Khi “người rừng” nhan nhản trong thành phố

VOV.VN - Cứ không vui là lại chui vào cái tổ kén không phải là một lựa chọn đúng đắn, không giải quyết được vấn đề...

1. Sau một thời gian trở lại đọc báo mạng vì công việc, tôi lại mắc căn bệnh hoang mang lo sợ rồi tự kỷ ám thị. Nhất là tuần vừa rồi, cứ mở mạng ra là ập tới những thông tin đau lòng về các vụ tai nạn giao thông, vài vụ ẩu đả, thậm chí là bắn giết. Không chết và bị thương vì đụng nhau thì cũng vì đụng độ, không vì đụng độ thì cũng vì những thiếu hiểu biết hay vì vô cảm, vì tham lam hoặc vì những tắc trách giời ơi đất hỡi…

Sáng nay tôi lại băn khoăn, để giữ cho tâm hồn mình bình an, hay là…không đọc báo mạng nữa (?!). Nghe có vẻ tiêu cực, nhưng đó cũng là cách mà nhiều người đã chọn.

Cũng như thái độ với việc tham gia giao thông, trước những rình rập hiểm nguy bên ngoài, nhiều người đã chọn cách hạn chế ra đường.

Khi người dân cảm thấy không được bảo vệ trước cái xấu, cái ác thì việc thu mình lại là điều dễ hiểu.

Sự lựa chọn của người “văn minh” đôi khi lại có hơi hướng của … “người rừng”. Cứ cái đà này, chả cần phải vào rừng như bố con nhà nọ, cứ sống cách biệt từ tư tưởng đến hành động như hiện nay thì sẽ có rất nhiều “người rừng” sống trong thành phố.

2. Đang suy nghĩ miên man về một viễn cảnh “rừng hoá thành phố” cho một bộ phim khoa học giả tưởng thì tôi nhận được tin của đồng nghiệp Nhất Hoàng ở kênh VOV Giao thông gửi ra từ TP HCM viết về một hành động của người đàn ông nước ngoài.

Sáng 13/9, khu vực giao lộ Quốc Hương và đường song hành xa lộ Hà Nội (phường Thảo Điền, quận 2, TP HCM) bị tắc cục bộ, “ông Tây" này đã không chút ngần ngại xuống xe và lao ra giữa giao lộ giữa lúc trời mưa để hướng dẫn người dân đi đúng làn đường của mình.

Chứng kiến sự việc trên, nhiều người gần đó đã không ngần ngại đến hỗ trợ "ông Tây" cùng tham gia điều tiết giao thông.

Trước giờ, cứ lao ra đường là chúng ta “mạnh ai nấy làm” trong một cuộc tranh giành từng milimét đường. Vì thế hành động đẹp, ý nghĩa và đầy trách nhiệm của người đàn ông ngoại quốc trên chắc chắn sẽ khiến nhiều người trong chúng ta phải suy nghĩ.

Hành động của “ông Tây” này đi ngược lại giả thuyết “rừng hoá thành phố” của tôi. Không những thế, nó còn chứng minh rằng giả thuyết đó có thể bị phá hỏng khi nhiều người sẵn sàng hướng đến những hành động văn hoá, văn minh.

Tuy nhiên, lẻ mẻ tự phát kiểu ông Tây đó thì ăn thua gì.                

3. Tôi mang suy nghĩ của mình và câu chuyện này kể với một anh bạn. Anh ấy lại kể cho tôi nghe một câu chuyện khác, diễn ra ở rất xa, ở một nơi rất…lạc hậu. Đó là câu chuyện ở một bộ lạc Châu Phi.

Chuyện kể rằng: Khi ai đó làm một điều gì sai, họ mang anh ta đến trung tâm thị trấn và vây quanh người đó. Trong 2 ngày liền họ sẽ ôn lại những việc tốt mà người đó từng làm.

Bộ lạc đó tin rằng, mỗi chúng ta sinh ra trên thế gian này đều mong muốn sự an toàn, tình yêu, hòa bình và hạnh phúc. Nhưng đôi khi lại đánh mất bản thân mà làm việc sai trái với lương tâm. Cộng đồng đó nhìn thấy lỗi lầm như một tiếng kêu cứu.

Họ cùng nhau hợp lại, kết nối người đó với con người thật của mình, nói cho anh ta biết anh ta là ai, để người đã phạm sai lầm nhớ lại một sự thật mà anh ta đã tạm thời lãng quên: "TÔI LÀ NGƯỜI TỐT".

Tôi đã lặng đi khi nghe câu chuyện đầy nhân văn này.

Ở đây, không phải chỉ từng cá nhân ý thức được vai trò của mình, mà những người đứng đầu của bộ lạc phải là người thực sự giỏi giang, gương mẫu và công bằng thì mới hướng cộng đồng của mình đi theo những chuẩn mực giá trị đạo đức tốt đẹp, dân chủ và bác ái đến thế.

Phải thực sự đoàn kết, thực sự dân chủ và có tư duy phát triển đến một độ văn minh nhất định nào đó, một cộng đồng mới có thể nhận thấy lỗi lầm của một thành viên “như một lời kêu cứu” để rồi tất cả cùng góp sức vào sửa đổi.

4. Trong xã hội đầy rẫy những bất an đang ngày một gia tăng này, tìm một thông tin, một tín hiệu lạc quan có tác dụng thức tỉnh mỗi cá nhân thật là hiếm hoi, nhất là khi sự gắn kết cộng đồng ngày càng rời rạc, tạo điều kiện cho cái xấu lấn lướt, người ngay sợ kẻ gian.

Nhưng lẽ phải, điều hay bao giờ cũng có sức mạnh đặc biệt.

Chỉ hai câu chuyện mà tôi được nghe ngày hôm nay khiến tôi suy nghĩ lại. Cứ không vui là lại chui vào cái tổ kén không phải là một lựa chọn đúng đắn, không giải quyết được vấn đề. 

 "Bạn là một người tốt, chỉ vì thỉnh thoảng lãng quên mà bạn có những suy nghĩ và hành động sai lầm. Hãy nhớ lại và quay trở lại thành một người tốt như chính bạn đã từng là." – Anh bạn tôi nói như một triết gia.

Ừ nhỉ, người tử tế cần phải kết nối lại với nhau và phải sẵn sàng cùng nhau hành động như bộ lạc châu Phi kia.

Như thế, cái xấu, cái ác sẽ không còn chỗ dung túng nữa./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Sư tử đá ngoại lai vào chùa Việt qua đường "cung tiến"
Sư tử đá ngoại lai vào chùa Việt qua đường "cung tiến"

VOV.VN - Căn nguyên của hiện tượng sư tử đá nhan nhản thực ra nằm ở “vùng tối” của sự thiếu hiểu biết về văn hoá của những người cung tiến.

Sư tử đá ngoại lai vào chùa Việt qua đường "cung tiến"

Sư tử đá ngoại lai vào chùa Việt qua đường "cung tiến"

VOV.VN - Căn nguyên của hiện tượng sư tử đá nhan nhản thực ra nằm ở “vùng tối” của sự thiếu hiểu biết về văn hoá của những người cung tiến.

Nước Úc, những chuyện nhỏ tử tế
Nước Úc, những chuyện nhỏ tử tế

VOV.VN - Điều tôi muốn kể về nước Úc đó là những chuyện tử tế. Và đất nước này cho mọi người thấy sự tử tế ngay qua một người lái xe.

Nước Úc, những chuyện nhỏ tử tế

Nước Úc, những chuyện nhỏ tử tế

VOV.VN - Điều tôi muốn kể về nước Úc đó là những chuyện tử tế. Và đất nước này cho mọi người thấy sự tử tế ngay qua một người lái xe.

Không phải thầy giáo nào cũng thích nhận phong bì
Không phải thầy giáo nào cũng thích nhận phong bì

VOV.VN - Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta, là nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.

Không phải thầy giáo nào cũng thích nhận phong bì

Không phải thầy giáo nào cũng thích nhận phong bì

VOV.VN - Tôn sư trọng đạo là truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta, là nền tảng đạo đức của xã hội văn minh.