường phố ở bất cứ đâu. Xe buýt lúc nào cũng lao thẳng vào người tôi, muốn tôi tránh nó nếu không nó sẽ “ăn tươi nuốt sống” tôi. Tôi mong điều này sẽ không bao giờ diễn ra nữa, tôi muốn tài xế có ý thức tốt hơn, lái xe hoà nhã, an toàn hơn khi lưu thông trên đường phố. Tôi đã thấy một số cảnh sát buộc những “hung thần xe buýt” này dừng lại, nhưng tiếc thay là lại được thả ra ngay sau đó. Nó lại tiếp tục quay về với bản chất ngang ngược, hống hách trên đường. Điều này hết sức nguy hiểm cho những người xung quanh. Tình trạng này đôi khi cũng xảy ra tương tự với xe hơi chèn xe máy nhỏ hơn nó.
Nhà tuy rất gần nhưng vẫn còn rất xa! Do không còn lựa chọn nào khác nên tôi hướng vào một đường mòn để quay lại cầu Sài Gòn và sau đó quay về phía nam tới nhà. Tôi đã xa nơi này gần hai năm, nhưng nó giống như tôi đã không bao giờ đi đâu hết cả, nó giống như lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng chào đón tôi trở về một cách âm thầm và kiên nhẫn. Tôi đã quá mệt mỏi, với hành trình của mình bởi tôi vừa hoàn thành lái xe khoảng 350 cây số, và 1.500 cây số trước đó. Nhưng những hàng xóm cũ của tôi đã chào đón tôi rất nhiệt tình, giống như cái cách mà họ chào đón một bằng hữu thân tình đã không gặp nhiều năm. Họ sắp xếp một bữa tiệc để chào đón tôi, gặp lại những gương mặt cũ, những người có thể uống rất nhiều bia và am hiểu về nó như thể một chuyên gia. Bao mệt mỏi trong tôi dường như tan biến, trong sự phấn khích khi được quay lại mảnh đất, nơi mà tôi thuộc về, tôi lại nhanh chóng hồi sinh./.