Khoe thành tích thi cử của con trên facebook, có nên không?
VOV.VN -Khoe điểm thi của con không phải là xấu. Con được điểm cao, tự hào quá đi chứ. Nhưng đôi khi việc khoe điểm lại tác động không tốt đến chính con mình
Trong tối hôm qua (14/6), ngay sau khi Hà Nội công bố điểm thi vào 10 công lập, face và mạng xã hội tràn ngập những điểm số của học sinh thi vào 10 được cha mẹ post lên. Và dặt chỉ thấy những con điểm đẹp, những câu hỏi kiểu “cho có”: “Với điểm này, con mình có vào được trường A, trường B không?”, “Con mình chán quá, Sử chỉ được 8”… bởi họ biết rõ rằng, với những điểm số như vậy, con sẽ vào được những ngôi trường mong muốn.
Thực ra khoe điểm không phải là xấu, đó chỉ là biểu hiện của sự vui mừng, tự hào khi đạt được điều mình mong muốn. Con được điểm cao, tự hào quá đi chứ. Nhưng nếu tĩnh tâm nghĩ kỹ, việc khoe điểm chỉ làm cho cha mẹ thoả mãn sự vui mừng lúc bấy giờ khi được nhiều người vào tung hô, khen ngợi nhưng đôi khi lại ảnh hưởng không tốt đến con trẻ.
(ảnh minh hoạ- internet) |
Cô bạn tôi có con học khá giỏi và cháu bé khá khiêm tốn. Nhưng một lần lướt face, cháu thấy mẹ khoe điểm của con tung toé với nhiều lời ca ngợi, tán dương làm cháu cảm thấy “xấu hổ”. Từ đó cháu bỏ luôn kết bạn “face” với mẹ và làm gì cũng e ngại, đề phòng vì sợ mẹ lại khoe trên mạng.
Đó là trường hợp con của bạn tôi là một đứa trẻ khiêm tốn, còn với nhiều trẻ khác, khi thấy mẹ khoe điểm số trên face, lại kèm theo nhiều lời tán dương, ca ngợi của mọi người, sẽ làm cho trẻ có tâm lý tự mãn, nghĩ rằng những điểm số đó là quá tốt rồi, không cần phải phấn đấu nữa.
Điểm số là một tiêu chí khá quan trọng để đo đếm sức học của mỗi học sinh nếu chúng ta đánh giá, sử dụng đúng “thước đo” này. Nhưng trong môi trường giáo dục như hiện nay, thước đo là điểm số đôi khi không còn là thước chuẩn.
Thật khó có thể tin nổi, khi hàng ngàn hồ sơ xin thi tuyển vào các trường chuyên cấp 2 ở Hà Nội mà toàn có điểm 10, không có nổi một điểm 9 trong 5 năm học Tiểu học.
Không thể nào một đứa trẻ, đang từ mẫu giáo ở tuổi ăn, tuổi chơi mà khi vào lớp 1 đã biến ngay thành “siêu nhân” với những điểm 10 đẹp đẽ.
Những điểm 10 đó vì sao lại dễ dàng đến như vậy? Bởi các con đang được học trong một môi trường trọng thành tích. Thành tích để bố mẹ có cái khoe với thiên hạ và được “nở mặt, nở mày”. Thành tích để nhà trường, thầy cô được bằng khen, giấy khen của cấp trên, để là cơ sở để được nâng lương, nâng “thương hiệu” của nhà trường, của thầy cô…Vì thế những điểm điểm số cao ngất ngưởng không còn nguyên giá trị của nó.
Với những đứa trẻ có ý thức thực sự, việc chúng biết được cha mẹ quá coi trọng điểm số sẽ tạo ra áp lực rất lớn đối với chúng. Con trẻ sẽ nảy sinh tâm lý học vì bố mẹ, học cho bố mẹ mà không tìm thấy niềm vui trong học tập và học cho chính bản thân mình.
Trong chặng đường học tập và trong cuộc đời mỗi con người, không phải lúc nào điểm số cũng đẹp, mọi việc cũng suôn sẻ, nếu một đứa trẻ quá áp lực với những thành tích cao thì chúng sẽ thấy rất mệt mỏi, thậm chí nảy sinh tư tưởng tiêu cực khi không đạt được mong muốn.
Vì thế, cha mẹ đừng vì chút hãnh diện của bản thân mà quên đi áp lực quá lớn con trẻ đang phải gồng gánh trên vai.
Và một điều cũng khá tế nhị, đó là sự thông cảm, chia sẻ lẫn nhau trong cuộc sống. Khi mình quá vui với niềm vui của mình mà không để ý đến nỗi buồn của người khác, thì niềm vui đó cũng không thể nào trọn vẹn.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, Hà Nội năm nay có khoảng hơn 100.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS. Số học sinh có cơ hội vào các trường THPT công lập chiếm khoảng 66%. Theo đó, hơn 34.000 em còn lại phải học tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên hoặc học nghề. Số gia đình chủ động cho con học trường tư cũng có nhưng không phải là đa số và đấy phải là những gia đình có khả năng về kinh tế. Bởi thế, niềm vui của 66.000 gia đình có con đủ chuẩn vào các trường công có thể là nỗi buồn của hàng ngàn gia đình khác.
Khoe, tự hào về thành tích của con là quyền của mỗi người nhưng cha mẹ cũng nên cân nhắc, tế nhị, đấy cũng là để bảo vệ cho chính những đứa con giỏi giang, thông minh của mình./.
Từ vụ cô giáo đánh hàng loạt học sinh: May mắn và Bất an!
Từ vụ gian lận thi cử: Có nên giữ kỳ thi “hai trong một” và thi trắc nghiệm?