Hội chứng "phát sốt"... khi con thi đại học!
(VOV) - Quá lo lắng cho việc thi cử của con, nhiều bà mẹ đâm lẩn thẩn, tin theo những điều sai quấy, thậm chí kỳ quặc!
Sáng mai theo dự định tôi sẽ đưa thằng cháu ruột đi thi đại học, thì tối nay, nhận được cú điện thoại của bà chị dâu, mẹ cháu:
- Cô ơi, mai cô không đưa cháu đi thi được đâu !
- Sao chị?
- Cô mệnh thủy, cháu nó mệnh hỏa, xung khắc.
- Thế thì làm sao bây giờ, vậy chị định nhờ ai đưa cháu đi thi?
- Thế mới khổ chứ, chưa biết nhờ ai bây giờ. Cô xem có ai mệnh mộc cơ, mộc sinh hỏa, mới tốt cho nó.
- Sao chị không nói sớm? Sáng mai đi thi rồi, giờ biết tìm đâu ra người… mệnh mộc mà nhờ ?
Để chuẩn bị cho cháu đi thi, tôi đã bố trí công việc, báo cơ quan trước cả tuần để thu xếp xin nghỉ phép. Cháu ở quê ra, lớ ngớ không biết đường xá, ở nhà cô ruột tức là nhà tôi, thì xa địa điểm thi. Thế là tôi phải thu xếp lo chăm sóc ăn nghỉ, lo đưa cháu đi thi. Giờ, còn thêm nhiệm vụ lo tìm người đưa đi thi mà phải… hợp mệnh!
Cái này thì tôi cũng đến bó tay. Bà chị dâu gọi điện nỉ non như nói sảng trong cơn sốt, nên tôi cũng cố ngồi vắt óc nghĩ cách gỡ. Nhưng càng nghĩ càng rối, làm gì có sẵn ai… mệnh mộc mà nhờ!.
Chồng tôi thấy tôi sốt ruột, chợt nhớ ra có bà bạn cũng có con đi thi đại học, bèn gọi điện hỏi thăm xem thế nào. Hai bên trò chuyện một hồi lâu, rồi ông xã tôi buông điện thoại mà thở dài: “Eo ơi, còn mê tín hơn cả bà chị nhà mình”.
Hóa ra là thế này, hôm qua, nhà ấy đã đưa con đi Văn Miếu để cầu may. Bởi vì theo kinh nghiệm người này người nọ, con học cũng không phải giỏi lắm, nhưng cầu cúng cẩn thận (!), năm ngoái đã đậu 2 trường. Vào Văn Miếu, thuê viết sớ cầu, rồi còn đến trước bảng vàng còn để trống tên, khấn, đoạn vẽ ngầm tên mình trên bảng vàng, áp bàn tay phải vào đó… thế mới đúng cách!
Còn dặn dò đủ điều. Trước hôm đi thi phải kiêng ăn lạc (kẻo lạc đề), kiêng ăn chuối (kẻo trượt vỏ chuối), kiêng ăn trứng (kẻo được điểm 0). Rồi lúc đi thi phải tránh gặp gái khi vừa ra đường.
Mấy điều này, nghe đã thấy nhảm. Nhưng lắm người trong cuộc vẫn nhất nhất tin theo, bởi nghĩ “có kiêng có lành”.
Từng đưa con đi thi, có lần tôi nghe mấy bậc phụ huynh than rằng con mình không biết dùng phao thì thiệt, trong khi con người ta toàn mang phao vào phòng thi. Cũng là một chuyện mù quáng khác, biết sai mà vẫn lăn tăn nghĩ. Chung quy cũng chỉ vì sức ép về việc chọn đường đời cho con, mà cánh cửa đại học dường như là cánh cửa dẫn đến con đường sáng sủa nhất.
Lùng sục suốt tối rồi cũng không tìm được ai mệnh mộc mà nhờ, tôi đành gọi điện cho chị dâu thông báo thế, và biết chắc bác ấy lại mất ngủ cả đêm nay lẫn đêm mai vì lo lắng cho mà xem.
Cũng nằm nghĩ miên man, tôi ước giá có cách thay thế những kỳ thi đại học đang gây căng thẳng và tốn kém cho nhiều gia đình, cho xã hội. Cũng có rồi đấy, báo đưa về đề án xét tuyển căn cứ vào kết quả học 3 năm THPT và kết quả thi tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, nếu việc học và thi không thực chất, không nghiêm túc và còn nhiều tiêu cực, thì kết quả xét tuyển đó lại không khách quan, không công bằng.
Cách thứ hai, là chọn những cánh cửa vào đời khác, ngoài trường Đại học. Thật ra vào được đại học rồi, tốt nghiệp ra trường, rất nhiều bạn trẻ vẫn không kiếm được việc làm hoặc phải làm việc trái ngành trái nghề, với mức lương thấp. Nhân lực chất lượng cao vẫn thiếu, người thì thừa mà không đáp ứng được. Vậy vấn đề là chọn nghề, chọn nơi đào tạo sao cho phù hợp. Cần những trường đào tạo có chất lượng mà người dân như có thể tiếp cận được (chứ ai chả biết trường chất lượng cao thì học phí cao, như nhà bà chị tôi, thu hoạch chính chỉ trông vào trồng trọt chăn nuôi thì sao dám cho con vào học). Đầu vào, đầu ra lại phải được quy hoạch tốt để đào tạo đúng nhu cầu xã hội. Nếu được như thế, lợi ích quả là rất lớn mà bệnh “phát sốt” của các bà mẹ khi con đi thi đại học sẽ đỡ đi nhiều./.