Lễ hội âm nhạc có 7 người chết: Nỗi niềm người làm cha mẹ!
VOV.VN -Có ai ngờ, một đêm Đại nhạc hội dành cho giới trẻ lại trở thành đêm tang tóc của gia đình 7 thanh niên nam nữ đang tuổi ăn học, lao động.
Thông tin về số người chết trong đêm nhạc hội diễn ra ở Công việc nước Hồ Tây tối 16/9 khiến nhiều người rất sốc. Và còn sốc hơn nữa khi có thông tin, bóng cười được bán công khai ở đây. Đây là một loại ma tuý mà sao lại được mua bán dễ đàng như vậy?
Khung cảnh đêm nhạc hội. |
Thỉnh thoảng, báo chí đăng tin lực lượng chức năng phát hiện những nhóm thanh niên nam nữ tụ tập chơi ma túy rồi nhảy múa, chứ mấy ai ngờ, giữa một sự kiện văn hoá được cấp phép, có hàng nghìn người tham gia, họ lại công khai sử dụng các chất cấm để "phiêu", thăng hoa. Nếu những người trẻ có nhận thức đúng đắn về cuộc sống, vui chơi thì có cần thiết phải đua đòi, buông thả như vậy mới được coi là sành điệu?
Có lẽ trong số chúng ta, ai cũng biết hoặc có bạn bè, người quen và đau khổ hơn là có người thân nghiện ma tuý. Khi đã dính vào loại tệ nạn này thì mọi tài sản cũng đều đội nón ra đi, nhiều mối quan hệ xã hội lành mạnh rồi cũng sẽ kết thúc; tài sản kiệt quệ rồi thì sinh ra trộm cắp... Từ ma tuý và các chất gây nghiện khác đã khiến bao câu chuyện đau lòng xảy ra. Các nhà hoạt động xã hội, các phương tiện truyền thông đại chúng ra sức tuyên truyền về tác hại của ma tuý đối với gia đình, xã hội; các chương trình giảng dạy từ cấp học phổ thông đến đại học cũng đều có nội dung này, nhưng không hiểu vì lý do gì mà nhiều bạn trẻ vẫn tò mò lao theo những sở thích chết người ấy.
Trở lại câu chuyện đau lòng vừa xảy ra, đến dự đại nhạc hội phần lớn là giới trẻ, được học hành tử tế, có gu thưởng thức âm nhạc hiện đại… nhưng vì đâu lại có những hành động lệch lạc nguy hiểm đến tính mạng? Theo những thông tin ban đầu mà cơ quan công an cung cấp và những người đến dự buổi nhạc hội chia sẻ thì rõ ràng khâu tổ chức, quản lý sự kiện này rất có vấn đề. Những sai phạm đó cần được pháp luật xử lý nghiêm bởi nó đã phải trả bằng mạng sống của ít nhất 7 con người.
Người chết là các em, người chịu thiệt là các em nhưng người phải gánh chịu đớn đau lại là cha mẹ các em và những người ở lại. Rõ ràng, vừa mới hôm qua thôi, những người này còn là tương lai, hy vọng của các gia đình, là chỗ dựa lúc tuổi già của các ông bố, bà mẹ, thế mà hôm nay, gia đình họ đã phải chịu cảnh "kẻ đầu bạc tiễn mái đầu xanh".
Trip to the moon (du hành tới mặt trăng), một chuyến du hành đầy đau thương và nước mắt. Các cơ quan thực thi pháp luật cần lập lại trật tự để tương lai các hoạt động văn hoá không là nỗi khiếp sợ của nhiều người, đặc biệt là những người làm cha mẹ mỗi khi cho con tham gia các sự kiện văn hoá có đông người./.