Học trực tuyến mùa dịch Covid-19: Chỉ là giải pháp tình thế?
VOV.VN -Trong khi dạy trực tuyến đang là giải pháp tình thế, với tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, có thể nói đây là điều kiện thuận lợi để cân nhắc cho học sinh trở lại trường...
Con gái tôi đang học cấp 2 trong một trường công. Sau thời gian nghỉ học vì dịch Covid-19, đến nay những thông tin về dịch cháu còn thạo hơn cả nhiều người lớn. Sau mỗi ngày, cháu có thể đọc vanh vách hôm nay có bao nhiêu người tử vong, nhiễm và nghi nhiễm ở những nước nào, Việt Nam tình hình dịch bệnh ra sao… Không phải vì cháu quá quan tâm đến dịch mà điều nó ao ước hiện nay là sớm được trở lại trường học.
Con tôi thích trở lại trường không phải vì ham học mà có lẽ bị “nhốt” ở nhà gần 1 tháng nay, nó đã quá chán chường. Tuần đầu được nghỉ, con có vẻ hào hứng, nhưng sau khi nhà trường thông báo nghỉ tiếp, nó đã chán ở nhà. Khi được cô giáo thông báo tự học thì dù có tự giác lấy sách vở ra học, nhưng cũng không có sự tập trung. Một phần vì con không biết cần học nội dung nào, bố mẹ lâu nay không để ý chương trình học của con, nên cũng không định hướng được cho con học như thế nào; một phần vì trẻ con khi học một mình ở nhà, không có người quản lý, học được đến đâu thì học.
Sang tuần thứ 3, nhà trường ra thông báo học online, con tôi mừng lắm nhưng lại lo lắng không biết học online là như thế nào. Bấy lâu nay, cháu có bao giờ được nghe hoặc được học như thế bao giờ. Tôi cũng không phải là người sành sỏi về công nghệ, chỉ biết giải thích với con là sẽ kết nối học qua mạng bằng điện thoại thông minh hoặc máy tính.
Phụ huynh chúng tôi được gom hết vào nhóm zalo của lớp để cô giới thiệu cách học, nhiều bố mẹ “low tech” như tôi lo lắng, không biết con sẽ học như thế nào, khi mà bấy lâu nay trong trường, các con bị cấm con dùng điện thoại thông minh, chỉ được dùng điện thoại “cục gạch” có mỗi chức năng nghe và gọi.
Việc học online ở nhiều trường đang khiến cô mệt mỏi, trò chán nản (ảnh minh hoạ) |
Rồi lo lắng của chúng tôi cũng được giải toả, “học online” ở đây chỉ đơn giản là cô gửi bài tập qua nhóm mail của lớp hoặc trên zalo, bố mẹ hay con tự tải về để con làm rồi chụp lại nộp cho cô theo thời gian quy định. Thế là từ tuần nghỉ thứ 3, các con được giao hàng núi bài tập của đa số các môn Toán, Văn, Anh, Hoá, Lý, viết thư UPU…. Ngày nào nó cũng bò lăn ra làm mà vẫn không thể giải quyết hết. Mệt và chán nản, con lại chỉ mong mau chóng được đến trường.
Còn cháu tôi ở quê đang học Đại học, cách đây 2 tuần, nhà trường thông báo chưa biết dịch diễn biến ra sao nên sẽ dạy online. Khi nghe thông tin đó, cả gia đình cháu hốt hoảng vì bố mẹ cả đời “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” lo cho con vào Đại học, tiền ăn tiền học cũng đã phải tằn tiện, giờ lại nghe nói con phải có mạng internet, phải có điện thoại thông minh hoặc máy tính mới học được. Khi vay mượn mua được những thứ cần thiết, thì việc nối mạng, học qua mạng như thế nào trong lúc này đối với họ lại còn khó hơn cả việc đi vay nợ.
Trở lại việc học của con gái tôi, từ khi con "học online”, lúc nào tôi cũng phải kè kè điện thoại mở mạng để vào nhóm của lớp xem cô có giao bài, dặn dò gì để còn báo cho con. Công việc của tôi khá bận, lại phải thường xuyên xem và gọi điện hướng dẫn, giải thích cho con cách tải bài, nộp bài, truyền đạt ý thông tin của trường, cô giáo khiến tôi tốn kha khá thời gian. Nhưng điều đó chưa thấm vào đâu so với sự bận rộn và mệt mỏi của cô giáo.
Thường xuyên vào nhóm, tôi thực sự thương cô bởi lúc nào cô cũng phải có mặt trên mạng, có khi đến tận đêm khuya để con nào nộp bài cô tải về chấm, sửa, hướng dẫn con làm lại những bài sai. Không phải mọi việc đều suôn sẻ, nhiều con đang dùng điện thoại “cục gạch” khi chuyển sang điện thoại thông minh nên lúng túng, chụp ảnh thì nhoè nhoẹt, chưa kể viết chữ quá xấu cô không thể luận ra. Mà việc trao đổi với các con cũng không phải dễ dàng như vẫn trực tiếp gặp, hướng dẫn là xong, mà chụp ảnh gửi đi gửi lại, chát đi chát lại mãi có khi nhiều con vẫn chưa hiểu. Cách "học online" như vậy vô tình đang tạo ra gánh nặng quá lớn đối với cô giáo.
Thực tế, cũng có một số trường tư hay một số trường công cũng học online nhưng không phải là cách như trường của con tôi, nhưng số này không là nhiều. Ở các trường này, trước khi xảy ra dịch, các con đã được tiếp cận với công nghệ. Học online đối với các con đúng nghĩa theo kiểu như lớp học trực tuyến, cô trò nói chuyện trực tiếp, thậm chí nhìn thấy nhau qua mạng nên khá hiệu quả. Ở nước ta, ngoài các trường ĐH, còn bậc Tiểu học, THCS, PTTH ít trường áp dụng cách học này vì không đủ điều kiện vật chất cũng như chưa có quy định cụ thể. Nhưng ở nước ngoài, đây là cách học khá phổ biến và hiệu quả, giảm thời gian, chi phí đi lại khá nhiều.
Có lẽ lường trước được hiệu quả của việc học online như hiện nay, Bộ GD-ĐT cho rằng, chưa có quy định nào cho phép việc dạy học chính khóa ở bậc phổ thông bằng cách trực tuyến, nên chắc chắn sẽ không có hướng dẫn nào về nội dung này.
Trước việc nhiều ý kiến băn khoăn rằng, việc tổ chức dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ học, liệu có được tính là dạy học chính khóa và không phải tổ chức dạy bù nữa hay không, ông Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) khẳng định, Bộ khuyến khích việc tổ chức dạy học trực tuyến nhằm củng cố, ôn tập kiến thức, duy trì nền nếp học tập cho học sinh nhưng không coi đó là thời gian dạy học chính thức. Bộ GD-ĐT nhấn mạnh việc dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch Covid-19 là cần khuyến khích nhưng không thể thay thế dạy trực tiếp. Vì vậy, các trường vẫn phải dạy bù để đảm bảo thời gian thực học.
Sau gần 1 tháng Thủ tướng chính thức công bố dịch tại Việt Nam, đến nay Việt Nam cơ bản đã kiểm soát cơ bản dịch bệnh. Kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, sau gần 1 tháng, cả nước chỉ có 16 ca mắc Covid-19. Trong gần 10 ngày qua, sau khi phát hiện thêm bé gái 3 tháng tuổi ở Vĩnh Phúc nhiễm Covid-19, không có thêm ca nhiễm mới. Hiện 15/16 bệnh nhân đã được chữa khỏi và xuất viện. Đến nay, một số tỉnh, thành đã bắt đầu đủ điều kiện công bố hết dịch theo quy định của Bộ Y tế.
Với tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, có thể nói đây là điều kiện thuận lợi để các tỉnh cân nhắc cho học sinh trở lại trường. Việc này vừa để học sinh không bị rơi rụng kiến thức sau một thời gian dài nghỉ tránh dịch, vừa có thời gian để dạy bù khi việc dạy học trực tuyến chưa đáp ứng hết, vừa đảm đảm kế hoạch thi cử của học sinh cuối cấp không bị quá xáo trộn....
Tuy vậy, dịch Covid-19 là một sự cố ngoài mong muốn của ngành Giáo dục, gây ra những bị động trong chương trình dạy và học, nhưng qua đây cũng là lúc để ngành Giáo dục nên nhìn lại để có những thay đổi từ chương trình học, thời gian nghỉ đến việc chuẩn bị nền tảng công nghệ thông tin như thế nào để có thể ứng phó với những tình huống bất ngờ xảy ra, để việc dạy và học ở hoàn cảnh nào cũng đạt chất lượng hiệu quả, tránh tình trạnh như hiện nay gây lãng phí thời gian và mệt mỏi cho cả người dạy và học.
Đã đến lúc, cần có một cái nhìn toàn diện để đổi mới thực sự nền giáo dục nước nhà như Nghị quyết của Đảng đã yêu cầu./.